Mới đây, Ấn Độ đã thông báo tiếp tục cấm thêm 43 ứng dụng Trung Quốc khác. Đây là đợt tấn công thứ tư của thị trường internet lớn thứ hai thế giới nhắm vào các ứng dụng có liên kết với Trung Quốc. Hiện đã có tới 267 ứng dụng của Trung Quốc bị ảnh hưởng sau các chiến dịch kiềm chế của Ấn Độ.
Tương tự như những lệnh cấm ứng dụng trước đó, Ấn Độ viện dẫn những lo ngại về an ninh mạng để ngăn chặn các ứng dụng này.
“Quyết định đưa ra dựa trên các yếu tố liên quan đến các ứng dụng này vì chúng có thể tham gia vào các hoạt động làm phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nền an ninh phòng của Ấn Độ” - Bộ CNTT của Ấn Độ tuyên bố.
Bộ này cũng cho biết họ đã ban hành lệnh cấm các ứng dụng Trung Quốc “dựa trên các báo cáo toàn diện nhận được từ Trung tâm Điều tra Tội phạm mạng của Ấn Độ”.
Các ứng dụng bị cấm mới nhất bao gồm dịch vụ video ngắn nổi tiếng Snack Video được Tencent hậu thuẫn, ứng dụng này đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng trong những tháng gần đây. Ngoài ra, còn có các ứng dụng tiêu biểu khác như ứng dụng thương mại điện tử AliExpress, ứng dụng giao hàng Lalamove và ứng dụng mua sắm Taobao Live. Tính đến thời điểm này, tất cả các ứng dụng Trung Quốc đã biến mất khỏi top 500 ứng dụng phổ biến nhất tại Ấn Độ.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã leo thang sau vụ xung đột biên giới khiến hơn 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào hồi tháng 6/2020. Kể từ cuộc đụng độ này, tâm lý “tẩy chay Trung Quốc” đã trở thành xu hướng phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Ấn Độ với việc ngày càng có nhiều người đăng các video hoặc hình ảnh đập phá điện thoại, TV và các sản phẩm khác do Trung Quốc sản xuất.
Vào tháng 4/2020, Ấn Độ cũng đã thực hiện một thay đổi trong chính sách đầu tư nước ngoài, yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc phải được New Delhi chấp thuận trước khi họ bơm tiền cho các công ty Ấn Độ. Điều này đã làm giảm một cách đáng kể sự hiện diện của các nhà đầu tư Trung Quốc tại quốc gia này.
Theo Finace Yahoo