Bác sĩ cần có kiến thức đúng để hành động đúng
Tại buổi truyền thông về dịch bệnh do virus Corona, GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết: Hoạt động này nhằm trang bị cho thầy và trò của Trường những kiến thức khoa học đúng đắn về bệnh dịch, để từ đó hành động đúng trong phòng, chống lây nhiễm cho cá nhân và cho cộng đồng.
GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết thêm: Khi có thông tin về bệnh nhân cúm Corona đầu tiên ở Việt Nam, một số trường đại học cho sinh viên kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm 1 tuần, nhưng Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội đã quyết định sinh viên của Trường vẫn đi học bình thường. Vì đặc thù của sinh viên Đại học Y là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, nên phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để tự bảo vệ bản thân, có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng, đồng thời chung tay cùng ngành y tế phòng, chống dịch.
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội: "Thày và trò Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định trách nhiệm với cộng đồng, với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, luôn sẵn sàng khi nhân dân và ngành y tế cần"
|
Ngày nay, bệnh tật không phải là vấn đề của riêng một quốc gia nào nữa. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông mạng phát triển vượt trội so với phương tiện truyền thông truyền thống, trong khi các biện pháp kiểm duyệt, sàng lọc chưa hiệu quả, khiến cộng đồng rất khó phân biệt thông tin thật - giả, đúng - sai.
“Chính vì vậy, tôi muốn mỗi học viên, sinh viên và cán bộ viên chức Trường Đại học Y Hà Nội, khi đã được trang bị những hiểu biết, kiến thức đúng đắn về bệnh dịch này, sẽ không chỉ là những nhà chuyên môn, mà còn là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng, để phổ biến sâu rộng những thông tin và những biện pháp chuyên môn chuẩn mực, nhằm đối phó với bệnh dịch. Thày và trò Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định trách nhiệm với cộng đồng, với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, luôn sẵn sàng khi nhân dân và ngành y tế cần” – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội bày tỏ.
Với quan điểm đó, những kiến thức khoa học về bệnh dịch được các chuyên gia đưa ra rất sâu rộng, bác bỏ những tin đồn, những quan niệm sai lầm về bệnh, dẫn đến phòng bệnh sai đang lan truyền trên mạng.
BS. Satoko Otsu - Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng WHO tại Việt Nam
|
BS. Satoko Otsu - Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng WHO tại Việt Nam – thông tin về tình hình dịch do virus Corona cùng những khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế Việt Nam trong dự phòng lây nhiễm.
BS. Satoko Otsu nhấn mạnh: “Đây là lúc chúng ta đối diện với thực tế chứ không phải để sợ hãi. Là lúc chúng ta phải dựa vào các bằng chứng khoa học chứ không phải tin đồn”.
Bà lưu ý: Bệnh viêm phổi do virus Corona chủ yếu ở tuổi trung niên, dao động từ 21 đến 80 tuổi và nam nhiều hơn nữ. Bệnh có tỉ lệ tử vong khoảng 2,3%, nhưng lây lan nhanh hơn các loại dịch khác. Phần lớn đều có biểu hiện nhẹ, nhưng rồi nặng lên trong khoảng 2 tuần và nhiều người đã tử vong. Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị, chỉ cách ly, vì thế, bác sĩ điều trị, làm xét nghiệm phải được bảo hộ chặt chẽ. Khác hẳn các vụ dịch khác, các bài báo khoa học xung quanh vụ dịch do virus Corona vô cùng nhanh và được sử dụng miễn phí.
Chưa có xét nghiệm dịch vụ virus Corona
TS. Phạm Quang Thái –Phó Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – thông tin: Chưa bao giờ hệ thống phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam minh bạch thông tin như vụ dịch virus Corona. Lần đầu tiên các xét nghiệm được công bố ngay lập tức.
TS. Phạm Quang Thái – Phó Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
|
“Việt Nam hiện có 10 người mắc virus Corona, nhưng chưa có ca tử vong. Chỉ có một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi bị nặng, còn lại đều bệnh nhẹ. Nhiều người hỏi có phải dịch ra khỏi Trung Quốc thì gen virus kém đi? Không phải, mà thực tế các bệnh nhân người Việt đều còn trẻ, miễn dịch tốt. Nhưng nếu những người này không được quản lý tốt thì sẽ lây lan ra cộng đồng và làm hệ thống y tế quá tải” - TS. Phạm Quang Thái thông tin.
TS. Thái cho biết thêm, chỉ trong 1 ngày, đường dây nóng của Bộ Y tế có 18.000 cuộc gọi, trong đó rất nhiều người hỏi về tình hình 3 người mắc virus Corona và muốn xét nghiệm thì ở đâu. Nhưng hiện chưa có xét nghiệm dịch vụ, chỉ có người đi từ vùng dịch về được xét nghiệm tại các Viện. 2 người trong đoàn 8 người đi Trung Quốc không có triệu chứng gì, nhưng Viện Vệ sinh dịch tễ vẫn lấy mẫu cả 8 người để xét nghiệm và sẽ có trong 1-2 ngày tới.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trưởng bộ môn vi sinh Trường Đại học Y Hà Nội
|
Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trưởng bộ môn vi sinh Trường Đại học Y Hà Nội- các bệnh viện của Việt Nam đều chuẩn bị sẵn sàng để điều trị khi có bệnh nhân mắc virus Corona. Tới đây sẽ mở rộng số bệnh viện được xét nghiệm. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 1.000 giường, có các phòng áp lực âm cố định và lưu động, để cách ly người bệnh. Các bệnh viện khác không có phòng áp lực âm, sử dụng khu vực cách ly vẫn hiệu quả.
Khẩu trang dùng cho người bệnh chứ không phải cho người lành
BS. Vũ Quốc Đạt –giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội – cung cấp những thông tin rất hữu ích về phòng bệnh: Nhiều người lo lắng vật nuôi trong nhà sẽ lây bệnh do virus Corona, nhưng chỉ có động vật hoang dã mới truyền bệnh. Tin đồn về các phụ gia, thực phẩm như nước tương, dầu gió có thể phòng là bệnh hoàn toàn sai.
BS. Vũ Quốc Đạt –giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội – đưa ra kiến thức khoa học để phản bác những quan niệm sai lầm về phòng bệnh cúm Corona
|
Đặc biệt, BS. Đạt chỉ ra hiện nay rất nhiều người sai lầm khi dùng khẩu trang. Virus Corona không lây qua không khí, mà lây qua giọt bắn, nên người bệnh dùng khẩu trang có thể ngăn được phần lớn giọt bắn. Do đó, khẩu trang dùng để nhằm hạn chế sự phát tán của người bệnh, chứ không phải người khỏe dùng để tránh được bệnh. Do đó, WHO khuyến cáo những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang.
“Không nên dùng khẩu trang rộng rãi cho người lành, vì có thể còn nhiễm bệnh do sử dụng không phù hợp, như không rửa tay ngay sau khi đeo khẩu trang, khi sờ vào mặt ngoài khẩu trang; dùng khẩu trang suốt một ngày vv…” – BS. Đạt nhấn mạnh.