Theo trang tin NPR, thay đổi này của Uber được thực hiện một cách công khai. Sau khi cài xong bản cập nhật, người dùng sẽ được hỏi có chấp nhận chính sách mới của Uber hay không. Trước đây, Uber chỉ thu thập dữ liệu của khách hàng khi ứng dụng Uber trên điện thoại của họ đang mở. Bây giờ, Uber sẽ tiếp tục dõi theo bước chân khách hàng khi ứng dụng đóng lại và ở chế độ chạy nền. Điều này giúp cho Uber có thể biết được vị trí chính xác nơi khách hàng tới sau khi rời khỏi xe.
Vì thế chỗ hẹn bí mật của khách hàng có thể không còn bí mật nữa.
Giải thích cho chính sách mới của mình, Uber thông báo trên website: "Chúng tôi đưa ra chính sách này nhằm cải thiện việc đưa đón, trả khách, dịch vụ khách hàng và nâng cao tính an toàn mỗi cuốc xe". Uber hy vọng những dữ liệu thu thập được có thể giúp loại trừ những rắc rối thường gặp khi lái xe và khách hàng phải điện thoại qua lại rất nhiều mới xác định được điểm đón. Định vị chính xác sẽ giúp lái xe đón khách ở đúng chiều đường mà họ đứng (đối với đường 2 chiều) hoặc các ngõ ngách.
Tính năng mới trên Uber làm dấy lên sự lo ngại về quyền bảo mật thông tin cá nhân. Trước đây, Trung tâm Thông tin Quyền riêng tư cá nhân Điện tử (EPIC) của Mỹ đã đệ đơn lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) than phiền về chính sách thu thập dữ liệu khách hàng của Uber. "FTC đã thất bại trong việc đưa ra một phán quyết, vì thế Uber tiếp tục theo dõi người dùng không ngừng nghỉ", trích thông cáo trên website của EPIC.
Dân biểu Al Franken của bang Minnesota (Mỹ) cũng bày tỏ quan ngại rằng ứng dụng Uber sẽ theo dõi khách hàng toàn thời gian chứ không phải chỉ tối đa 5 phút sau khi xuống xe. Sở dĩ có sự lo ngại này là vì khi cập nhật ứng dụng, Uber đã thay đổi chữ nghĩa trong 2 lựa chọn có đồng ý cho thu thập vị trí cá nhân không, đó là: "Không bao giờ" và "Khi dùng ứng dụng" thành "Không bao giờ" và "Luôn luôn". Tuy nhiên, Uber tuyên bố trên website rằng nếu khách hàng lo ngại, họ có thể chọn "Không bao giờ". Khi đó, mỗi lần đặt xe, khách hàng sẽ phải tự nhập điểm đón bằng tay.
Trước đây, Uber cũng từng gặp phải rắc rối liên quan đến việc theo dõi vị trí khách hàng. Hồi tháng Giêng năm nay, Uber đã phải trả 20.000 USD khi tòa án New York điều tra về công cụ God View của hãng. Công cụ này cho phép nhân viên của hãng có thể theo dõi khách hàng di chuyển theo thời gian thực.
Hiện chưa rõ trong thời gian tới Uber Việt Nam có áp dụng tính năng mới này không.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư