Úc và New Zealand lên kế hoạch kiểm duyệt chặt chẽ các nội dung trên Facebook, YouTube và Twitter

VietTimes -- Điều gì sẽ xảy ra nếu các trang mạng xã hội bị kiểm duyệt chặt chẽ giống như các nhà xuất bản truyền thống?

Đã đến lúc Facebook, YouTube và Twitter nên được đối xử giống như các nhà xuất bản truyền thống, có chế độ kiểm tra mọi bài đăng, bình luận và hình ảnh trước khi chúng đến với công chúng. Cũng giống như Boeing hay Toyota, chịu trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm và tác hại mà chúng gây ra. Hãy tưởng tượng internet sẽ trông như thế nào nếu các giám đốc công nghệ có thể bị bỏ tù vì không kiểm duyệt được sự kỳ thị và bạo lực?

Thủ tướng Úc nhấn mạnh các công ty truyền thông phải có trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm công nghệ của họ không bị kẻ xấu lợi dụng. Ảnh: Nytimes
Thủ tướng Úc nhấn mạnh các công ty truyền thông phải có trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm công nghệ của họ không bị kẻ xấu lợi dụng. Ảnh: Nytimes

Đây là một số đề xuất đang được thảo luận ở Úc và New Zealand khi các chính trị gia ở cả hai quốc gia này đang phải đối mặt sự phẫn nộ của người dân đối với vụ thảm sát 50 người tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand vào tháng trước. Tay súng được cho là một người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng của Úc đã phát trực tiếp một phần vụ xả súng hàng loạt trên Facebook.


Nếu những đề xuất này trở thành sự thật, đây thực sự sẽ là một bước ngoặt lớn cho kỷ nguyên của truyền thông xã hội toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nền dân chủ nào từng áp dụng các chế độ khắt khe như vậy với các giao tiếp trực tuyến.

“Các công ty truyền thông xã hội lớn phải có trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm công nghệ của họ không bị khai thác bởi những kẻ khủng bố giết người”, ông Scott Scott Morrison, Thủ tướng Úc phát biểu hôm thứ Bảy ngày 30 tháng 3. “Đây không chỉ là vấn đề làm được hay không làm được mà nó phải là luật”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern lập luận rằng nên có một sự thống nhất trong việc quy định kiểm soát và kiểm duyệt các sản phẩm mạng xã hội. Bà lên ý tưởng cho một thỏa thuận quốc tế về vấn đề này chứ không chỉ được thực thi ở một số quốc gia riêng lẻ.

Thủ tướng New Zealand cho rằng phải có một thỏa thuận quốc tế trong việc điều chỉnh các phương tiện truyền thông xã hội. Ảnh: Nytimes
Thủ tướng New Zealand cho rằng phải có một thỏa thuận quốc tế trong việc điều chỉnh các phương tiện truyền thông xã hội. Ảnh: Nytimes

Trong một bài đăng trên tờ Washington Post hôm thứ Bảy, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Facebook cũng đã kêu gọi chính phủ giúp đỡ trong việc thiết lập các quy định bắt buộc cho các nội dung trực tuyến có hại, tính minh bạch trong bầu cử, hay quyền riêng tư và tính di động của dữ liệu.

Google, công ty mẹ của YouTube mặc dù từ chối bình luận về các đề xuất ở Úc và New Zealand nhưng trong một động thái khác, họ đã thuê 10.000 người chuyên đi theo dõi và đánh giá để gắn cờ các nội dung gây tranh cãi trên YouTube nhằm xóa bỏ các video độc hại. Facebook cũng cho biết họ sẽ thuê thêm hàng chục nghìn nhân viên để đối đáp ứng việc tìm kiếm và xóa nội dung vi phạm quy tắc của mình.

Sau cuộc họp vào tuần trước với các giám đốc điều hành của Facebook, Google và Twitter, các nhà lập pháp Úc cho biết dự luật mới sẽ biến việc các nhà mạng nếu không thể kiểm soát hoặc để người dùng đăng tải các nội dung xấu lên mạng xã hội thành một tội hình sự và thậm chí có thể bị phạt đến 3 năm tù.

Theo NYTimes