336 người chết và mất tích
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), theo báo cáo của các địa phương, tính đến 20h ngày 12/9, bão lũ làm 336 người chết, mất tích, trong đó 233 người chết, 103 người mất tích.
Cụ thể, Lào Cai 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 9, Bát Xát 17, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2.
Cao Bằng: 52 người (43 người chết, 9 người mất tích).
Yên Bái: 50 người (48 người chết, 2 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 9, Văn Chấn 2, Trấn Yên 4.
Quảng Ninh: 15 người chết; Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương: 1 người chết do bão; Hà Nội: 1 người chết do bão; Hòa Bình: 7 người chết do sạt lở đất.
Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang: 5 người chết do lũ; Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).
Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất; Vĩnh phúc: 2 người chết do lũ; Phú Thọ: 11 người (1 người chết do sạt lở đất; 1 người chết do lũ; 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ). Sơn La: 1 người mất tích do lũ cuốn; Thái Nguyên: 2 người chết do lũ.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng tìm thấy 70 người chạy lên núi lánh nạn tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai.
Trước đó, ngày 9/9, khi phát hiện nguy cơ sạt lở trên địa bàn thôn Kho Vàng, hàng chục người dân trên đã chủ động di chuyển lên một ngọn núi cao cách thôn khoảng 1km để dựng lán trú ngụ tạm thời.
Do không có sóng điện thoại, người dân trong thôn không thông tin được với chính quyền xã. Tuyến đường từ trung tâm xã Cốc Lầu lên thôn Kho Vàng bị sạt lở, chia cắt nên lực lượng chức năng không thể tiếp cận người dân.
Đến sáng 11/9, công an xã, chính quyền đã di chuyển 15km đường sạt lở, mới tiếp cận được địa bàn thôn và tìm đến nơi người dân lánh nạn.
Khi tìm được người dân, trưa 11/9, chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, hướng dẫn nhân dân phương án phòng, chống thiên tai.
15 giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ tại Lào Cai
Sau khi xuống hiện trường vụ sạt lở khiến 100 người chết và mất tích tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại trụ sở huyện Bảo Yên.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá, lịch sử Lào Cai chưa bao giờ có trận mưa lũ như lần này. Điều này thể hiện qua phạm vi mưa lũ rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, diễn ra rất nhanh chóng, đột ngột, kỹ năng, trang thiết bị ứng phó còn thiếu, yếu, phản ứng chưa kịp thời, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan.
Người đứng đầu Chính phủ gửi lời chia buồn, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích. Chính quyền địa phương tỉnh Lào Cai đã nỗ lực, vận dụng hết khả năng, "gồng mình" ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng cũng biểu dương lực lượng quân đội, công an đã sẵn sàng, triển khai lực lượng từ sớm, từ xa, bám sát địa bàn, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngoài thiệt hại về vật chất, Thủ tướng cho rằng tổn thương về tinh thần, tâm lý của dân cũng rất nặng nề, cần được động viên, chia sẻ và có giải pháp.
Nhắc lại 4 mục tiêu , Thủ tướng nhấn mạnh, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; nhanh chóng ổn định tình hình cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Chỉ rõ 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các địa phương nói chung và Lào Cai nói riêng, trong đó, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, bị bệnh, lo hậu sự và chính sách cho người thiệt mạng.
Đánh giá, quy hoạch, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm với giải pháp tổng thể cho toàn tỉnh Lào Cai. Riêng với thôn Làng Nủ, cần khẩn trương tìm địa điểm an toàn để chậm nhất 31/12 phải hoàn thành việc xây dựng lại thôn này, đáp ứng mong mỏi của người dân, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu phải tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện để tiếp cận những nơi bị chia cắt; từ đó tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân.
Cùng với đó, dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường; khôi phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; sửa chữa các trường lớp, nơi nào ổn định phải cho học sinh trở lại trường ngay; sửa chữa cơ sở y tế để khám chữa bệnh cho người dân; rà soát thiệt hại...
Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội, công an có thể điều động thêm người, tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ địa phương nhanh chóng ổn định tình hình.
Về khôi phục hệ thống giao thông bị hư hại, ảnh hưởng, Bộ Giao thông vận tải lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ.
Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung xăng dầu và các loại hàng hóa, bảo đảm không găm hàng, đội giá, làm giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán lại số thiệt hại về lúa, hoa màu, nhanh chóng hướng dẫn bà con khôi phục canh tác, nuôi trồng thuỷ sản, vật nuôi.
Thủ tướng cũng yêu cầu kêu gọi, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của người dân, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn; phân bổ nguồn ủng hộ một cách phù hợp, tránh tiêu cực, thất thoát.