Trung Quốc vung tiền lôi kéo nhân tài công nghệ chế tạo chip Đài Loan

VietTimes -- Năm 2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố kế hoạch chiến lược “Made in China 2025”; để thực hiện kế hoạch này phải cần có rất nhiều nhân tài, nhất là nhân tài IT, trong đó trọng điểm là công nghệ sản xuất chíp điện tử. Một trong những chiêu thức được sử dụng là trả lương cao để lôi kéo các nhân tài của Đài Loan. 
Nhân tài công nghệ chế tạo chíp của Đài Loan là đối tượng được Trung Quốc Đại Lục ráo riết lôi kéo
Nhân tài công nghệ chế tạo chíp của Đài Loan là đối tượng được Trung Quốc Đại Lục ráo riết lôi kéo

Đài Loan là nơi có các nhân tài công nghệ chế tạo chip hàng đầu thế giới, lại tương đồng với Trung Quốc Đại Lục về văn hóa và ngôn ngữ nên trở thành sự lựa chọn hàng đầu để Trung Quốc  tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực này. Trung Quốc đã đề ra các điều kiện ưu đãi như lương cao, trợ cấp nhà ở và cấp vé máy bay đi về hàng năm để lôi kéo các chuyên gia công nghệ Đài Loan tới làm việc cho họ.

Theo Reuters ngày 4/9, căn cứ số liệu của công ty tuyển chọn nhân tài H&L Management Consultants ở Đài Bắc, tính đến nay, đã có hơn 400 kỹ sư cao cấp của Đài Loan “nhảy” sang làm việc cho các công ty sản xuất chip của Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc lập kế hoạch đầu tư 22 tỷ USD cho ngành chế tạo mạch IC năm 2014 đến nay đã có khoảng 1.300 kỹ sư Đài Loan bỏ quê vào Đại Lục làm ăn.   

Steve Wang, Chủ tịch kiêm CEO của công ty công nghệ chế tạo chíp Liên Vịnh, Đài Loan cho biết, trong 2 năm qua một bộ phận nhân viên của ông đã bỏ sang Đại Lục. Ông thừa nhận, điều kiện đãi ngộ của công ty ông không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ Đại Lục.

Lương cao, nhiều ưu đãi về nhà ở,đi lại và phúc lợi là mồi nhử để Trung Quốc lôi kéo các nhân tài công nghệ chíp của Đài Loan
Lương cao, nhiều ưu đãi về nhà ở,đi lại và phúc lợi là mồi nhử để Trung Quốc lôi kéo các nhân tài công nghệ chíp của Đài Loan 

Một kỹ sư giấu tên cho biết, người chủ công ty thuê ông cung cấp 1 căn hộ 3 phòng với mức giá chiết khấu 40% với điều kiện ông làm việc cho công ty này 5 năm trở lên, ngoài ra còn tăng 50% lương. Ông nói: “Người Đại Lục dám vung tiền, các công ty Đài Loan thì tài lực có hạn”.

Một lãnh đạo Tập đoàn công ty chế tạo IC và chip Tâm Ân mới thành lập ở Thanh Đảo bày tỏ, công ty vừa chiêu mộ được 120 kỹ sư, trong đó 1/3 đến từ Đài Loan. “Chúng tôi không thiếu tiền, chúng tôi chỉ cần nhân tài” – ông này nói – “Các kỹ sư Đài Loan có nhiều kinh nghiệm, có thể giúp chúng tôi đào tạo nhân tài bản địa”.

Tháng 3 năm ngoái, có báo Đài Loan tiết lộ, các công ty Đại Lục không chỉ trả mức lương cao gấp 3, mà trong tay họ còn có danh sách các kỹ sư Đài Loan. Người Đại Lục biết họ cần phải lôi kéo những ai, các kỹ sư Đài Loan cũng biết muốn nhảy việc sang Đại Lục thì tìm đến ai, gọi tới số máy nào.

Hiện nay, do Đài Loan không công nhận học vị, bằng cấp của các nhà trường, học viện Trung Quốc  nên sự giao lưu, trao đổi nhân tài hai bên hầu như chỉ diễn ra một chiều. Với tài nguyên hùng hậu, cơ hội rất nhiều, các công ty Đại Lục lớn với điều kiện ưu đãi ngày càng tốt đã trở thành điểm tìm đến của ngày càng nhiều nhân tài công nghệ Đài Loan.

Theo trang tin Guancha.cn, một kỹ sư Đài Loan tiết lộ với Reuters: lương tăng liên tục, một năm 8 lần về nhà (ở Đài Loan) miễn phí, lại còn được trợ cấp nhà ở, đó quả là cơ hội làm việc lý tưởng không thể từ chối đối với một kỹ sư công nghệ chế tạo chip như ông. Mặc dù chính quyền Đài Loan cũng đề ra các biện pháp để giữ chân nhân tài, nhưng không kết quả bởi như lời một kỹ sư Đài Loan tiết lộ: tới làm việc tại Đại Lục 3 năm có thể kiếm được số tiền bằng cả 10 năm làm ở Đài Loan.

Nhu cầu về chip và sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc Đại Lục rất lớn
Nhu cầu về chip và sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc Đại Lục rất lớn

Mức độ lệ thuộc vào nhập khẩu của Trung Quốc đối với chip và các sản phẩm bán dẫn rất lớn; năm ngoái lượng nhập khẩu lên tới 260 tỷ USD, vượt cả giá trị lượng dầu thô nhập khẩu.

Thu hút số lượng lớn nhân tài bán dẫn Đài Loan đã trở thành khâu then chốt trong việc tich cực phát triển ngành chế tạo chip để giảm bớt phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. So với việc thu hút các nhân tài của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc thì với đặc điểm có chung văn hóa và chữ viết, các kỹ sư Đài Loan dễ thích ứng với môi trường sinh hoạt và làm việc hơn.

Để giữ chân nhân tài, tháng 7 vừa qua, chính quyền Đài Loan đã nới lỏng việc quản chế thu thuế đối với những nhân viên nắm giữ cổ phần. Bà Trần Mỹ Linh, Chủ nhiệm Ủy ban phát triển Đài Loan (NDC) nói: Đại Lục trước nay đang lôi kéo nhân tài của Đài Loan; chính phủ đã tu sửa quy định hữu quan để giúp giữ chân họ.

Ông chủ nhiệm pháp  luật của cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Đài Loan bày tỏ: “việc chảy máu nhân tài có thể gây nên bí mật công nghệ, bí mật thương mại bị tiết lộ. Đài Loan đang cố gắng bảo vệ công nghệ cốt lõi; ngoài ra các khu vực cũng đang nỗ lực nâng cao các biện pháp khuyến khích, ưu đãi.

Để giải quyết nhu cầu về chip, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là lôi kéo các nhân tài về công nghệ sản xuất sản phẩm này của Đài Loan
Để giải quyết nhu cầu về chip, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là lôi kéo các nhân tài về công nghệ sản xuất sản phẩm này của Đài Loan 

 Tuy nhiên, dù Đài Loan có thêm những nỗ lực như thế, thì các kỹ sư của họ cũng khó kháng cự nổi trước những miếng mồi hấp dẫn của Đại Lục. Tommy Huang, một kỹ sư về công nghệ chip năm nay 37 tuổi năm 2116 đã gia nhập công ty liên doanh United Semiconductor hợp tác giữa Công ty UMC của Đài Loan với đối tác Đại Lục ở Quảng Châu nói thẳng: những nỗ lực níu kéo của phía Đài Loan không có tác dụng với anh ta.

“Nếu ở lại Đài Loan, tôi sẽ không có bất cứ cơ hội nào” – Tommy Huang nói, ông chủ Đại Lục mỗi năm trợ cấp 60 ngàn NDT tiền học cho cậu con trai 5 tuổi của anh ta, lương được trả cao gấp 2 lần – “Tôi đến Đại Lục vì có hy vọng” – Huang khẳng định.