Hiệu quả của các chính sách bình đẳng giới
Chị nghĩ thế nào về Công ước CEDAW, được Việt Nam phê chuẩn cuối năm 1981, và Luật Bình đẳng giới, có hiệu lực từ nửa sau 2007, ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của phụ nữ, cũng như tăng sự bình đẳng của nữ giới so với nam giới?
- Công ước CEDAW là Công ước Chống mọi Hình thức Phân biệt Đối xử đối với Phụ nữ. Từ khi được phê chuẩn, nhất là khi Việt Nam tiến hành đổi mới, công ước này làm thay đổi cuộc sống phụ nữ khá nhiều. Nhờ công ước ấy mà Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ.
Ví dụ, trong chính sách trong lao động sản xuất chẳng hạn, trong Luật Lao động, có tạo điều kiện cho phụ nữ có con nhỏ nghĩ giữa giờ cho con bú, hoặc được nghỉ 6 tháng khi sinh con.
Hay những chính sách như tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào vai trò lãnh đạo trong xã hội, và Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình năm 2007…
Tôi biết có một trường hợp rất rõ ràng – đó là nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi xuống thăm Bộ Ngoại giao, đã hỏi tại sao Bộ Ngoại giao không có nữ thứ trưởng, và bà Nguyễn Phương Nga đã được chọn.
- Vâng, chị Nguyễn Phương Nga đầu tiên là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, sau sang làm Trưởng đoàn Thường trực Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, rồi bây giờ làm Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị.
Đấy là ví dụ rõ ràng rằng, nếu được lãnh đạo quan tâm, phụ nữ sẽ có cơ hội. Và, thực sự, chúng ta thấy rằng phụ nữ có thể đảm đương được những vị trí như vậy. Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Chủ tịch Quốc hội, chẳng ai dám nói bà làm kém những người tiền nhiệm.
Nhưng ở Việt Nam, người ta vẫn coi trọng điều mà người ta gọi là “thiên chức”. Tôi không thích từ này.
Thiên chức là làm vợ, làm mẹ, và cái đó mới là ưu tiên của người phụ nữ. Mọi thứ khác đều vô nghĩa. Điều này rất thiên lệch, nó cản trở phụ nữ tiến bộ.
Nhiều phụ nữ sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp, cơ hội của mình, để làm tròn cái “thiên chức” làm vợ, làm mẹ. Trong khi, đàn ông không bao giờ từ chối những cơ hội đó, đúng không? Họ hiếm khi đặt gia đình lên ưu tiên hơn là sự nghiệp của mình. Đó là sự bất bình đẳng.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Tôi thấy có hai trường hợp khá đặc biệt là hai người phụ nữ là bà Virginia Foote, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC) và bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Họ là hai người, nhất là bà Virninia Foote, dành rất nhiều thời gian cho tiến trình bình thường hóa quan hệ, đàm phán ký kết hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA), cũng như đám phán song phương giữa Việt Nam và Mỹ, cơ sở quan trọng để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều đặc biệt, họ đều được hưởng quyền bình đẳng với chồng của họ, và sống rất hạnh phúc. Tại sao vậy?
- Đơn giản thôi, trong cả hai trường hợp, người chồng của họ có những khi lại trở thành người nội trợ, chia sẻ những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái với vợ. Họ là những việc đó với niềm hạnh phúc, mặc dù họ cũng có công việc riêng quan trọng.
Trong đời tôi, tôi chứng kiến không ít người như vậy. Bà Đại sứ Australia Robyn Mudie có chồng đi theo làm nội trợ. Hay bà Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có chồng cũng là nội trợ, chăm sóc chính cho công việc gia đình.
Nếu họ ở Việt Nam thì sẽ sao? Tôi thấy những người như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, có chồng là nguyên sĩ quan quân đội về hưu. Khi khách đến nhà, ông vẫn vui vẻ ra mở cổng, vì lúc đó công việc của bà Bình rất bận.
- Chắc khó đấy, trừ những trường hợp như anh đã nêu. Đơn giản, họ là những người hạnh phúc, vì được chồng hiểu, thông cảm và chia sẻ công việc nhà.
Nhưng chắc chắn đó không phải mô hình mà nhiều người mơ ước ở Việt Nam. Và tôi tin rằng có nhiều người phụ nữ có thể được như những người anh vừa nói, nhưng họ đã không giải quyết được mối quan hệ với người chồng. Họ đã không phấn đấu, vì người chồng ngăn cản, hoặc bản thân họ đề cao gia đình hơn.
Hoặc là tác động của họ hàng và những người xung quanh?
- Cho nên là chúng ta có ít những người phụ nữ như những người như anh hay tôi vừa nói.
Theo chị, bây giờ và sắp tới, để tăng cường quyền bình đẳng cho phụ nữ, cần phải có những chính sách gì?
- Thực ra, nói về chính sách Việt Nam đâu có thiếu gì. Nhưng mà không thực hiện được.
Ví dụ, như là đại biểu quốc hội, bao nhiêu nhiệm kỳ vừa rồi cứ phấn đấu là làm sao có 30% đại biểu quốc hội là nữ, nhưng mà mấy nhiệm kỳ rồi chúng ta không đạt được. Có thời kỳ cao nhất là năm 1976 đạt được được 32%, bởi vì lúc ấy mới hết chiến tranh, đàn ông ra hết mặt trận, chỉ còn phụ nữ ở hậu phương thôi. Đến ngay năm 1978, tỷ lệ đó giảm xuống còn 18%.
Từ đó đến nay, bao nhiêu tiền dồn vào, các tổ chức quốc tế cũng có bao nhiêu dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ để cho họ có thể đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo. Nhưng chẳng bao giờ đạt được 30% nữ đại biểu cả.
Theo dõi quốc hội họp, tôi thấy dường như các nữ đại biểu chưa phát huy mạnh lắm vai trò của mình, nhất là việc góp ý về dự thảo luật, hay chất vấn các thành viên chính phủ. Dường như, chưa có những nữ cá nhân xuất sắc nhất được lựa chọn vào quốc hội, không biết có đúng không?
- Tại vì cơ chế bầu chọn đại biểu hiện có quá nhiều những cơ cấu. Một người vào quốc hội vừa là nữ, vừa trẻ, lại vừa thuộc nhóm dân tộc thiểu số, vân vân. Một người mà đội nhiều mũ thế sẽ rất khó chọn người tài.
Còn anh nói chuyện đóng góp ý kiến, hay chất vấn không hiệu quả, cũng đúng. Nhưng khi đi bầu cho phụ nữ, bản thân cử tri ít đặt lòng tin vào phụ nữ. Họ ít khi
bầu cho phụ nữ là vì như thế.
Khi mà chúng tôi cũng làm nghiên cứu, có phỏng vấn cử tri, “hỏi có cả ứng cử viên là nam và nữ, các bác bầu cho ai”, họ trả lời rằng “tôi mà cứ thấy tên mà có chữ Thị là tôi gạch”.
Tôi mới hỏi “tại sao lại như thế”, họ nói “thực ra, thì phụ nữ chắc cũng có nhiều người tài năng đấy, nhưng đàn bà bao giờ họ cũng ưu tiên gia đình của họ. Con ốm, chồng đau, người ta ở nhà chứ ai đêm hôm đi làm như đàn ông chúng tôi, gọi giờ nào chúng tôi đi giờ đấy. Cho nên chỉ có đàn ông mới làm được việc lớn.”
Họ đã nghĩ như vậy, và không bầu cho phụ nữ.
Chính sách an sinh xã hội càng trói buộc phụ nữ vào gia đình
Trong chuyện này, hình như chính sách an sinh dành cho phụ nữ chưa tốt, nên chưa giúp đỡ cho phụ nữ trong công việc gia đình, để họ có thể làm công tác xã hội tốt hơn?
- Chính xác. Đó là còn chưa nói, chưa phân tích đến câu chuyện an sinh xã hội. Gánh nặng công việc và gia đình đè lên vai người phụ nữ, cho nên người phụ nữ không thể toàn tâm toàn ý để phấn đấu, để học tập mà đạt được sự sắc sảo của nam giới.
Ngay như cả đại biểu quốc hội nữ, về nhà cũng phải lo cơm lo nước, rồi bố mẹ chồng… Trong khi đàn ông đi họp về là rảnh rang đọc báo, xem TV, hay đi gặp bạn bè, đi nhậu… Thông tin các anh có được mà không nhiều hơn phụ nữ, các anh không sắc sảo hơn phụ nữ, ăn nói gãy gọn hơn phụ nữ, thì mới lạ.
Vấn đề không phải phụ nữ kém tài năng hơn, mà do họ không toàn tâm toàn ý cho công việc. Họ phải xử lý rất nhiều việc không tên.
Bây giờ, chúng ta nói đến chính sách an sinh xã hội, hay là chính sách xã hội nói chung, là trả lại cho gia đình tất cả những chức năng phục vụ, ví dụ như chăm sóc trẻ em, người già, hay chữa bệnh… Bây giờ không còn bao cấp như ngày trước nữa, vậy khi trả lại cho gia đình những chức năng đó, chúng sẽ dồn lên vai ai? Lên vai phụ nữ thôi.
Bây giờ, nhà trẻ, mẫu giáo, hay học hành tiểu học, rồi chuyện đi vào bệnh viện chăm sóc người già, ai làm? Phụ nữ chứ ai. Bây giờ, nếu trẻ con ốm, phụ nữ ở nhà. Đàn ông cũng có làm, anh đừng tự ái, nhưng mà ít hơn rất nhiều. Đa số vẫn là phụ nữ.
Tôi thấy thế hệ trẻ bây giờ, không ít đàn ông đã tham gia công việc nhà, vợ đẻ tự tay chăm sóc cho cả mẹ lẫn con. Thậm chí, con ốm lại ở nhà, để cho vợ đi làm, vì công việc của hai người tương đương nhau, mà phụ nữ lại yếu hơn. Tôi thấy đồng nghiệp tòa báo của tôi đã làm chuyện đó.
- Đúng là như thế. Bây giờ đã có sự thay đổi rồi, bởi suy nghĩ của thế hệ trẻ đã thay đổi. Tuy nhiên, có một điều mà tôi cũng quan sát thấy, và cũng hơi buồn, rằng khi còn tương đối trẻ sẵn sàng chia sẻ với vợ, và cuộc sống khá bình đẳng. Nhưng mà khi người đàn ông khoảng độ 40 tuổi trở lên, anh ta lại lộ nguyên hình như ông bố, hay ông nội của anh ta thời trước – cũng lại thành một ông gia trưởng.
Mà đến độ tuổi đấy mới là độ tuổi mà người phụ nữ thực sự là trưởng thành, đúng không? Chín chắn về mặt tư duy, về kinh nghiệm sống, và có thể đóng góp vai trò trong xã hội. Nhưng lúc đó ông chồng lại trở thành gia trưởng mất rồi. Chán thế đấy!
Tôi vẫn thực sự chưa tin lắm. Nhưng chị đã có nghiên cứu, khảo sát thì ta tạm gác lại. Hy vọng thế hệ đàn ông hiện nay đang trẻ sẽ rút được kinh nghiệm.
Vậy qua nghiên cứu, chị rút ra nguyên nhân gì?
Tôi nghĩ rằng là xã hội của chúng ta vẫn là một xã hội nam trị, hay một xã hội trọng nam. Mô hình gia đình mà người đàn ông là người làm chủ, tiếng nói của đàn ông phải là cái tiếng nói quyết định. Mô hình đó vẫn phổ biến, và được mọi người ưa thích. Một gia đình bình đẳng mà trong đó người vợ cũng ngang hàng với người chồng, xã hội không thích lắm, và, vì vậy, không phổ biến.
Quay trở lại chính sách xã hội, người phụ nữ chưa thực sự được giải phóng, nên, cuối cùng, người phụ nữ vẫn bị cột chặt vào gia đình của mình. Và khiến cho bất cứ người phụ nữ nào mà muốn thay đổi, muốn phát huy được năng lực của mình hơn, đều cảm thấy có lỗi với gia đình của mình.
Tôi có một ví dụ này, xin hỏi chị. Có hai anh em nhà kia, người em có vợ làm nhà nước, chức vụ cao hơn anh chồng phục vụ trong quân ngũ. Cứ về nhà là cô ấy cáu bẳn, nhiều khi mắng cả chồng lẫn mẹ chồng. Còn…
- Vậy anh có thử đặt vị trí của cô vợ cho anh chồng không? Cũng mệt mỏi vì công việc, trách nhiệm, về nhà nếu anh ấy cáu với vợ, và với mẹ vợ, liệu mọi người có trách anh ấy không?
Vâng, tôi hiểu. Xin nói tiếp ví dụ thứ hai. Người anh lại rất chăm sóc, quan tâm đến nhà vợ, bởi anh ta yêu quý họ, và anh ta cũng làm những điều có lỗi với họ. Nhưng họ hàng của anh ta lại có thái độ hơi chê bai là “sợ vợ”…
- Trong trường hợp này, anh không nói có lỗi gì, nên tôi không bàn thêm, nhưng tôi thấy thái độ của anh ta là đúng. Nhưng đúng là chúng ta sống trong một xã hội “nam trị”, mọi ý nghĩ tốt đẹp luôn bị những lời dèm pha, chỉ trích là “sợ vợ”, “nhất nhà vợ”… Tôi chỉ biết nói thông cảm với anh ta thôi, dù anh ta đã tiến gần đến khái niệm “bình đẳng giới” rồi đó. (Cười)
Xin hỏi tiếp một câu nữa, liên quan tới chủ đề này. Khi gia đình xảy ra mâu thuẫn, hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ, và các hội con của nó, dường như chỉ tìm cách hòa giải để giữ gia đình, mà ít quan tâm đến nhu cầu thực của người phụ nữ. Như chị đã nói, hội phụ nữ là dành riêng cho phụ nữ, để lo bảo vệ quyền lợi của phụ nữ…
- Đúng, tôi nói vậy. Nhưng Hội Liên hiệp Phụ nữ, được thành lập chỉ 8 tháng rưỡi sau ngày ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục đích là cánh tay nối dài nhằm mục đích huy động một nửa dân số còn lại tham gia Cách mạng, sau đó là tham gia kháng chiến…
Đến thời bình, nửa dân số này được khuyến khích tham gia giữ ổn định xã hội, vì gia đình là tế bào của xã hội. Hội phụ nữ, với chức năng ấy, phải lo chuyện ấy là đúng thôi.
Mặc dù vậy, tôi đồng ý với anh. Gia đình còn có những điều căn bản mà giữ được, hãy giữ, còn không, nên chia tay một cách nhẹ nhàng, như người Bắc Âu ấy. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc mà.
Xin phép được hỏi chị câu cuối cùng. Nếu có thể thay “tứ đức” bằng những từ khác, trong xã hội hiện đại ngày nay, chị sẽ thay bằng những chữ gì?
- Tôi không muốn nhắc đến “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, vì dễ bị hiểu lầm là bảo lưu những khuôn mẫu của Nho giáo. Tuy nhiên, nếu ai đó cho rằng có thể mở rộng những khái niệm đó trong thời hiện đại thì tôi tạm phác thảo thế này.
Công: là nghề nghiệp, công việc. Làm phụ nẽ thời nay nhất định phải có nghề nghiệp, công việc. Muốn vậy phải học tập, phải rèn luyện tay nghề mang lại thu nhập tốt để có thể độc lập, không phụ thuộc người khác, để được tôn trọng.
Dung: phụ nữ phải biết quan tâm đế ngoại hình của mình sao cho lúc nào cũng gọn gàng, chỉn chu. Biết tìm ra nét đẹp của mình để phát huy. không chạy theo trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ khiến mình mất đi vẻ tự nhiên riêng biệt của mình. Vẻ đẹp không chỉ phụ thuộc vào những nét bề ngoài, mà còn toả sáng từ nội tâm. Thần thái trong sáng, tâm hồn thiện lương, sẽ thể hiện trên nét mặt của bạn.
Ngôn: nói năng tự tin, chừng mực, có ý nghĩa, tôn trọng người khác... Để được như vậy phải học.
Hạnh: Phong thái đàng hoàng, tác phong nhanh nhẹn, quan tâm đến những người xung quanh, biết yêu bản thân, yêu thương gia đình, nhưng biết chia sẻ với những người khó khăn...
Điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là người phụ nữ ngày nay trau dồi Công, Dung, Ngôn, Hạnh, không phải là để làm người nội trợ hoàn hảo trong nhà, mà là để có thể trở thành môt người độc lập, tự tin, có năng lực để đạt được những vị trí xã hội cao, góp phần xây dựng cộng đồng và đất nước ngày càng giàu mạnh.
Nói như vậy, Công, Dung, Ngôn, Hạnh cũng hoàn toàn có thể áp dụng cho nam giới. Và tôi nghĩ xã hội chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, nếu cả phụ nữ và nam giới đều trau dồi những phẩm chất đó. Sẽ là vô nghĩa nếu mà chỉ có phụ nữ phải cố gắng còn nam giới thì không.
Xin cám ơn chị. Chúc chị có một ngày kỷ niệm 20/10 thật vui vẻ và ý nghĩa!
Lý lịch trích ngang
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng là người sáng lập và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Hà Nội. Bà Hồng có bằng cử nhân Tâm lý học năm 1984, và bằng tiến sĩ Xã hội học 1997.
Trước khi thành lập ISDS, bà là nghiên cứu viên tại Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ năm 1984 đến năm 2000, và chuyên gia về giới tại UNDP Việt Nam từ tháng 3/2000 đến 5/2001.
Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà bao gồm giới, tình dục và hòa nhập xã hội. Ts. Khuất Thu Hồng là Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet).
TS. Hồng còn là một nhà hoạt động xã hội tích cực và một nhà vận động cho bình đẳng giới. Bà là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình và phát thanh trong nước, và quốc tế, và thường trả lời phỏng vấn của báo chí về các vấn đề giới và xã hội ở Việt Nam.