Mới đây, báo cáo trước Quốc hội về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ đã tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp Nhà nước tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Riêng trong năm 2015, đã có đến 200 doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Không phải đến bây giờ - khi câu chuyện ngân sách đang cần tỷ đô để đầu tư phát triển, cơ cấu nợ…-thì câu chuyện cổ phần hóa mới tốn nhiều giấy bút truyền thông như bây giờ. Thực tế, cổ phần hóa đã được bắt đầu từ hơn hai mươi năm về trước.
Đổi mới tư duy quản lý kinh tế bắt đầu diễn ra mạnh sau kỳ Đại hội VI của Đảng cuối năm 1986. Lúc này, tư duy quản lý đã thay đổi. Việc cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện với chủ trương tăng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, yêu cầu phải chuyển sang hình thức kinh doanh hạch toán kinh tế, lời ăn lỗ chịu.
Sau giai đoạn gian nan thời kỳ thử nghiệm, cổ phần hóa được đẩy mạnh cùng nghị định 44 của Chính phủ. Trong vòng chưa đến 4 năm, nửa triệu doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa.
Bùng nổ mạnh mẽ nhất là từ khoảng cuối năm 2001. Hai chỉ thị và nghị định lớn là Chỉ thị số 04/2002/CT-TTg và Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ra đời đã thành văn kiện pháp lý cho giai đoạn tiến hành cổ phần hóa ồ ạt.
Vinamilk là một trường hợp cổ phần hóa nổi bật trong giai đoạn bùng nổ này.
Cổ phần hóa tại Vinamilk
Ngày 8/10/2015 vừa qua Chính phủ đã quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk. Với con số ước tính lên đến 2,5 tỷ USD thu về cho Nhà nước ngay khi bán hết vốn còn lại tại Vinamilk hiện nay (45%), thì gần như không có doanh nghiệp nào của Việt Nam đạt nổi.
Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang rất căng thẳng thì khoản tiền này càng ý nghĩa. Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong một chuyến công tác cùng UB Kinh tế của Quốc hội làm việc tại Vinamilk đã đánh giá Vinamilk là một điển hình trong công tác cổ phần hóa DN Nhà nước.
Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 12/2003, với việc sáp nhập nhà máy sữa Sài Gòn (SAIGONMILK), vốn điều lệ của Công ty lúc này đạt 1.590 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/10/2005, Nhà nước nắm 9.615.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 961.500.000.000 đồng, chiếm 60,47%.
Đến tháng 11/2005, tức gần 2 tháng sau, sau khi bán một phần vốn ra bên ngoài, Nhà nước chỉ còn nắm 7.952.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 795.200.000.000 đồng, chiếm 50,01%.
Ngày 19/1/2006, cổ phiếu của Vinamilk (mã chứng khoán VNM) đã chính thức được niêm yết tại Trung tâm Chứng khoán TP.HCM với giá khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên là 53.000 đồng/cổ phiếu.
Cởi dần tấm áo hẹp của doanh nghiệp Nhà nước, thông qua các lần tăng vốn, cho đến hiện tại vốn Nhà nước tại đây còn 45%, không còn nắm quyền chi phối. Bước ngoặt thoái vốn của Nhà nước và sớm lên sàn chứng khoán đã khiến Vinamilk nhanh chóng có thêm đông đảo các nhà đầu tư khác. Đặc biệt, room ngoại của cổ phiếu công ty luôn trong tình trạng lấp đầy suốt nhiều năm.
Một vài con số và ghi nhận sau sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp này sau khi cổ phần hóa:
- Là công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường CK Việt Nam hiện nay (khoảng 6 tỷ USD)
-Vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tăng trưởng gấp 10 lần; vốn điều lệ từ 1.569 tỷ đồng lên hơn 12.000 tỷ đồng hiện tại.
-Là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường đạt tăng trưởng doanh thu mỗi năm khoảng 22% trong 10 năm nay bất chấp thăng trầm của nền kinh tế. Từ mức chưa đầy 4.250 tỷ đồng năm 2004, Vinamilk thành doanh nghiệp đạt tỷ đô doanh thu vào năm 2011 và cán ngưỡng gần 1,5 tỷ đô vào năm ngoái. Sau 10 năm cổ phần hóa, doanh thu tăng 8,3 lần, đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng năm 2014
-Là thương hiệu sữa duy nhất đạt Thương hiệu quốc gia được nhiều tổ chức trong và ngoài nước biết đến; Lần đầu tiên, một doanh nghiệp nội nhận được hàng loạt giải thưởng danh giá do các tổ chức quốc tế trao tặng như: Giải thưởng quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất Châu Á, Top 100 doanh nghiệp hàng đầu Asean 2014 (do Standard & Poors xếp hạng), 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất Asean năm 2014 (Tạp chí Nikkei Asian Review)…
-Không chỉ “thống trị” thị trường sữa nội địa, Vinamilk đã xuất khẩu sang hơn 31 quốc gia với doanh thu xuất khẩu hàng năm đạt hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Nhà nước “chốt lãi” hàng tỷ đô từ cổ phiếu VNM sau 10 năm
Thay đổi vận mệnh của mình, Vinamilk cũng đóng góp cho Nhà nước khoản tiền nghìn tỷ mỗi năm bên cạnh hàng loạt đóng góp cho an sinh xã hội khác.
Thống kê cho thấy, 10 năm cổ phần hóa, Vinamilk cũng đã nộp ngân sách nhà nước gần 19.000 tỷ đồng.
Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC, là đại diện vốn Nhà nước tại Vinamilk trong suốt 10 năm cổ phần hóa đã thu về 9.000 tỷ đồng cổ tức từ doanh nghiệp này, chiếm tới 42% tổng số cổ tức SCIC thu về từ hơn 1.000 doanh nghiệp đang nắm vốn.
2,5 tỷ đô Mỹ hiện tại là giá trị phần vốn góp còn lại của Nhà nước tính tương đương giá thị trường. Lượng cổ phiếu VNM mà SCIC sở hữu tăng 7 lần từ khi cổ phần hóa thông qua các chương trình phát hành cổ phiếu thưởng. Giá trị khoản đầu tư của SCIC tại Vinamilk tại thời điểm hiện tại đạt 55 nghìn tỷ, tăng khoảng 12,5 lần so với giá trị tại thời điểm cổ phần hóa cách đây 10 năm.
Cùng với sự lớn mạnh về quy mô, Vinamilk đã tạo công ăn việc làm cho hơn 6 nghìn nhân viên trực tiếp và cho hàng triệu lao động cả nước nếu tính toàn bộ công ăn việc làm mà doanh nghiệp này tạo ra, trong đó có hàng ngàn hộ nông dân chăn nuôi bò sữa.
Cũng nên kể đến 1 số đóng góp xã hội của doanh nghiệp này như quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục môi trường – Bộ tài nguyên môi trường thực hiện, Qũy sữa vươn cao Việt Nam với hơn 24 triệu ly sữa tương đương 94 tỷ đồng dành tặng cho trẻ em nghèo, mồ côi trên 63 tỉnh thành phố.
Phát biểu tại sự kiện Vinamilk mua 70% cổ phần nhà máy sữa Driftwood tại bang California, Mỹ - nhà sản xuất sữa lớn nhất của bang này, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản, chúng ta có doanh nghiệp không chỉ đứng vững, mà còn đưa thương hiệu hội nhập toàn cầu thành công. Đây là điều được quốc tế công nhận, chứ không phải chuyện chúng ta tôn vinh lẫn nhau”,
Bên cạnh chính sách cổ phần hóa và thoái vốn đúng đắn của Chính phủ, sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến bộ máy lãnh đạo, quản trị tài năng của doanh nghiệp được dẫn dắt bởi chủ tịch, kiêm CEO Mai Kiều Liên trong nhiều năm.
Bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam liên tục 4 năm liền nằm trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do tạp chí Forbes bình chọn các năm từ 2012 đến 2015.
Mới đây bà Liên cũng là người Việt Nam duy nhất cũng nhận được giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20 (2015). Vai trò của bà Mai Kiều Liên được coi là cực kỳ quan trọng trong việc đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp hàng đầu như hiện nay, nơi bà đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình từ vị trí một nhân viên cho tới người lãnh đạo cao nhất.
Theo Trí thức trẻ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu