Vị giáo sư đứng sau ‘đế chế’ trị giá 12 tỷ USD, đã ươm mầm cho hàng loạt ‘kỳ lân’ CN của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ở Trung Quốc có một người đàn ông 61 tuổi đang hỗ trợ gọi vốn và tham gia cố vấn cho một số công ty khởi nghiệp lớn nhất của đất nước.

Lý Trạch Tương (Li Zexiang) lớn lên ở vùng nông thôn Trung Quốc giữa thời điểm của cuộc Cách mạng Văn hóa, khi các nhà tư bản bị coi là kẻ thù. Nhưng giờ đây, nhà khoa học 61 tuổi này đã lặng lẽ nổi lên như một trong những nhà đầu tư thiên thần thành công nhất của đất nước Trung Quốc, hỗ trợ hơn 60 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả công ty phát triển máy bay không người lái khổng lồ DJI.

Là một trong những người Trung Quốc đầu tiên du học ở Mỹ, khi trở về, ông Lý đã tham gia giảng dạy tại trường đại học công nghệ nổi tiếng của Hồng Kông. Từ đó tới nay, vị giáo sư này đã đào tạo ra một thế hệ doanh nhân và tham gia thành lập một học viện ươm tạo, tài trợ và nuôi dưỡng những đại diện triển vọng trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo, với trị giá gần 12 tỷ USD.

Lý Trạch Tương (Li Zexiang)
Lý Trạch Tương (Li Zexiang)

“Cơ hội sinh ra trong khủng hoảng”, ông chia sẻ với Bloomberg bên lề một hội nghị khoa học. “Trong lịch sử, các công ty Trung Quốc và công nghệ của họ chỉ là lựa chọn thứ hai cho các công ty. Nhưng bây giờ, họ có cơ hội để vượt qua điều đó”.

Ông Lý cũng đang là thành viên của một câu lạc bộ quy tụ những nhà tài chính nổi danh, bao gồm cả Andrew Chi-Chih Yao, người từng đoạt giải Turing - một giải thưởng được coi như giải Nobel của lĩnh vực khoa học máy tính. Giống như các đồng nghiệp của mình, ông đã dẫn đầu trong một số giải pháp đổi mới quan trọng của Trung Quốc trong thập kỷ qua, đưa quốc gia này trở thành vườn ươm tiềm năng cho những gã khổng lồ công nghệ.

Ông cũng nằm trong số khoảng 40 người được chính quyền Thâm Quyến tôn vinh vào năm 2020 vì vai trò trong việc giúp biến làng chài từng ngủ yên này thành một khu vực phát triển kinh tế mạnh ở phía Nam.

Trong khi những ông lớn trong lĩnh vực truyền thông xã hội và internet bán lẻ như ByteDance hay Alibaba rồi Tencent đang đánh mất dần sự chú ý của công chúng, thì một lượng vốn ngày càng tăng lại đang được đổ vào các lĩnh vực công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn, robot và AI.

Và đó là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp được ông hậu thuẫn.

Vị giáo sư đứng sau ‘đế chế’ trị giá 12 tỷ USD, đang ươm mầm cho hàng loạt ‘kỳ lân’ công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 2.

DJI, công ty dẫn đầu thị trường máy bay không người lái, là thành tựu lớn nhất của ông Lý.

Ông Lý học ở Mỹ vào những năm 1970 và 1980. Và đó là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời đối với chàng trai sinh ra ở một vùng quê của tỉnh Hồ Nam.

Trong khi chờ nhập học đại học, ông đã làm việc trong một nhà máy sản xuất bẫy côn trùng bằng điện. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ về kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Đại học California ở Berkeley, ông trở thành nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, sau đó tham gia phòng thí nghiệm người máy tại Đại học New York.

Năm 1992, ông về nước để gia nhập Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Chính tại trung tâm tài chính của châu Á này, ông đã phát triển niềm đam mê nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp. Trong gần ba thập kỷ ở đó, ông đã hỗ trợ rất nhiều cho các công ty khởi nghiệp thông qua nền tảng ươm tạo của mình, Xbotpark. Tổng giá trị thị trường của nó hiện đã vượt quá 80 tỷ nhân dân tệ (11,5 tỷ USD), theo ông Lý.

Một số công ty được hỗ trợ đang dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, thu hút các quỹ đầu tư nổi tiếng như Sequoia Trung Quốc và Hillhouse Capital. Nổi bật nhất trong số đó là DJI, hãng sản xuất máy bay không người lái hàng đầu thế giới.

Và chính bản thân ông Lý được cho là đã cứu vãn công ty khởi nghiệp này khi nó rơi vào trạng thái tài chính thảm hại. Khi đó, rất nhiều nhân viên của công ty đã nghỉ việc. Một số thậm chí đã bắt đầu sao chép và bán lại các sản phẩm dưới tên khác. Người sáng lập Wang Tao khi đó cần 100.000 USD để giữ cho công ty khởi nghiệp của mình tồn tại, vì vậy anh đã tìm đến người cố vấn thời đại học của mình là Lý Trạch Tương.

Vị giáo sư khi đó đã bắt CEO này phải đợi bên ngoài lớp học của mình trong hai giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng đã đồng ý với việc hỗ trợ vốn. Nhưng không chỉ có thế, công ty sau đó còn được ông tiếp sức khi giới thiệu tới rất nhiều sinh viên tài năng. Đó là vào năm 2007. Ngày nay, DJI được định giá 15 tỷ USD và chiếm lĩnh 3/4 thị trường máy bay không người lái tiêu dùng.

“DJI là một phiên bản giấc mơ Mỹ của Trung Quốc”, ông Lý chia sẻ.

Vị giáo sư đứng sau ‘đế chế’ trị giá 12 tỷ USD, đang ươm mầm cho hàng loạt ‘kỳ lân’ công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 3.

Hai Robotics là một kỳ lân công nghệ khác được dẫn dắt bởi vị giáo sư kỳ cựu này.

Vào năm 2012, những người sáng lập ePropulsion - công ty chuyên sản xuất động cơ điện cho tàu thuyền nhỏ - đã bị giằng co giữa việc tập trung vào công nghệ hơn là thương mại hóa. Nhưng ông Lý đã khuyên họ nên đưa một động cơ điện công suất thấp ra thị trường trước. “Điều đó đã cứu công ty”, đồng sáng lập kiêm CEO Tao Shizheng nhớ lại .

“Nói chuyện thì ít giá trị, hãy cho tôi xem code của bạn. Giấy tờ cũng rẻ rúng, hãy cho tôi xem dự án của bạn”, Zhang Di , người sáng lập Direct Drive Tech, trích dẫn một “câu thần chú” yêu thích của giáo sư Lý. Trớ trêu thay, Zhang đã bỏ ngang chương trình thạc sĩ của mình ngay sau khi giáo viên hướng dẫn của ông giúp kiếm về gần 43.000 USD cho việc khởi động dự án về động cơ truyền động. Công ty của anh hiện cũng được hỗ trợ bởi quỹ 5Y Capital.

Hiện CEO Wang của DJI được cho là người nổi tiếng nhất trong số các đệ tử của ông Lý. Sau khi gặp rắc rối với nạn vi phạm bản quyền ở Trung Quốc, vị giáo sư đã khuyên Wang nên tập trung vào thị trường nước ngoài trước, sau đó mở rộng sang lĩnh vực máy bay không người lái công nghiệp. Hiện tại, công ty của Wang thậm chí còn thành công vượt xa hơn kỳ vọng đó, hợp tác phát triển hệ thống lái cho ô tô với SGMW , một liên doanh giữa SAIC Motor, General Motors và Liuzhou Wuling Motors.

Thành công của DJI đã đặt nền móng cho Xbotpark, niềm đam mê hiện tại của ông Lý. Vị giáo sư này đã bán một phần cổ phần của mình trong DJI để tài trợ cho nền tảng ươm tạo khởi nghiệp này với hai vị giáo sư khác vào năm 2014.

Và nó hiện có một vài gương mặt đáng chú ý. Đó là Hai Robotics, nhà cung cấp hệ thống robot cho Philips và SF Express, công ty đã nhận được hơn 100 triệu USD đầu tư vào tháng 6 vừa qua với mức định giá gần 2 tỷ USD. Nhà sản xuất robot hút bụi Narwal là dự án đầu tiên của Xbotpark và hiện nay nó cũng có trị giá hơn 1,4 tỷ USD.

Nhưng không phải tất cả các dự án được ông Lý hỗ trợ đều có kết quả tốt. Trong số hàng tá ý tưởng mà ông đã tài trợ hoặc ủng hộ trong nhiều năm, chỉ một số ít đã phát triển thành các công ty kỳ lân hoặc doanh nghiệp có tên tuổi toàn cầu. Dù thất bại, những người được ông bảo trợ đã được hưởng lợi rất nhiều từ những mối quan hệ của vị giáo sư này trong cả lĩnh vực tài chính và công nghệ. “Thương hiệu cá nhân của Giáo sư Lý có ảnh hưởng rất lớn trong ngành”, Zhang Di, CEO của Direct Drive Tech nói.

Trong những năm gần đây, ông đã mở thêm các chi nhánh của XbotPark trên khắp Trung Quốc. Ông cũng thành lập một quỹ đầu tư với Sequoia và Hillhouse để tài trợ trực tiếp cho các dự án thành viên, bao gồm cả Direct Drive Tech của Zhang, mặc dù số vốn không được tiết lộ.

Lý Trạch Tương cho biết ông kì vọng Xbotpark sẽ trở thành một trong những nơi sản sinh ra kỳ lân nhiều nhất ở Trung Quốc trong tương lai.

Theo Tổ Quốc