Một cửa hàng Apple tại Bắc Kinh (Ảnh: SCMP) |
Kể từ khi ra mắt cách đây hơn 17 năm, trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc, iPhone không đơn giản chỉ là một chiếc điện thoại thông minh mà còn là một biểu tượng về sự giàu có. Điều này đặc biệt đúng với thế hệ trẻ Trung Quốc, những người lớn lên với sự ảnh hưởng của văn hóa Hoa Kỳ từ việc uống Coca-Cola đến xem phim Hollywood kể từ khi Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế vào đầu những năm 1980.
Tuy nhiên, gần đây, sức hấp dẫn của iPhone đã giảm sút và Apple, công ty công nghệ tiêu dùng hàng đầu thế giới, đang mất dần sức hấp dẫn tại Trung Quốc.
Apple đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể thị phần tại Trung Quốc. Lần đầu tiên, trong quý 2 vừa qua, năm mẫu điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc đều là các thương hiệu trong nước, theo Canalys.
Năm mẫu điện thoại đứng đầu là Vivo, tiếp theo là Oppo, Honor, Huawei và Xiaomi. Apple tụt xuống vị trí thứ 6, chỉ nắm giữ 14% thị phần.
Các sản phẩm của Apple thiếu sự thay đổi mang tính đột phá
Chiến lược phát triển iPhone của Apple cũng là một trong những lý do dẫn tới tình trạng hiện tại. Các nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc, như Huawei Technologies và Xiaomi, đã đầu tư mạnh vào quan hệ đối tác, bao gồm tích hợp ống kính máy ảnh Leica và công nghệ chụp ảnh để nâng cao chất lượng hình ảnh - phục vụ cho người tiêu dùng Trung Quốc coi trọng việc chụp ảnh.
Các nhà phân tích trong ngành đã bày tỏ mối lo ngại về việc iPhone thiếu sự đổi mới trong những năm gần đây, đặc biệt là khi giá của một chiếc iPhone hiện nay ngang ngửa với một số máy tính xách tay. Điện thoại mang thương hiệu Trung Quốc thường có giá bằng một phần ba đến một nửa giá của iPhone, khiến Apple rơi vào tình thế khó khăn trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng đang dần suy yếu.
Một cuộc chiến tương tự về giá cũng đang diễn ra đối với thị trường xe điện (EV), nơi BYD và các nhà sản xuất EV trong nước khác đang giảm giá mạnh để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài như Tesla. Được biết, Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán xe.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên sáng suốt và thực dụng hơn; họ không còn coi các thương hiệu công nghệ nước ngoài như Apple là “cao cấp” nữa. Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng trong suốt thập kỷ qua.
Ngay cả các nhà lãnh đạo công nghệ Hoa Kỳ cũng thừa nhận xu hướng đổi mới này. Nhà sáng lập và CEO của Meta, Mark Zuckerberg đã từng nói rằng ông nên học hỏi từ WeChat - siêu ứng dụng của Trung Quốc, tích hợp nền tảng nhắn tin, phương tiện truyền thông xã hội, thanh toán và hàng chục dịch vụ trực tuyến khác.
Tình trạng nhu cầu sụt giảm có thể không kéo dài mãi, nhưng đối với Apple và các thương hiệu nước ngoài khác với tham vọng duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng Trung Quốc, việc hiểu và chấp nhận bản địa hóa là rất quan trọng. Người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hàng ngày của họ. Đối với điện thoại thông minh, họ ưu tiên các tính năng như chất lượng chụp ảnh, đồng thời tích hợp liền mạch với các ứng dụng thiết yếu của Trung Quốc như ví điện tử, thương mại điện tử và giao thông công cộng.
Việc Apple thiếu các kế hoạch bản địa hóa cho từng quốc gia và đặc biệt là Trung Quốc có thể đến từ văn hóa doanh nghiệp tập trung của công ty. Các quyết định quan trọng từ thiết kế đến tiếp thị đều được đưa ra tại trụ sở chính của công ty ở Cupertino, California. Đối với Apple, Trung Quốc chỉ đơn giản là nơi lắp ráp thiết bị.
Trong khi Apple liên tục đánh mất thị phần tại Trung Quốc, các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc lại đang thu hút nhiều người tiêu dùng hơn trên toàn cầu. Mặc dù Samsung và Apple vẫn là hai thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, nhưng Xiaomi đã nhanh chóng bắt kịp, thu hẹp khoảng cách về thị phần. Đến cuối quý 2 năm nay, Xiaomi đã chiếm 14,8% thị phần trên toàn cầu so với 15,8% của Apple.
Apple chuẩn bị ra mắt dòng iPhone 16 vào tháng tới, giới thiệu thế hệ iPhone được hỗ trợ bởi sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) - Apple Intelligence. Đây là cơ hội mới để Apple giành lại sự ủng hộ của người tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng kế hoạch này cũng có thể gây ra rủi ro mới cho Apple. Nếu công ty không chứng minh được AI của mình có thể hoạt động hiệu quả tại Trung Quốc - một thị trường nổi tiếng với các quy định nghiêm ngặt về internet - Apple có thể phải đối mặt với nguy cơ mất thêm thị phần tại quốc gia tỉ dân.
Huawei hiện đã có hệ thống AI riêng, trong khi các thương hiệu Trung Quốc khác cũng đã hợp tác với các nhà phát triển AI lớn của Trung Quốc như Baidu, Alibaba Group Holding và Tencent để phát triển khả năng AI trên các mẫu điện thoại của họ.
Con đường phía trước của Apple tại Trung Quốc sẽ đầy thách thức. Công ty phải tăng cường tập trung vào việc bản địa hóa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.
Theo SMCP