“Vắt sữa” là một khái niệm thường được đề cập tới trong nhiều lĩnh vực giải trí, bao gồm cả video game. Tất nhiên đây chỉ là khái niệm bất thành văn, được hiểu ngầm, bàn tán cho vui bởi cộng đồng người chơi chứ chẳng hề có một nhà phát triển/phát hành nào mạnh dạn đứng lên nói rằng: “Ừ đấy! Chúng tôi đang vắt sữa thương hiệu này, các bạn nhớ mua về chơi nhé.” Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một về chủ đề đầy tính nhạy cảm này xem nó thực tự tồn tại hay chỉ đơn thuần là “hư cấu”.
“Vắt sữa” thực tế là gì?
Về cơ bản, vắt sữa có ý muốn chỉ hành động một nhà phát triển game sử dụng một thương hiệu thành công nào đó và tạo ra vô số các bản sequel, spin-off của nó chỉ nhằm một mục đích lớn nhất là tạo lợi nhuận, bất kể chất lượng của sản phẩm đến đâu.
“Vắt sữa” đối với game mobile
Không hề có sự bất ngờ khi nền tảng mobile là nơi lí tưởng nhất để thực hiện vắt sữa một sản phẩm nào đó. Hãy lấy “Angry Birds” làm ví dụ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy cả tá game ăn theo thương hiệu này trên cửa hàng ứng dụng, phải là nhiều trên mức cần thiết.
Nếu bạn tiếp cận một cửa hàng ứng mobile, và quan sát top các nhà phát triển hàng đầu, bạn sẽ tìm thấy một quy luật cho thấy đâu là những nhà vắt sữa giỏi nhất. Có hai lí do chính để giải thích tình trạng này, một trong số đó là quá trình phát triển một tựa game dễ dàng thực hiện hơn nhiều trên nền tảng mobile. Một tựa game mobile chất lượng có thể tạo ra trong vòng 2 -3 tháng hoặc cùng lắm là một năm, so sánh với quá trình phát triển PC và console phải mất ít nhất 2 – 3 năm.
Lí do thứ hai là số lượng người sử dụng smartphone khổng lồ ở thời điển hiện tại, với 2,1 tỷ người sử dụng trên toàn cầu, mobile đang là một mỏ vàng và chỉ cần một game ăn khách thôi là đủ đưa tên tuổi bạn lên hàng đầu.
“Vắt sữa” đối với game console và PC
Trong lĩnh vực PC và console, bạn sẽ không thể tìm thấy phương thức vắt sữa được áp dụng cho nền tảng mobile nhưng ngay cả nền tảng “tối thượng” này cũng có nạn vắt sữa của riêng nó. Hãy nhìn vào một thương hiệu siêu nổi tiếng thời nay là “Assassin’s Creed”, và nếu là một fan lâu năm, bạn sẽ nhớ những tháng ngày huy hoàng của phiên bản đầu tiên lẫn triều đại Ezio thế nào.
Nhưng rồi chuyện xấu nhất đã bắt đầu xảy ra kể từ sau phiên bản “Assassin’s Creed Revelations”. Tình trạng “vắt sữa kém” đã trở nên rõ rệt, và bằng chứng thảm họa nhất chính là cái tên “Assassin’s Creed: Unity”. Vào ngày phát hành đầu tiên, “Unity” đã có rất nhiều lỗi trầm trọng như vô cớ giảm fps, lỗi đồ họa…, cho dù hầu hết đều đã được sửa chữa bằng các bản cập nhật. Tuy nhiên ta cũng có nhiều thương hiệu khác được coi là hình mẫu lí tưởng của “vắt sữa ngon”, ví như “Civilization”.
Rốt cuộc “vắt sữa” có tốt không?
Câu trả lời là “có” và “không”, nếu bạn nhìn vào những cái tên như “Uncharted”, “Civilization” hay “The Legend of Zelda” thì chuyện vắt sữa tốt hoàn toàn có thể làm được, khi chất lượng của mỗi phiên bản đều được đảm bảo và gần như không có chuyện can thiệp, ép bức để game được phát hành vội vàng ra công chúng.
Một mặt tối của vắt sữa là các nhà phát triển sẽ không thể tập trung sáng tạo ra một IP mới được. Họ sẽ ngày càng trở nên tham lam hơn theo thời gian như chúng ta đã từng chứng kiến ở rất nhiều thương hiệu. Nhìn chung, bất cứ nhà phát triển nào làm ra 3 – 4 game cho một IP duy nhất thì đều có nói rằng họ đang “vắt sữa” thương hiệu, nhưng cứ ổn định chất lượng cao thì cũng chẳng có mấy fan hâm mộ phàn nàn.
Theo Trí thức trẻ