TS Bùi Kiến Thành: Phải thay “cổ phần hóa” bằng “tư nhân hóa” doanh nghiệp nhà nước

Hiện nay Việt Nam còn khoảng 1,2 - 1,3 triệu tỉ đồng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Nếu so với số vốn cần phải thoái thì con số này rất ít ỏi. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cần phải thúc đẩy “tư nhân hóa” chứ không chỉ là “cổ phần hóa” như hiện nay.
TS Bùi Kiến Thành
TS Bùi Kiến Thành

Theo con số thống kê của Chính phủ, năm 2013 Việt Nam mới chỉ cổ phần hóa chưa đầy 100 doanh nghiệp nhà nước. Năm 2014, có thêm 74 đơn vị được cổ phần hóa (CPH) và đến trung tuần tháng 11.2015 có thêm 159 đơn vị được CPH. Theo nhiều dự đoán, kết thúc năm 2015, có tổng cộng khoảng 460 đơn vị được CPH, hoàn thành 90% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2011-2015.

Dù thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 1,2 - 1,3 triệu tỉ đồng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Nếu so với số vốn cần phải thoái thì con số này rất ít ỏi.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3/2015, việc chậm trễ trong CPH có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Nguyên nhân khách quan là thị trường chứng khoán chưa thực sự khởi sắc, cung vượt quá sức cầu của thị trường…

Nguyên nhân chủ quan là việc định giá khởi điểm bán cổ phần nhà nước chưa hợp lý, thường cao hơn so với giá thị trường kỳ vọng, dẫn tới tỷ lệ cổ phần trúng giá đạt thấp. Chưa có sự công khai, minh bạch trong CPH, các thông tin liên quan đến doanh nghiệp không dễ tiếp cận với nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng phương án CPH để lại tỷ lệ cổ phần nhà nước ở mức cao khiến nhà đầu tư bên ngoài không mặn mà với CPH. Bởi vì nếu cổ phần nhà nước quá cao thì vẫn đội ngũ điều hành doanh nghiệp đó, tình hình không có gì thay đổi.

Theo kết quả nghiên cứu về cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam do Ngân hàng Á châu (ADB) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Tài chính Việt Nam thực hiện, giai đoạn 2003 - 2009, Việt Nam CPH được 2.389 doanh nghiệp, nhưng từ năm 2009 - 2013 chỉ CPH được 69 doanh nghiệp. Năm 2015, trong số gần 300 doanh nghiệp phải CPH xong như mục tiêu đề ra, thì 6 tháng đầu năm mới CPH được 61 doanh nghiệp.

Qua những con số trên rất dễ nhận ra rằng việc CPH đang diễn ra chậm và ngày càng phức tạp, khó khăn hơn. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là tiến trình CPH bắt đầu đụng chạm đến các doanh nghiệp nhà nước lớn, có nhiều khoản nợ không rõ ràng, gây khó cho xác định giá trị doanh nghiệp; quản trị yếu kém; hoạt động thiếu minh bạch, nên làm nản lòng nhà đầu tư.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Kiến Thành cho rằng việc CPH doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa được như kỳ vọng, số vốn cần thoái vẫn còn rất lớn. 

Theo TS Thành, Việt Nam  chỉ cần giữ lại những doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực như an ninh-quốc phòng, những lĩnh vực mà tư nhân chưa làm được, còn ngoài ra phải CPH hết.

“Không chỉ cải cách doanh nghiệp nhà nước, phải tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế  nói chung.  Không chỉ cổ phần hóa mà phải là tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước”, TS Bùi Kiến Thành khẳng định. 

TS Thành nói thêm, nếu CPH, theo cách mà nhà nước vẫn nắm giữ số vốn rất lớn ở các doanh nghiệp thì việc điều hành vẫn như cũ, vẫn không thay đổi bộ máy và triết lý điều hành thì cũng không có gì khác. 

Ngoài ra cần phải quyết liệt hơn trong việc minh bạch công tác CPH, tránh lợi ích nhóm, bè phái..., ông Thành cho biết.

Hoàng Long - Theo Một thế giới