Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 29-31/5 tại Singapore, những vấn đề an ninh khu vực được đưa ra thảo luận tại diễn đàn, trong đó có vấn đề Biển Đông, có sự tham gia của đoàn đại biểu Việt Nam do Thượng tướng dẫn đầu và nhiều đoàn đại biểu các nước khác trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
* Xin Thứ trưởng cho biết những chủ đề chính được thảo luận tại Đối thoại Shangri-La 2015?
Đối thoại Shangri-La năm nay cũng như các kì năm trước, là một diễn đàn để các bên trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực. Đến thời điểm này, đối thoại chưa chấm dứt, song cũng đã thấy được giá trị của đối thoại an ninh Shangri-La lần này, cũng như của các diễn đàn an ninh nói chung của khu vực.
Tại Đối thoại Shangri-La lần này, các vấn đề an ninh cũng được trình bày một cách thẳng thắn, ở cả hai khía cạnh tích cực phát triển cũng như tiêu cực đe dọa về an ninh. Rõ ràng, ở thời điểm hiện nay trong khu vực, dù xu thế hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là chủ đạo và có nhiều điểm tích cực, song do biến động của thế giới, tình hình khu vực thực sự đang có vấn đề nổi lên.
Những vấn đề này là rất đa dạng, từ an ninh truyền thống đến vấn đề an ninh phi truyền thống. Theo cách phân tích trung thực, thẳng thắn mang đặc thù của các nhà lãnh đạo quân sự quốc phòng các nước thì những vấn đề an ninh này được trình bày rất rõ ràng. Và kết quả ai cũng nhìn thấy rõ ràng là xu thế chung của tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới đều cảm thấy lo ngại trước những thách thức an ninh đang nổi lên này.
Tất cả các quốc gia đều mong muốn được tham gia, đóng góp ý kiến để giảm bớt nguy cơ về an ninh, làm tăng giá trị của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và giúp khu vực ngày càng ổn định và hòa bình hơn. Song, mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển nếu chỉ nói suông thì không đủ.
Tại Diễn đàn Shangri-La lần này, bắt đầu có những tiếng nói hơi khác. Đó là mong muốn từ đối thoại, trao đổi sang hợp tác thực tế, làm thế nào để các cấu trúc an ninh, diễn đàn an ninh, cơ hội hợp tác đó có thể dẫn đến sự hợp tác trên thực tế, để đảm bảo giảm bớt nguy cơ về an ninh, đối phó với những nguy cơ mà chúng ta không thể lường hết được.
Vụ động đất ở Nepal gần đây là một ví dụ. Không thể nói đây chỉ là một vấn đề kinh tế xã hội, mà đó còn là vấn đề quốc phòng, an ninh, và cũng không thể nói đây là vấn đề của mình Nepal, mà đây còn là vấn đề của cả khu vực, và nói rộng ra là của cả thế giới.
Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập tương tự. Vấn đề đầu tiên là vấn đề chủ quyền giữa các nước khác nhau ở trong khu vực. Tuy nhiên, khi phát triển rộng lên, thì đây không chỉ còn là vấn đề chủ quyền nữa mà còn là vấn đề an ninh khu vực. Và khi phát triển hơn nữa, thì không chỉ còn là vấn đề khu vực mà là của thế giới. Chính vì thế, tôi muốn nói rằng Diễn đàn Shangri-La lần này cũng là sự tiếp nối của các đối thoại lần trước. Đấy là kết quả ngày đầu tiên chúng ta nhận thức được từ Đối thoại lần này.
* Xin Thứ trưởng cho biết vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và những hoạt động xây dưng quy mô lớn gần đây tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông đã được đề cập như thế nào tại hội nghị lần này?
Thực ra vấn đề Biển Đông đã được giới quân sự quốc phòng, giới lãnh đạo và học giả quan tâm từ nhiều năm nay. Tại Đối thoại Shangri-La từ năm 2010 đến nay, Biển Đông luôn là một vấn đề mà các quốc gia cùng quan tâm, khi tình hình Biển Đông nóng lên.
Tuy nhiên, tình hình năm nay được đề cập ở một sắc thái hơi khác. Có nhiều lý do, trước tiên là trước thềm Đối thoại Shangri-La lần này, đã có nhiều thông tin về việc thay đổi thực trạng trên Biển Đông, thậm chí trước một vài ngày có thông tin là Trung Quốc đã bước đầu thực hiện quân sự hóa những đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Những thông tin đó tác động rất mạnh mẽ tới giới quốc phòng quân sự và học giả. Bởi đó là hoạt động xây dựng đảo vi phạm luật pháp quốc tế ở một vùng biển hoàn toàn xa cách với Trung Quốc và có nhiều tuyên bố chủ quyền như vậy. Và hơn nữa thế nữa, nếu quả thực thông tin rằng Trung Quốc đưa một số vũ khí lên khu vực này một cách nhanh và sớm như vậy, rõ ràng quan ngại nói trên là có cơ sở.
Bước vào Đối thoại Shangri-La, hầu như tất cả các ý kiến, kể cả chính thức ở diễn đàn, ở các cuộc trao đổi và cả ở bên lề, không có một ý kiến nào không nhắc đến vấn đề Biển Đông. Điều đó cho chúng ta thấy trước hết, vấn đề Biển Đông là quan tâm chung của cả thế giới và khu vực. Đây là vấn đề khách quan.
Thứ hai, vấn đề này được quan tâm với tinh thần tích cực. Các bên quốc tế lo sợ xung đột, lo sợ luật pháp quốc tế bị vi phạm và lo sợ cách hành xử nước lớn với nước nhỏ không bình đẳng. Đây là một quan ngại hết sức đúng đắn và tất cả các ý kiến đều mong muốn có được một giải pháp tốt để mà không để xảy ra tình hình nghiêm trọng hơn và phức tạp hơn trên Biển Đông.
Tất cả các ý kiến đều tập trung vào vấn đề này. Có thể nói rằng vấn đề Biển Đông thực sự là vấn đề lớn mang tính chất chiến lược ở tầm khu vực, nếu không muốn nói là vấn đề mang tính chất toàn cầu. Bên cạnh mong muốn hòa bình ổn định, các ý kiến cũng đưa ra đề xuất, giải pháp theo xu hướng chung là tìm ra những cách thức ứng xử, nhằm đảm bảo không có tính toán sai lầm, không có hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt không để xảy ra xung đột.
Tất cả các ý kiến đều mong muốn có một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng bộ quy tắc ứng xử này phải thực chất, phải kiềm chế những hành vi để đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được tôn trọng, lợi ích và quyền của các quốc gia được tôn trọng.
Xu hướng chung này của thế giới và khu vực cũng giống như quan điểm cơ bản của Việt Nam. Đó là giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, và tôn trọng lẫn nhau. Đối với khu vực chúng ta, trước hết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng với ASEAN và tích cực làm việc với Trung Quốc để có COC.
* Xin Thứ trưởng cho biết về sự tham gia của đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri La năm nay?
Tại Đối thoại Shangri-La lần này, tôi đi thay Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bận việc ở trong nước nên đoàn Việt Nam không có phát biểu tại đối thoại. Tuy nhiên, việc đầu tiên đoàn làm được khi đến đây là lắng nghe một cách hết sức có trách nhiệm tiếng nói của tất cả các quốc gia có liên quan về nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, đoàn cũng có các cuộc tiếp xúc song phương bên lề nhằm trao đổi ý kiến xung quanh các vấn đề đang nổi lên, như vấn đề xây dựng phát triển, vấn đề chiến lược và can dự của các nước lớn hay vấn đề Biển Đông. Trong các cuộc tiếp xúc, chúng tôi được lắng nghe những ý kiến xung quanh những vấn đề như vậy để chúng ta nắm được xu thế chung của khu vực đối với khu vực của chúng ta, đồng thời chúng ta cũng bày tỏ quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước xung quanh những vấn đề mà thế giới và khu vực đang quan tâm.
Trong các cuộc tiếp xúc thì đầu tiên là chúng ta tập trung thúc đẩy hợp tác song phương, bàn những biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác với các quốc gia. Có thể ví dụ một số cuộc tiếp xúc song phương có kết quả rất tốt, như với Trung Quốc.
Tại cuộc gặp với đoàn Trung Quốc, hai bên đã bàn những giải pháp cụ thể để thực hiện những cam kết của hai bộ trưởng quốc phòng đã thống nhất trong giao lưu quốc phòng vừa qua. Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất những nội dung như nghiên cứu chiến lược chung, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và trong một số nội dung khác hai bên cũng đạt được sự thống nhất.
Chúng tôi cũng đã bàn về việc chuẩn bị để tháng 9 tới, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng tại Hà Nội, làm thế nào để những cuộc đối thoại chiến lược này đóng góp thực chất vào việc tăng cường mối quan hệ hai nước, song đồng thời cũng để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề trên biển.
Về vấn đề Biển Đông, đoàn Việt Nam đã đề cập một cách thẳng thắn, trung thực, trên tinh thần xây dựng với đoàn Trung Quốc về những quan ngại của chúng ta liên quan đến vấn đề Biển Đông. Và chúng tôi cũng đưa ra những đề xuất mang tính chất xây dựng, trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc để làm sao quân đội không làm tình hình căng thẳng hơn.
Ngược lại, quân đội hai nước phải tham mưu cho Đảng và Nhà nước hai bên để xoa dịu tình hình, trước hết là không để xảy ra căng thẳng, và tuyệt đối không để xảy ra xung đột. Sau đó, hai bên từng bước tìm ra giải pháp để hợp tác trên những khu vực đã được phân định mà hai bên đã thống nhất, như là tuần tra chung, hợp tác cảnh sát biển, tổ chức tìm kiếm cứu nạn...
Chúng tôi cũng trao đổi với phía Trung Quốc rằng vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết tuân thủ theo luật pháp quốc tế và mỗi bên cần phải tự kiểm soát hành vi của mình, đừng để hành vi của mình phải buộc phía bên kia lên tiếng. Điều này là rất không hay đối với hai nước láng giềng vốn có truyền thống tốt đẹp Việt Nam và Trung Quốc, thì chúng ta cũng không nên để việc như vậy xảy ra.
Chúng tôi đã trao đổi vấn đề như vậy với đoàn Trung Quốc và họ cũng ghi nhận một cách tích cực. Chúng tôi tin rằng những thông tin đó sẽ được báo cáo lên lãnh đạo Quân Ủy Trung ương Trung Quốc.
Với Philippines, đây cũng là một cuộc gặp rất thú vị bởi cùng thời điểm này, Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines đang chơi bóng chuyền ở đảo Song Tử Tây. Dù sự giao lưu của hai lực lượng hải quân ở Trường Sa còn rất nhỏ, song ý nghĩa lại rất tốt đẹp, khẳng định rằng Việt Nam và Philippines có tuyên bố chủ quyền trên vùng Trường Sa, song vẫn duy trì được mối quan hệ rất tốt đẹp với quân đội Philippines, bảo đảm không có xung đột với Philippines.
Ngoài ra, với các nước khác, đoàn Việt Nam cũng trao đổi các vấn đề song phương. Trong các cuộc tiếp xúc này, tất cả các nước đều hỏi ý kiến Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Đoàn Việt Nam cũng nêu lại những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước xung quanh vấn đề này. Đoàn Việt Nam cũng trao đổi rằng chúng ta hết sức kiên định trong những vấn đề có nguyên tắc, song cũng hết sức kiềm chế, không làm tình hình trở nên nóng hơn nữa.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TTXVN.
Theo: TTXVN/Tin Tức