Thực hiện chủ trương “quản lý giá cước theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp” được quy định tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020”, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát tình hình thực tế kinh doanh và xây dựng phương án điều chỉnh kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng di động quốc tế đảm bảo hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sau 2 năm triển khai biện pháp quản lý tại công văn 1468/CVT-GCKM và công văn 1469/CVT-GCKM, môi trường kinh doanh đã đổi mới không ngừng, nhiều dịch vụ đa dạng đã được phát triển có khả năng thay thế dịch vụ Chuyển vùng và thực tế thị trường dịch vụ Chuyển vùng quốc tế của Việt Nam cũng có nhiều đổi mới.
Các doanh nghiệp đã kinh doanh trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, không doanh nghiệp nào có khả năng không chế thị trường, ảnh hưởng đến giá cước Chuyển vùng quốc tế nên thị trường này không cần sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo đó, "từ ngày 1/6/2017, việc hợp tác kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng quốc tế với các đối tác nước ngoài sẽ do doanh nghiệp chủ động đàm phán theo nguyên tắc thỏa thuận thương mại, phù hợp với thực tế kinh doanh dịch vụ Chuyển vùng quốc tế đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia”, đại diện Vụ Viễn thông cho biết.
Giá cước đàm phán trên nguyên tắc thương mại với các đối tác đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, phù hợp với mức chi trả của người dân để kích thích tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi quốc gia khi tiến tới cân bằng chiều đến và chiều đi, tăng nguồn thu từ phát triển chiều đi.
Đồng thời thông qua đó thay đổi này thúc đẩy khuyến khích phát triển, đầu tư vào Việt Nam khi tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được dùng dịch vụ Chuyển vùng quốc tế với giá cước phù hợp với thực tế và người dân Việt Nam cũng được tăng tiện ích khi được dùng dịch vụ Chuyển vùng quốc tế chiều đi tương đồng với giá cước chiều đến.