Khảo sát mới nhất của hãng NIkkei đối với 307 công ty chủ chốt của Nhật Bản đã đưa AI và IoT vào danh sách các lĩnh vực ưu tiên đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo đó, sẽ có một thang 5 điểm tương ứng với mức độ quan tâm đầu tư của các công ty. Kết quả cho thấy, lĩnh vực AI có điểm số là 4,5 đứng đầu trong bảng xếp hạng; IoT là 4,4 điểm xếp thứ hai. Ba lĩnh vực robot, thiết bị bay không người lái (drone) và vật liệu mới có điểm số là 4,1 xếp đồng hạng ba. Điều đáng nói là trong lần thăm dò trước, lĩnh vực AI cũng được xếp hạng cao nhất.
Sau một thời gian để các đối thủ cạnh tranh vượt lên, các công ty Nhật Bản bắt đầu mạnh tay chi tiền cho các lĩnh vực AI và IoT.
Các hãng sản xuất ô tô là những người móc hầu bao nhiều nhất. Toyota Motor xếp đầu trong danh sách chi tiền cho R&D, năm ngoái đã thành lập Trung tâm nghiên cứu đặt tại một số địa điểm ở Mỹ để đi thẳng vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất. Hai công ty là Honda Motor xếp thứ hai và Mitsubishi Electric xếp thứ 11 về mức chi phí cho R&D là những hãng đang đi đầu trong việc kết hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu để đổi mới, sáng tạo.
Trong số 268 công ty được đưa vào danh sách, Panasonic - xếp thứ tư ngay sau Sony về mức chi phí cho R&D trong năm tài chính 2017. Hãng đã nhận thấy sự tụt hậu về AI và IoT so với các đối thủ cạnh tranh đến từ phương Tây, vì thế năm nay đã cho thành lập một bộ phận mới, độc lập kết nối những nhà nghiên cứu từ trước đến nay vẫn nằm rải rác ở các bộ phận để triển khai kinh doanh mới từ những công nghệ độc quyền.
Hãng Sony cũng đã chuyển đầu tư sang AI và công nghệ robot, trong khi hãng Fujitsu - đứng thứ 16 trong danh sách - cũng hướng đến công nghệ đám mây, IoT, AI và an ninh mạng như là các lĩnh vực quyết định cho sự tăng trưởng.
Mặc dù tăng chi phí, nhiều hãng Nhật Bản vẫn thua trong cuộc cạnh tranh sản xuất các công nghệ tiên tiến mang lại lợi nhuận. Theo khảo sát của Nikkei, có 41,4% các công ty được điều tra cho biết năng lực cạnh tranh về nghiên cứu và phát triển của họ có cải thiện, trong khi có tới 38,3% cho biết là vẫn như cũ thậm chí còn thụt lùi. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nhân lực nghiên cứu và đầu tư không đúng hướng dẫn đến hiệu quả không rõ ràng.