Trước đó vào ngày 19/7, ông Sơn đã bị cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Quyết định 1105/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên tối hôm ấy, ông Sơn bị tăng huyết áp đột ngột phải đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Đến 15 giờ 30 phút ngày 21/7, huyết áp của ông Sơn đã ổn định, sức khỏe trở lại bình thường nên đã được xuất viện đưa về nhà riêng tại số D2-21, khu đô thị Ciputra ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội để thực hiện lệnh bắt và khám xét.
Ông Nguyễn Xuân Sơn sinh ngày 20/11/1962 tại xã Đức La, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, từng tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành vật giá, sau đó còn hoàn thành chương trình tại Trường đào tạo cán bộ dầu khí.
Năm 1984, ông Sơn được điều động về làm cán bộ Vụ Tài chính kế toán Tổng cục Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN). Trong thời gian này, do yêu cầu phục vụ công tác, đơn vị đã cử ông tiếp tục theo học và tốt nghiệp trường Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ chuyên ngành quản trị kinh doanh trên đại học.
Do quá trình công tác có nhiều thành tích tốt, lại được trang bị nguồn kiến thức khá phong phú nên đến năm 2003, ông được lãnh đạo PVN bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) và đến tháng 10/2006, ông tiếp tục được cất nhắc lên vị trí Tổng giám đốc PVFC. Tháng 12/2008, khi PVN đầu tư vốn vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) thì ông Sơn được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc ngân hàng này.
Đến năm 2010, ông Sơn thôi giữ chức Tổng giám đốc Ocean Bank, trao lại cho bà Nguyễn Minh Thu (bà này đã bị bắt hồi tháng 1/2015 với tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) trở về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách các lĩnh vực tài chính kế toán và kế hoạch chiến lược, đến tháng 7/2014 được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn này cho đến khi bị bắt.
Trong thời gian làm Tổng Giám đốc Ocean Bank, ông này đã mở đường cho PVN trở thành cổ đông chiến lược (tháng 1/2009) giúp Ocean Bank tăng tốc sau đó. Từ mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008, Ocean Bank tăng tốc liên tục trong 3 năm liền và đạt ngưỡng 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011 (trong đó PVN nắm giữ 20% cổ phần tương đương với 800 tỷ đồng). Tổng tài sản cũng tăng từ 14.000 tỷ lên 62.000 tỷ trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên cũng do phát triển nóng nên Ocean Bank đã bộc lộ nhiều rủi ro. Cụ thể chỉ trong vòng một năm từ 2008-2009, nợ có khả năng mất vốn đã tăng từ 4,5 tỷ lên 42,6 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi lên đến trên 100 tỷ đồng. Đến năm 2012, con số nợ không có khả năng thu hồi đã tăng theo cấp số nhân lên đến 700 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, Ocean Bank đầu tư mạnh vào các ngành chứng khoán, xây dựng và bất động sản khiến cho dư nợ tín dụng lên đến con số 5.400 tỷ đồng trong năm tài chính 2008-2009. Những năm tiếp theo, tình trạng cổ phiếu liên tục rớt giá, bất động sản cũng đóng băng không có lối thoát kéo theo ngành xây dựng cũng hoạt động hết sức đì đẹt khiến cho các khoản đầu tư của Ocean Bank phải nằm đắp chiếu trong suốt một thời gian dài và hệ lụy là dư nợ của ngân hàng này tăng lên chóng mặt không có khả năng giải quyết.
|
Ông Hà Văn Thắm và bà Nguyễn Minh Thu, những người cùng ông Sơn thực hiện hàng loạt quyết định sai mục đích.
Đã lỡ đâm lao đành phải theo lao, với suy nghĩ sai lầm, Ocean Bank lao vào công việc huy động vốn, trong đó có tới 67% nguồn vốn từ các doanh nghiệp dầu khí và các cá nhân, đơn vị khác nhưng chỉ cho vay được 21% dư nợ cho các doanh nhiệp và cá nhân này khiến cho ngân hàng rơi vào tình trạng mất cân đối và thực sự nghiêm trọng trong những năm tiếp theo.
Nhằm vớt vát chút tiền bù vào những khoản thua lỗ triền miên, ông Sơn đã liên kết với ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Nguyễn Minh Thu chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện việc thu phí khi cho vay đối với khách hàng.
Việc làm này đã đi ngược hoàn toàn các quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tài chính, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra trong thời gian này, ông Sơn tiếp tục lao vào việc đầu tư sai mục đích bằng cách ôm thật nhiều dự án bất động sản, xây dựng, và để có tiền chi trả cho các đối tác, ông Sơn đã đồng ý cho ngân hàng chi lãi suất ngoài hợp đồng khi huy động vốn của khách hàng. Những việc làm sai trái này đã đẩy Ocean Bank vào tình trạng nguy cấp.
Với hàng loạt sai phạm trong thời gian dài của lãnh đạo Ocean Bank dẫn đến việc ngân hàng này trở thành con nợ mà không có biện pháp khắc phục nên đến ngày 24/10/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch Hội đồng quản trị về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Kể từ khi ông Thắm bị bắt thì hoạt động của ngân hàng này rơi vào ngõ cụt. Đến khi không thể tiếp tục hoạt động được nữa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải dang tay cứu vớt bằng cách mua lại với giá 0 đồng. Kể từ lúc này, các nhà đầu tư đã mất trắng số tiền đầu tư vào Ocean Bank, trong đó PVN mất 800 tỷ đồng, hai đơn vị khác là Tập đoàn Đại Dương và Công ty TNHH VNT mất 1.600 tỷ đồng.
Bên ngoài nhà ông Nguyễn Xuân Sơn trong lúc khám xét.
Ngoài ra, ông Sơn còn được cho là có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm ở Ngân hàng cổ phần Thương mại Đại chúng (PV ComBank), một trong những đơn vị mà PVN đầu tư vốn. Cụ thể năm 2012, thanh tra ngân hàng Nhà nước đã xác định hoạt động điều hành kinh doanh của PV ComBank hết sức yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên tục thua lỗ trong thời gian dài không khắc phục được. Chính vì vậy mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt PV ComBank vào diện kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Việc ông Hà Văn Thắm bị bắt có nguyên nhân đầu tiên do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hiện có dấu hiệu bất ổn nên đã ra thông báo cho ông Hà Văn Thắm tiến hành khắc phục, đưa ngân hàng trở lại hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên thời gian sau đó ông Hà Văn Thắm không khắc phục được nên Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc tiến hành xem xét, khởi tố.
Nói chuyện với báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu quan điểm: Về số vốn 800 tỷ đồng góp vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương bị mất trắng, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ sai phạm cụ thể, qua đó sẽ có kết luận cuối cùng xem trách nhiệm thuộc về cá nhân hay tập thể nào. Trước hết là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước (PVN) đầu tư vào Ocean Bank, kế đó là trách nhiệm giám sát.
Cũng theo ông Kiên, một số ý kiến cho rằng nếu Ocean Bank thoái vốn một năm trước đó thì sẽ không bị mất là không chính xác bởi trước đó Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo rõ sẽ trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Ocean Bank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt Ocean Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt để kiểm soát rủi ro giảm thiểu tổn thất cho ngân hàng. Do vậy sai phạm này không thể là ngày một, ngày hai và việc có thoái vốn trước đó một năm cũng không giải quyết được tình trạng này.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân, tập thể. Tuy nhiên chuyện đầu tư sai mục đích dẫn đến tình trạng thua lỗ triền miên không chỉ có ở Ocean Bank mà tồn tại ở nhiều đơn vị. Đã đến lúc các cơ quan đơn vị cần phải vào cuộc kiểm tra trên diện rộng để nguồn vốn công được đầu tư sẽ sinh lợi mang lại lợi ích cho quốc gia.
Theo CAND