Trung Quốc tung tàu hải cảnh khổng lồ cho “cuộc chiến đâm húc” ở Biển Đông

VietTimes – Trong những tranh chấp Biển Đông, thời gian sắp tới chắc chắn Trung Quốc sẽ triển khai Hải cảnh 3901 thực hiện các hoạt động nhằm củng cố “tuyên bố chủ quyền” phi pháp. Chiếc tàu hải cảnh “siêu quái vật” này có thể sẽ là thách thức lớn với cảnh sát biển Đông Nam Á và cả với Hải quân Mỹ.
Hai tàu hải cảnh 2901 và tàu hải cảnh 2502 đang hải hành trên vùng nước biển Hoa Đông
Hai tàu hải cảnh 2901 và tàu hải cảnh 2502 đang hải hành trên vùng nước biển Hoa Đông

Tiếp bài: Trung Quốc tung tàu hải cảnh khổng lồ xuống Biển Đông chống phán quyết PCA

Đối với hầu hết các lực lượng cảnh sát biển trên trên thế giới và trong khu vực, các tàu cảnh sát biển thường được giao nhiệm vụ trong khuôn khố có thể có đến mức xung đột cường độ thấp, lực lượng cảnh sát được trang bị các tàu cảnh sát tuân thủ theo các tiêu chuẩn hàng hải dân sự, thương không có khả năng chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc xung đột nghiêm trọng. Do vậy ngay cả thiết kế thân tàu cũng không có khả năng chịu đựng những va chạm mạnh.

Hầu như tất cả các lực lượng cảnh sát biển Đông Nam Á không có loại tàu tuần tra biển nào có độ bền và vững chắc vượt qua được các tàu hải cảnh Trung Quốc, một phần do các tàu quốc gia Đông Nam Á được thiết kế theo tiêu chuẩn của châu Âu hoặc của Nhật Bản, có giá thành rất cao.

Nhưng các tàu thực thi pháp luật dân sự (CMLE) Trung Quốc, một số không nhỏ là tàu chiến chuyển đổi mục đích sử dụng, có cấu trúc thiết kế thân tàu chiến đấu, nhưng được chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ hải cảnh. Một số tàu đóng mới, như Hải cảnh 2901 có cấu trúc rất vững chắc do lợi thế nhân công giá rẻ và được đóng theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Để giảm thiểu giá thành đóng tàu và phục vụ mục đích tăng cường số lương các tàu thực thi pháp luật dân sự trên các vùng biển tranh chấp, tương tự như hải quân, các tàu hải cảnh cũng được chuẩn hóa quốc gia và  đóng hàng loạt. Ví dụ, chiếc tàu hải cảnh mới trọng tải 1.500 tấn (ước tính) Hải cảnh 44104 có những thông số kỹ thuật tương đồng với chiến hạm tên lửa của Hải quân Trung Quốc Type-056 lớp Giang Đảo.

Việc Bắc Kinh sử dụng các tàu hải cảnh thực hiện các hoạt động cưỡng bức “chủ quyền” hoàn toàn không mới và đã diễn ra liên tục nhiều lần,

Tháng 05.2011: Các tàu CMLE Trung Quốc cắt đứt cáp của tàu khảo sát Bình Minh-02, đang hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia, cách bờ biển Việt Nam 128 km, 643 km về phía nam đảo Hải Nam.

Tháng 04.2012: Lực lượng tàu CMLE Trung Quốc ngăn chặn Hải quân Philippines  bắt giữ các tàu cá của ngư dân Trung Quốc trong khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough năm 2012, sau đó phong tỏa bãi cạn, trên thực tế đã kiểm soát hoàn toàn vùng nước này như một sự đã rồi.

Tháng 02.2014: tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn tàu vận tải quân đội Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ  đồn trú nhỏ đang đóng quân trên boong tàu đổ bỏ hoang Sierra Madre, tại Bãi Cỏ Mây.

Tháng 05. 2014: Trung Quốc triển khai hạ đặt giàn khoan dầu HD-981 trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm năm 1974, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm húc và sử dụng súng phun nước công suất lớn tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Các tàu hải cảnh Trung Quốc chủ động tấn công, đâm húc các tàu cảnh sát biển Việt Nam

Tháng 01. 2015: Bắc Kinh tuyên bố rằng các tàu hải cảnh Trung Quốc đã "cọ xát nhẹ" và đẩy tàu đánh cá Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough, sau cáo buộc từ phía chính quyền Philippine cho biết:các tàu hải cảnh Trung Quốc cố ý đâm húc các tàu thuyền quốc gia này.

Tháng 06.2015: nhà chức trách Malaysia cho biết các tàu hải cảnh Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ngoài khơi bãi cạn Luconia, khu vực mà Trung Quốc xác định cuối phía nam của “đường chín đoạn”, liên tục quấy rối ngăn chặn ngư dân Malaysia trong khu vực.

Kích thước khổng lồ của tàu, lực đẩy động cơ được tính toán trong một cuộc đối đầu va chạm và thân tàu gia cường (vỏ được tăng cường để có được lợi thế va chạm). Hải cảnh 3901 được ưu tiên sử dụng để chống lại các tàu cảnh sát biển của các quốc gia Đông Nam Á. Những tàu cảnh sát biển các nước này có kích thước và công suất nhỏ hơn nhiều, phải chịu thế yếu trong các xung đột phi vũ trang “yêu sách chủ quyền”.

Sau phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế PCA, sự gia tăng số lượng các tàu hải cảnh Trung Quốc trở thành mối đe dọa lớn trên Biển Đông. Những tàu “vỏ trắng " hình thành mũi nhọn tấn công trong chiến lược nhằm hiện thực hóa  “chủ quyền phi pháp” mà Bắc Kinh đòi hỏi trên Biển Đông.

Đối thủ lớn nhất của các tàu “vỏ trắng” Trung Quốc trên Biển Đông chỉ có thể là tàu cảnh sát biển của Việt Nam DN-2000, ngang hàng với hầu hết các tàu hải cảnh Trung Quốc trên cùng một kích thước và tải trọng. Nhưng chắc chắn DN – 2000 không thể so sánh với Hải cảnh 3901.

Hơn nữa, dưới chiêu bài nhiệm vụ “thực thi pháp luật dân sự”, những tàu hải cảnh siêu quái vật này thậm chí thách thức các chiến hạm quân sự, một viễn cảnh không mong muốn kể từ khi Bộ quy tắc ứng xử trong tình huống gặp gỡ không định trước (CUES) được thông qua tại Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương tháng 4.2014.

Bộ quy tắc này có hiệu lực và được áp dụng cho tất cả các lực lượng hải quân nhưng không có hiệu lực đối với các lực lượng thực thi pháp luật dân sự CMLE (Với Trung Quốc đó là lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính…).

Ngoại trừ Việt Nam, sử dụng Hải cảnh 3901 chống lại các tàu cảnh sát biển đối thủ Đông Nam Á thực sự không cần thiết, nhưng Bắc Kinh sẽ hướng đến việc chống lại các hoạt động của Hải quân Mỹ.

Với tải trọng đầy đủ đến gần 12.000 tấn, tàu Hải cảnh 3901 còn lớn hơn cả các tàu khu trục của Hải quân Mỹ, như khu trục hạm Lassen đang thực hiện sứ mệnh “tự do hàng hải” trong vùng nước đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đối mặt với xung đột va chạm tiềm năng trong tương lai, Hải cảnh 3901 là một thách thức nghiêm trọng.

So sánh tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu chiến Mỹ

Tháng 04.2012, Bắc Kinh đã từng biện minh việc sử dụng tàu “vỏ trắng” chống lại tàu “vỏ xám” Philippines khi đang tiến hành các hoạt động bảo vệ ngư đân ở bãi cạn Scarborough. Bằng thủ pháp này Trung Quốc cũng có thể sử dụng các tàu vỏ trắng như Hải cảnh 3901 như một công cụ chiến thuật chống chiến hạm Mỹ.

Tháng 7 .2015, một tờ báo nổi tiếng của Trung Quốc tuyên bố rằng con tàu hải cảnh mới này "có sức mạnh và độ vững chắc để có thể va chạm với cả một tàu có trọng tải hơn 20.000 tấn và sẽ không chịu bất cứ gây tổn thất gì khi đâm húc với một tàu có trọng tải dưới 9.000 tấn”.

Chiếc hải cảnh “quái vật” này khi đâm húc tàu có tải trọng đến 5.000 tấn, có thể phá hủy và đánh chìm tàu đó xuống đáy biển. Nếu nhận xét dưới góc độ này, Hải cảnh 3901 trong tương lai sẽ là một trong nguyên nhân gây bất ổn định thực sự trên Biển Đông.

Mặc dù trên thế giới và trong khu vực, cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn đến số lượng và năng lực tác chiến của các lực lượng hải quân trên biển. Nhưng nguy cơ thực sự tương tự như bãi cạn Scarborough sẽ đến từ các tàu cá trọng tải lớn và các tàu hải cảnh. Việc đưa vào khai thác sử dụng Hải cảnh 3901 đặt lực lượng cảnh sát biển các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Nhật Bản trước một thách thức rất nguy hiểm.

Nguy cơ này sẽ thúc đẩy các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông phải thống nhất được sự liên kết phối hợp các lực lượng, trong đó lực lượng cảnh sát biển là then chốt để có thể ứng phó với các tình huống phức tạp, khi sức mạnh không phụ thuộc vào vũ khí trang bị mà phụ thuộc vào số lượng và tải trọng vỏ thép.

Ngoài ra, các tàu Hải cảnh 2901, 3901 là tiền đề cho việc phát triển các tàu hải cảnh lớn hơn, được sử dụng để thực hiện các hoạt động bảo vệ chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Do các tình huống đấu tranh sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu dài, sự phát triển một lớp tàu Cảnh sát biển mới có kích thước và tải trọng tương đương có thể là một xu hướng bắt buộc.

* Tác giả Koh Swee Lean Collin, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

TTB