Vào những năm đầu của Android, ngay cả những chiếc smartphone Android đầu bảng như Galaxy S II cũng bị cho là có chất lượng kém hơn hẳn iPhone: chúng chậm, giật và kém ổn định. Mọi thứ rõ ràng là đã thay đổi, và giờ đây những chiếc Android cao cấp có thể được coi là vượt trội iPhone về nhiều mặt: camera, pin, tính năng, khả năng tùy biến.
Ấy vậy mà một chiếc iPhone "bình thường" vẫn có giá cao hơn hẳn một chiếc Android "bình thường". Tại sao lại có nghịch lý này?
Sánh vai với Apple
Trước khi thực sự đi vào vấn đề chính, hãy cùng điểm lại những con số quan trọng nhất. Chiếc iPhone 6s màn hình 4.7 inch có giá khởi điểm tại Mỹ là 650 USD (khoảng 14,5 triệu đồng) cho phiên bản khởi điển 16GB. Cứ tăng bộ nhớ lên mức tiếp theo (64GB và 128GB) thì giá thành lại tăng thêm 100 USD. Chiếc phablet iPhone 6s Plus có giá đắt hơn iPhone 6s cùng dung lượng 100 USD: phiên bản iPhone đắt nhất Apple đang bán ra có giá lên tới 950 USD (hơn 21 triệu đồng).
Tại thị trường Mỹ, Galaxy S7 chỉ có duy nhất tùy chọn 32GB nhưng lại có khả năng mở rộng thêm 200GB thông qua thẻ microSD. Mức giá thấp nhất cho chiếc Galaxy S7 không khoá mạng chỉ vào khoảng 600 USD thông qua các chuỗi bán lẻ như Best Buy. Chiếc Galaxy S7 edge màn hình lớn và vát cạnh có giá khởi điểm ngang với iPhone 6s Plus: 750 USD.
Khi so sánh các đối thủ iPhone và Galaxy cùng mức giá thì bạn sẽ thấy nghịch lý xảy ra: sản phẩm của Samsung có màn hình lớn hơn hoặc sắc nét hơn, có pin lâu hơn, bộ nhớ lớn hơn (đặc biệt là khi kết hợp thẻ nhớ), nhiều RAM hơn, camera tốt hơn, có khả năng sạc không dây và thậm chí là chống nước chuẩn IP68 nữa.
Thay vì đi vào tranh cãi Galaxy S7 có phải là một chiếc smartphone siêu việt hơn iPhone một cách khách quan, điều đáng nói là tại sao Apple có thể đặt ra mức giá cao hơn cho những chiếc điện thoại gần như yếu đuối hơn smartphone Android trên mọi khía cạnh? Đó là còn chưa kể tới LG G5 hay HTC 10, những chiếc smartphone có giá không hề cao hơn iPhone nhưng lại có nhiều tính năng phần cứng và phần mềm tuyệt vời hơn.
"Nó đơn giản là hoạt động tốt"
Đây là câu nói cửa miệng của iFan. Và quả thật, "khu vườn đóng" của Apple cho phép các kỹ sư của Táo có thể tối ưu phần cứng và phần mềm đến mức độ gần như là hoàn hảo, tạo ra một trải nghiệm mượt mà, ổn định. Trong khi Android của những năm gần đây đã được cải thiện hiệu năng đáng kể, Apple vẫn luôn giữ được danh tiếng về trải nghiệm dễ sử dụng, ổn định – một điều đến nay có thể không còn là thực tế nữa.
Bất kể người ta có ca ngợi tính mở của Android đến đâu thì sự thật là phần đông người tiêu dùng không hề quan tâm tới launcher, khả năng root smartphone, các bộ ROM custom hay APK. Android đã và sẽ luôn là hệ điều hành dành cho những người thích tìm tòi, của Apple là chiếc điện thoại là chiếc điện thoại dành cho những người không muốn phải bỏ công tìm tòi về hệ điều hành.
Android thường chỉ bộc lộ sự thua kém rõ rệt với iOS là khi có một scandal bảo mật nào đó xảy ra hoặc khi Apple công bố tỷ lệ cập nhật lên phiên bản iOS mới nhất. Nhưng liệu một trải nghiệm "đơn giản là hoạt động tốt" có đủ để tạo ra mức giá cao ngất ngưởng cho iPhone? Rõ ràng là không.
Tôn giáo Apple
Không thể phủ nhận được rằng Steve Jobs biết tạo ra ấn tượng "sành điệu" cho người dùng. Thành công của iPhone là nhờ nổi bật hơn hẳn số đông. Đây là chiếc điện thoại mà bạn có thể nhận ra trong đám đông, là chiếc điện thoại được các ngôi sao (bao gồm cả những người… tham gia quảng cáo cho Samsung) sử dụng, nói tóm lại là chiếc điện thoại mà người ta muốn đem ra khoe khoang với người khác. Có thể nói rằng iPhone là thứ đồ chơi số duy nhất mà ai cũng biết đến, bao gồm cả những người mù công nghệ nhất.
iPhone không phải là một sản phẩm, mà là một cộng đồng, một lối sống, một hệ tư tưởng.
Đó là lý do vì sao, trong một cuộc khảo sát tại New York, nhiều người bày tỏ sự thích thú với LG G5 và Galaxy S7 edge nhưng vẫn khẳng định "sẽ không bao giờ mua Android".
Những chiến dịch marketing hiệu quả và tâm lý "bằng bạn bằng bè" giúp cho iPhone thống trị phân khúc smartphone cao cấp, ngay cả khi đã từ lâu Apple không còn giữ được khả năng sáng tạo của thời kỳ Steve Jobs. Đây là chiếc smartphone người ta muốn sở hữu để chứng tỏ sự thành công (và sành điệu) của mình với bạn bè. So sánh iPhone với Vertu hay Porsche là sai hướng hoàn toàn. iPhone không cần là chiếc smartphone đắt nhất thế giới, iPhone chỉ cần là chiếc smartphone đắt nhất mà phần đông người tiêu dùng muốn sở hữu mà thôi.
Các fan Android muốn gọi iFan là "iSheep" (những con cừu ngu ngốc), nhưng thực chất các hãng sản xuất Android cũng sở hữu một lượng fan cuồng ngu ngốc và đông đảo không kém gì Apple. Nhiều người trong số họ sẵn sàng lên tiếng khẳng định sẽ không bao giờ thừa nhận bất kỳ thành tựu nào của Apple và sẽ không bao giờ phí tiền mua iPhone, tất cả chỉ để chứng minh trí tuệ siêu việt của "fandroid có hiểu biết công nghệ".
Vậy thì điều gì khiến cho các fan của Android ngày càng yêu thích những chiếc smartphone giá rẻ thay vì bỏ tiền ra mua những chiếc đầu bảng đầy đủ tính năng? Lý do có phải bởi fan của Android khó tính, muốn chạy đua cấu hình và tính năng ở mức giá thấp nhất có thể? Chưa chắc, vì phần lớn người dùng Android cũng không hề sành sỏi về mặt kỹ thuật.
Nói tóm lại, "tôn giáo" Apple không phải là lý do khiến giá iPhone tiếp tục cao ngất ngưởng. Tình yêu của các fan Android cũng cuồng nhiệt không kém, ấy vậy nhưng những chiếc Android đầu bảng lại luôn có doanh số kém hơn hẳn so với iPhone.
Apple độc quyền
Một phần khác trong công thức thành công của Apple là khả năng kiểm soát chặt chẽ giá bán của những chiếc iPhone. Sản phẩm của Táo thường giữ nguyên giá trong toàn bộ vòng đời, những đợt giảm giá "sốc" gần như không bao giờ xảy ra.
Lý do đằng sau có lẽ là bởi Apple thường không chiết khấu quá nhiều cho các chuỗi bán lẻ, do đó các đơn vị này cũng chẳng có lý do gì để phá giá sản phẩm Táo. Điều này giúp giữ được hình ảnh đẳng cấp và danh giá cho smartphone Apple.
Apple cũng luôn sử dụng vị thế của iPhone để kiểm soát các nhà mạng: cách duy nhất họ có thể cạnh tranh cùng nhau là thông qua các bản hợp đồng dài hạn. Theo các thông tin rò rỉ, Apple cũng đưa ra một số ưu đãi nếu các chuỗi bán lẻ không giảm giá iPhone để cạnh tranh với các smartphone Android.
Điều này làm cho cảm giác về giá trị của những chiếc iPhone gần như không bao giờ thay đổi. Ngược lại, giá bán Android thường không ổn định, trong đó phần nhiều là do giá chiết khấu tới các nhà mạng, các chuỗi bán lẻ quá hấp dẫn, mở đường cho họ phá giá nhăm thu thị phần.
Nói tóm lại, bằng cách giữ giá, Apple thực chất đã loại bỏ được sự cạnh tranh chéo giữa các chuỗi bán lẻ cùng kinh doanh iPhone. Thay vì cho phép nhà mạng thu lời bằng cách tăng doanh số khi khuyến mại, Apple đưa ra các biện pháp khuyến khích để iPhone không bao giờ bị hạ giá.
Sự tự tin của Táo
Nếu như các nhà sản xuất khác tự tin rằng họ có thể bán ra những chiếc smartphone đầu bảng có giá cao ngất ngưởng như Apple mà vẫn thành công, chắc chắn họ sẽ làm như vậy. Tim Cook đã nhiều lần khẳng định Apple không muốn hi sinh chất lượng để giảm giá, và sự thật là Apple hoàn toàn có thể làm như vậy.
Niềm tin của Táo vào sản phẩm của mình được ủng hộ không chỉ bởi các iFan mà còn bởi vô số người dùng công nghệ khác, vốn chẳng hề cuồng tín công nghệ mà chỉ đòi hỏi trải nghiệm tốt nhất có thể. Ngay tạiAndroid Authority, nhiều biên tập viên cũng sử dụng máy Mac và đã từng sở hữu những chiếc iPod, dù chưa bao giờ mua iPhone hay iPad.
Và sự tự tin đó hiển nhiên sẽ lan tỏa sang cả các đối tác bán hàng. Cuối cùng, sẽ không có nhiều cửa hàng muốn chỉ kinh doanh duy nhất những chiếc smartphone Android. Sự hiện diện của iPhone gần như là yếu tố tiên quyết để thành công.
Kết luận
Cuối cùng thì chẳng ai có thể hiểu được vì sao Apple lại có thể bán ra các thiết bị có chất lượng kém hơn (ít nhất là trên giấy tờ) ở mức giá cao hơn. Có lẽ, phần lớn nguyên nhân ở đây là bởi những người bỏ tiền ra mua iPhone luôn luôn có cảm giác chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà họ nhận được xứng đáng với khoản tiền họ đã bỏ ra.
Thêm nữa, những người có doanh thu và học vấn cao hơn cũng thường mua iPhone, bất kể là bởi họ cần chiếc điện thoại này để chứng tỏ đẳng cấp hay là bởi thu nhập dư dả cho phép họ mua những chiếc iPhone họ muốn. Vị thế của Apple trên thị trường cho phép Tim Cook đặt ra những chính sách giá không tưởng, và thực tế là Tim Cook làm như vậy. Bên cạnh ấn tượng tốt của người tiêu dùng phổ thông với thương hiệu Táo, Apple cũng kiểm soát chặt chẽ các đối tác của mình và hình ảnh sản phẩm trong mắt các fan. Danh tiếng về khả năng sáng tạo có thể đã không còn đúng sự thật, nhưng người dùng vẫn sẽ ưa thích chất lượng gia công và trải nghiệm smartphone Táo.
Bạn có thấy những chiếc iPhone có giá quá cao so với những gì chúng mang lại hay không? Theo bạn, vì sao Apple có thể thực hiện chiến lược giá đó mà vẫn thành công? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận nhé.
Theo VnReview