Sáng 26/6, hơn 71.000 sĩ tử tại TP.HCM tiếp tục bước vào ngày thi thứ hai với bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm ba môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Thời gian mỗi môn là 50 phút với hình thức trắc nghiệm.
Ghi nhận tại Hội đồng thi Trường THCS Thanh Đa (Quận Bình Thạnh), các sĩ tử bước ra khỏi trường thi với gương mặt khá mệt mỏi, vì thời gian làm bài kéo dài suốt gần 3 tiếng đồng hồ.
Theo chia sẻ của nhiều thí sinh, đề thi các môn thành phần trong tổ hợp Khoa học Tự nhiên năm nay được đánh giá là có độ phân hóa cao, khó hơn hẳn năm ngoái, rất ít thí sinh có thể đạt điểm cao các môn thi.
Thí sinh Phạm Quang Huy (lớp 12 Chuyên Lý, Trường THPT Gia Định) cho rằng: “Những câu trong đề thi môn Vật lý phải dùng 1 đến 2 phép tính, nói chung nặng về tính toán.
Đối với môn Hóa học, đề thi có sự phân hóa rõ rệt giữa mức độ dễ và khó. Nếu học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, thì đạt được 5-6 điểm. Những câu hỏi đòi hỏi tính toán, suy nghĩ nhiều hơn được khoảng 7 điểm. Còn câu hỏi lựa chọn học sinh giỏi trong đề thi chính thức rất khó so với những câu hỏi nâng cao của đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Em không làm được những câu vận dụng kiến thức cao”.
Quang Huy cho biết thêm "môn Sinh em chỉ làm những câu có kiến thức cơ bản, còn lại em khoanh bừa và ngủ đến hết giờ. Vì môn Sinh em chỉ cần đủ điểm để tốt nghiệp. Còn Vật lý và Hóa học mới là hai môn xét tuyển Đại học, em ước tính bài thi đạt 6-7 điểm”.
Cùng quan điểm với Quang Huy, thí sinh Hạnh Phúc (Trường THPT Trần Văn Giàu) cho rằng: "Đề thi ba môn năm nay tương đối khó, nhiều câu em không biết làm. Các bạn học khá, giỏi có thể làm được 30 đến 35 câu, còn học sinh trung bình chắc chỉ làm được khoảng 20 câu. Môn Sinh học và Hóa học khó ngang nhau. Em ôn rất kỹ lý thuyết và làm được khoảng 5 điểm."
Nhiều cảm xúc lẫn lộn của thí sinh sau khi kết thúc bài thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên
|
Đối với môn Hóa học, theo nhận xét của thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) thì "Đề thi môn Hóa học năm nay tiếp tục có độ khó cao. Đề có khoảng 4 câu ở chương trình lớp 11, còn lại là kiến thức lớp 12.
Học sinh đạt được điểm 5 không dễ. Còn đạt được điểm 7-8 để xét tuyển đại học phải là học sinh rất giỏi.
Đề khó cả phần bài tập lẫn lý thuyết, nếu chỉ bám theo chương trình sách giáo khoa thì khó đạt được trung bình. Với cách ra đề này, học sinh không thể chỉ học kiến thức sách giáo khoa mà dẫn đến tình trạng học sinh phải tiếp tục học thêm, luyện bài nâng cao mới có thể làm được bài."
Đề thi chính thức môn Sinh học (mã đề 203) của kỳ thi THPT quốc gia 2019
|
Về đề thi môn Sinh học, cô Lê Thị Cẩm Bình - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) - đánh giá: "Đề dễ hơn so năm trước. Tuy nhiên số câu vận dụng vẫn còn tương đối nhiều và dài, khiến học sinh bị rối khi đọc đề.
Cấu trúc đề bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT, trong đó có khoảng 3 câu trong chương trình lớp 11, còn lại là lớp 12. Những câu đầu của đề tương đối dễ, học sinh ở mức trung bình có thể dễ lấy được 6 điểm; học sinh khá giỏi, hiểu bài thì lấy được 7-8 điểm".
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn quốc năm nay có gần 330.000 thí sinh lựa chọn tổ hợp này để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng, chiếm hơn 37% tổng số thí sinh dự thi.
Chiều nay 26/6, các thí sinh sẽ thi môn Ngoại ngữ trong 60 phút, bắt đầu từ 14h30.