TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cần cẩn trọng với nguồn tiền cho vay ngang hàng

VietTimes -- TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại về việc các nguồn vốn đến từ nước ngoài sẽ tìm cách len lỏi vào Việt Nam thông qua hình thức cho vay ngang hàng, mà “đó có thể là những dòng tiền của các tổ chức tội phạm”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Internet)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Internet)

Cẩn trọng với nguồn tiền cho vay ngang hàng

Tại buổi họp báo Thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng Quý 1/2019, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đang thực hiện nghiên cứu, tham khảo các cách thức quản lý đối với loại hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này. Đồng thời, NHNN cũng sẽ đề xuất đưa cho vay ngang hàng vào loại hình kinh doanh có điều kiện.

Chia sẻ với VietTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu lo ngại hình thức cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng vẫn chưa có những quy định pháp lý cụ thể để quản lý, bảo vệ quyền lợi của người dân. Điều này đặt ra đòi hỏi cơ quan quản lý cần có những bước đi thận trọng và chặt chẽ.

“Hoạt động cho vay của các ngân hàng hay quỹ tín dụng nhân dân đều đã có các quy định rõ ràng, quyền lợi của người dân được pháp luật bảo vệ. Trong khi đó, đối với hoạt động P2P Lending, các bên sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng di động để kết nối người đi vay và người cho vay. Về lý thuyết, bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đóng vai trò trung gian, thu phí dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp “trung gian” thường là các đơn vị thực hiện cho vay.

Mặt khác, loại hình này chưa có quy định cụ thể của pháp luật, chế tài giao dịch cụ thể về lãi suất, phương pháp trả nợ, thu hồi nợ,…cũng như hoạt động như thế nào, dưới hình thức nào. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng bày tỏ lo ngại về việc các nguồn vốn đến từ nước ngoài sẽ tìm cách len lỏi vào Việt Nam thông qua hình thức cho vay ngang hàng, mà “đó có thể là những dòng tiền của các tổ chức tội phạm”.

“Không những vậy, khi cho vay ra, các đối tượng này sẽ cài cắm những cái bẫy, điều khoản tinh vi để bẫy người đi vay. Thường các “con nợ” sẽ phải trả lại gốc và lãi vay gấp nhiều lần số đó. Dù hoạt động này đang diễn ra khá phổ biến, nhưng vì các đối tượng này hoạt động trên không gian mạng nên rất khó phát hiện và xử lý” - vị chuyên gia chia sẻ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải sớm có những biện pháp, chế tài quy định cụ thể và kịp thời đối với lĩnh vực này.

“Chúng ta cần phải xây dựng hệ thống quy định cụ thể về các hoạt động cho vay ngang hàng, xác định rõ các công ty tổ chức loại hình này được hoạt động ra sao, quy định về trụ sở, con người và nguồn vốn như thế nào” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Tín dụng đen đang tấn công hệ thống ngân hàng

Trước đó, tại buổi tọa đàm “Công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I/2019” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đã phát đi những cảnh báo về thực trạng tín dụng đen đang tìm cách len lỏi vào hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho biết đang đảm nhiệm vị trí cố vấn cấp cao cho một ngân hàng nên hàng ngày đều “đụng chạm” tới các hoạt động tín dụng.

"Nhắc tới tín dụng đen chúng ta thường nghĩ đến nguồn vốn tín dụng đổ ập xuống những người thiếu hiểu biết, thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa…Nhưng đang có hiện tượng rất mới mà chính tôi cũng ngạc nhiên, đó là tín dụng đen đang tấn công hệ thống ngân hàng” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Ông chia sẻ câu chuyện vừa qua về nhóm đối tượng mang một số tiền rất lớn tới gửi tại các ngân hàng để lấy sổ tiết kiệm. Sau đó, họ dùng sổ tiết kiệm này thế chấp cho bên thứ 3 để vay tiền. Sau khi đã vay tiền, họ lợi dụng kẽ hở trong hoạt động ngân hàng, lợi dụng cả lòng tin cán bộ ngân hàng để chối bỏ trách nhiệm thế chấp tiền gửi cho ngân hàng, tức là đòi lại tiền đã gửi của họ

“Các đối tượng này rất tinh vi. Họ nghiên cứu quy trình của ngân hàng, nhằm tận dụng những kẽ hở trong quy trình, của cán bộ ngân hàng. Giao dịch có thể diễn ra suôn sẻ trong một số lần để thiết lập lòng tin, nhưng sau đó họ sẽ tận dụng các kẽ hở trong quy trình của ngân hàng để trục lợi” - TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.  

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, chưa có căn cứ để xác định được nguồn vốn tín dụng đen hiện tại xuất phát từ trong nước hay từ nước ngoài. Dẫu vậy, nó đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam.

“Các đối tượng này không chỉ dùng những dòng vốn đó để cho vay, thu về gấp 4-7 lần số vốn bỏ ra mà họ cũng đang dùng chúng để tấn công hệ thống ngân hàng. Cả hệ thống cũng cần phải cảnh giác với những dòng vốn đang len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam, nguy cơ gây ra khủng hoảng này” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo./.