Đứng ngồi không yên vì vết nứt trên đồi
Trời mưa hai ngày không ngớt, anh Vàng Seo Chứ (33 tuổi), Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) sốt ruột, bởi quanh thôn có quả đồi đang "no nước", có thể bị sạt lở, đổ sập xuống nhà dân bất cứ lúc nào.
Phía dưới thôn anh Chứ nằm cách bờ sông Chảy khoảng 700m, nhìn dòng nước lũ đục ngầu, chảy cuồn cuộn, anh Chứ "đứng ngồi không yên".
Sáng 9/9, anh huy động nhóm thanh niên trong thôn đi kiểm tra quanh quả đồi gần bản. Quá trình kiểm tra, người dân phát hiện một vết nứt rộng chừng 20cm, dài khoảng 30m.
Vết nứt nằm ngay trên đồi, cách thôn Kho Vàng khoảng 100m. Khi nắm được thông tin, anh Chứ cùng nhóm người lên đồi tìm một vị trí cao, bằng phẳng để lên phương án di tản người dân.
Mặt khác, nam trưởng thôn cũng gọi điện báo cáo chính quyền xã về việc địa bàn thôn "có nguy cao" xảy ra sạt lở. Song do mưa lũ, trên địa bàn bị điện, mất sóng điện thoại, anh Chứ không thể liên lạc ra xã báo cáo tình hình.
Ngoài trời mưa vẫn không ngớt, anh Chứ càng lo lắng hơn. Lúc này, anh quyết định thông báo, vận động sơ tán 17 hộ dân với 115 người trong thôn lên sau núi, cách thôn khoảng 1km.
"Khi được vận động di dời, đa số mọi người đều tán thành, chỉ có một số ít hộ không đồng ý nhưng sau khi được chúng tôi giải thích họ đã lên đường”, anh Chứ kể với VietTimes.
Anh Chứ cùng thanh niên thôn lên địa điểm trước chặt tre, luồng về dựng 14 chiếc lán, làm giường, rồi căng bạt. Sau khi lán hoàn thành, người dân trong thôn di chuyển lên núi lánh nạn giữa trời mưa. 30 phút đi bộ, các hộ dân đã đến nơi an toàn.
Những ngày đáng nhớ
"Thôn chúng tôi có hơn 50 người lớn, còn lại là trẻ em. Lúc đó, tôi không suy nghĩ nhiều, chỉ mong làm sao bảo đảm an toàn cho tất cả bà con. Di chuyển lên núi sáng 9/9, người dân cũng chỉ mang ít lương thực đủ cho bữa chiều, sáng hôm sau mọi người lại quay lại lấy thức ăn", anh Chứ kể.
Nói về cuộc sống 2 ngày tách biệt với thế giới bên ngoài tại nơi trú tránh, anh Vàng Seo Chứ, cho biết, cuộc sống rất vất vả nhưng đây là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của 115 người.
"Khó khăn nhất là không có nước sinh hoạt, người dân phải vất vả đi tìm nguồn nước. Đêm xuống, chúng tôi chặt ống tre sau đó đổ dầu vào để làm đèn chiếu sáng”, anh nhớ lại.
Sáng 11/9, công an, chính quyền xã di chuyển 15km đường sạt lở mới tiếp cận được địa bàn thôn và tìm đến được nơi người dân lánh nạn.
"Khi lực lượng chức năng vào thấy 115 người dân bình an, họ mừng rỡ và nói, không liên lạc được cứ nghĩ cả thôn bị lũ cuốn, sạt lở mất tích", nam trưởng thôn nói và cho biết, chính quyền, công an đã tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân đủ dùng trong 2 tuần.
Hiện 115 người dân trong thôn Kho Vàng vẫn tiếp tục lánh nạn tại khu vực núi cao, sau đó chính quyền mới có phương án mới để đưa người dân trở về nhà.
"30 năm sinh sống tại thôn và 5 năm làm trưởng thôn, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến việc mưa lũ to như này", anh Chứ nói.
Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) cho biết, ông rất bất ngờ với quyết định sơ tán 115 người dân lên núi lánh nạn của anh Chứ.
Chủ tịch xã Cốc Lầu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Trưởng thôn Kho Vàng. Ở địa phương anh Chứ đã lập gia đình và có nhiều kinh nghiệm về đồi núi. Việc anh Chứ đưa toàn bộ 115 người lên núi lánh nạn như vậy, là một quyết định táo bạo, nhưng rất hiệu quả và an toàn.
"Mưa lũ xảy ra nên trên địa bàn bị mất điện, mất sóng điện thoại, người dân và chính quyền không thể liên lạc.
Trưởng thôn Vàng Seo Chứ là người trẻ, nhanh nhạy, thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và địa phương là di chuyển người dân đến nơi tránh trú an toàn", ông Tuấn nói.
Vị này cho biết thêm, trong đợt mưa lũ vừa qua, tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu) xảy ra sạt lở đất làm 3 người mất tích, 2 người bị thương, lũ cuốn trôi hoàn toàn 5 ngôi nhà. Hiện địa bàn vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, vì vậy địa phương quyết định để các hộ dân tiếp tục ở khu lán tạm đến khi an toàn sẽ đưa về.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu