Việc ứng dụng CNTT là tiền đề hướng tới việc tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm của cơ quan quản lý Nhà nước trên cơ sở quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đồng thời thực hiện xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016- 2020 tại TPHCM.
Đề án được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu triển khai thí điểm tại các đơn vị đăng ký tham gia ban đầu từ ngày 10/12/2016 và triển khai chính thức trên toàn địa bàn từ 1/3/2017.
Trong giai đoạn 1, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ lẻ.
Giai đoạn 2 (dự kiến trong năm 2017) sẽ triển khai quản lý theo chu trình khép kín hoạt động sản xuất, chăn nuôi lợn từ khi mới sinh cho đến người tiêu dùng.
Theo đó, trong giai đoạn một bằng ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn gốc của thịt lợn được thực hiện xuyên suốt theo đường đi của lợn từ vận chuyển đến cơ sở giết mổ.
Sau đó, thịt lợn xẻ mảnh sẽ đeo vòng nhận diện, kiểm dịch viên sẽ đóng dấu điện tử lên vòng nhận diện để xác định nơi giết mổ, thời gian giết mổ, chứng nhận an toàn thực phẩm… Tiếp đến lợn mảnh có vòng nhận diện được phân phối về chợ sỉ và Ban quản lý chợ kiểm tra nếu có vòng nhận diện mới được nhập chợ.
Riêng tại chợ bán lẻ, tiểu thương nhận thịt lợn phải kích hoạt tất cả vòng nhận diện. Khi bán cho người tiêu dùng, tiểu thương dùng tem có in mã QR code đã mua từ Ban quản lý chợ và dùng điện thoại kích hoạt tem này để dán vào túi đựng thịt lợn.
Từ đó, người tiêu dùng có thể truy xuất các thông tin về thịt lợn như trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ... qua tem có in mã QR code bằng điện thoại smartphone tải ứng dụng TE-APP miễn phí trên internet.
Hiện đề án thu hút sự tham gia của gần 1.000 trang trại, 11 cơ sở giết mổ, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ của thị trường Thành phố.
Đối với hệ thống phân phối truyền thống, hai chợ đầu mối kinh doanh thịt lợn là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố. Trong đó, có 100% thương nhân kinh doanh lợn mảnh và pha lóc tại chợ Hóc Môn đã tích cực tham gia.
Ở loại hình bán lẻ, có 4 chợ triển khai thí điểm đợt đầu tiên là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình, với gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt lợn đã đăng ký tham dự.
Đối với hệ thống phân phối hiện đại có 5 hệ thống siêu thị với 59 siêu thị đăng ký tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, gồm: Co.opmart, Satramart, Big C, Aeon, AeonCitimart... Bên cạnh đó, có 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng tham gia đề án này là Co.opFood, SatraFood, SagriFood, Vissan.