Nghị định 115/2018/NĐ-CP đã siết chặt quy định về an toàn thực phẩm |
Cụ thể, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Về định nghĩa, nghị định liệt kê nhiều hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, bao gồm:
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm.
Nghị định cũng quy định các vi phạm về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép.
Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;...
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 300.000 - 500.000 đồng) đối với một trong các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau:
Không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ,…đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn, thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn, người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn, sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống…
Nhìn chung, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã quy định chi tiết hơn về hành vi, tuy nhiên có tăng nặng về mức xử phạt.
Đây được xem là quy định cần thiết để siết chặt hơn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm chịu điều chỉnh.
Nghị định 115/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.