Trung Quốc tố Ấn Độ phân biệt đối xử sau loạt ứng dụng bị cấm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  “Trung Quốc là một cơ hội cho Ấn Độ, không phải mối đe dọa” - Bắc Kinh đã lên tiếng sau khi có liên tiếp nhiều ứng dụng của quốc gia này bị Ấn Độ cấm cửa.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên xấu đi kể từ sau cuộc đụng độ biên giới vào tháng 6/2020. (Ảnh: CNBC)
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên xấu đi kể từ sau cuộc đụng độ biên giới vào tháng 6/2020. (Ảnh: CNBC)

Trung Quốc đã cáo buộc Ấn Độ có hành vi phân biệt đối xử và vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau khi New Delhi cấm 43 thêm ứng dụng của Trung Quốc vào hôm 25/11.

Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm mới với lý do rằng các ứng dụng này đã tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh của Ấn Độ.

“Quyết định đưa ra dựa trên các yếu tố liên quan đến các ứng dụng này vì chúng có thể tham gia vào các hoạt động làm phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nền an ninh phòng của Ấn Độ” - theo tuyên bố của Bộ CNTT của Ấn Độ.

Bộ cũng cho biết họ đã ban hành lệnh cấm các ứng dụng Trung Quốc “dựa trên các báo cáo toàn diện nhận được từ Trung tâm Điều tra Tội phạm mạng của Ấn Độ”.

Các ứng dụng bị cấm mới nhất bao gồm dịch vụ video ngắn nổi tiếng Snack Video được Tencent hậu thuẫn, ứng dụng này đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, còn có các ứng dụng tiêu biểu khác như ứng dụng thương mại điện tử AliExpress, ứng dụng giao hàng Lalamove, ứng dụng mua sắm Taobao Live và một số ứng dụng hẹn hò. Tính đến thời điểm này, tất cả các ứng dụng Trung Quốc đã biến mất khỏi top 500 ứng dụng phổ biến nhất tại Ấn Độ.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối việc phía Ấn Độ nhiều lần sử dụng “an ninh quốc gia” như một cái cớ để cấm các ứng dụng di động của Trung Quốc” - người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ Ji Rong cho biết trong một tuyên bố hôm 26/11.

“Chúng tôi hy vọng Ấn Độ cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, khách quan và không phân biệt đối xử cho tất cả các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác nhau tham gia thị trường, bao gồm cả Trung Quốc, đồng thời sửa chữa lại các hành vi phân biệt đối xử vi phạm quy định của WTO” - Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố.

“Trung Quốc và Ấn Độ là cơ hội phát triển của nhau, không phải là mối đe dọa” - ông Ji Rong nhấn mạnh.

Cũng trong hôm 26/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết Bắc Kinh bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ” và kêu gọi New Delhi “ngay lập tức điều chỉnh cách tiếp cận phân biệt đối xử, tránh gây thêm thiệt hại cho hợp tác song phương.”

Lệnh cấm mới nhất hôm 25/11 không phải là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ cấm các ứng dụng Trung Quốc.

Vào tháng 6/2020, New Delhi đã chặn 59 ứng dụng di động của các công ty Trung Quốc và đến tháng 9/2020, 118 ứng dụng khác lại tiếp tục được thêm vào danh sách này. Trong số này, có hai ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc là TikTok và game PUBG. Nhiều ứng dụng bị cấm là do các công ty công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc như ByteDance, Tencent và Alibaba sản xuất.

Nguồn cơn của hàng loạt lệnh cấm này là do quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên xấu đi kể từ tháng 6/2020, sau cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Vụ xung đột đã khiến tâm lý chống Trung Quốc tại Ấn Độ dâng cao và người dân tại quốc gia này đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc.

Sau cuộc đụng độ biên giới, New Delhi đã đưa ra các biện pháp hạn chế các khoản đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Ấn Độ.

Theo CNBC