Tại một số thành phố Trung Quốc, nhiều thương gia, từ siêu thị đến tiệm bánh, đã ứng dụng công nghệ thanh toán bằng gương mặt từ Ant Financial và WeChat Pay để công đoạn trả tiền diễn ra nhanh hơn.
Công nghệ nhận diện gương mặt đưa thanh toán tiến lên một bước về sự tiện dụng cho khách hàng và tiềm năng mang đến làn sóng người dùng mới, những người không sành công nghệ. Đó là người già hay người gặp khó khăn về đọc và viết. Đối với doanh nghiệp, thanh toán bằng gương mặt được dự đoán nâng cao tính hiệu quả.
Alipay triển khai hệ thống nhận diện gương mặt Dragonfly vào tháng 12/2018 và từ đó mở rộng ra hơn 300 thành phố. WeChat Pay ra mắt thiết bị của mình 3 tháng sau đó, có thể quét gương mặt lẫn mã QR để thanh toán.
Nếu bước vào siêu thị CP Lotus tại Bắc Kinh ngày nay, bạn sẽ thấy quầy tính tiền trang bị máy tính bảng mang thương hiệu Alipay. Thu ngân kiểm tra các món hàng và nếu khách hàng chọn trả tiền bằng gương mặt, họ chỉ cần nhìn vào camera của máy tính bảng.
Chỉ trong vài giây, máy tính nhận ra họ là ai và tiền được trừ từ tài khoản Alipay. Đã xa rồi thời phải rút điện thoại ra, mở ứng dụng rồi quét mã QR để trả tiền.
Thanh toán gương mặt giúp họ tiết kiệm thời gian và thao tác. Họ không cần mang theo điện thoại để hoàn thành giao dịch.
Cuộc chiến giành thế thượng phong trên thị trường thanh toán gương mặt đang đến hồi gay cấn khi WeChat Pay và Alipay đang là kình địch trên thị trường thanh toán sôi động. Là hai nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, cùng nhau, họ chiếm tới 90% thị trường thanh toán di động Trung Quốc năm 2018.
Tại đại lục, WeChat Pay hưởng lợi từ ứng dụng nhắn tin WeChat với hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu. Theo hãng nghiên cứu thị trường Ipsos, tỉ lệ sử dụng WeChat Pay là 89,2%, hơn Alipay với 69,5%. Tuy nhiên, khi nói tới lượng giao dịch, Alipay và WeChat Pay lại gần như tương đồng: WeChat Pay chiếm 45% tổng lượng giao dịch còn Alipay là 46%.
Alipay đang ráo riết thúc đẩy người dùng mới đăng ký sử dụng công nghệ thanh toán bằng gương mặt để dẫn trước WeChat Pay. Các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống thanh toán gương mặt cũng được hưởng lợi nhờ tăng hiệu quả và giảm nhân lực.
Chẳng hạn, Alipay cung cấp giải pháp như máy tính tiền và bán hàng tự động, sử dụng công nghệ quét gương mặt để thanh toán. Từ đó, doanh nghiệp giảm được nhân viên thu ngân và giảm thời gian cần để hoàn thành giao dịch.
Thanh toán bằng gương mặt ngoài bản chất là xu hướng công nghệ mới nhất, nó còn phục vụ mục đích khác: đó là phục vụ đối tượng người dùng không am hiểu công nghệ. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới (1,4 tỷ người) nhưng chỉ có 829 triệu người dùng, tương đương 60% dân số, kết nối Internet.
Nói đến thanh toán di động, con số chỉ còn 40% dân số Trung Quốc – hay 583 triệu người dùng. Trong số 562 triệu người chưa được kết nối Internet vào cuối năm 2018, hơn 87 triệu người chỉ ra thiếu kỹ năng máy tính, không biết dùng phiên âm là lý do ngăn họ lên mạng, theo báo cáo của Trung tâm mạng lưới thông tin Internet Trung Quốc.
Vì vậy, dù Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về Internet di động, việc nhiều người dân không thể kết nối lại là một vấn đề. Họ có ứng dụng cho mọi thứ - dù là mua hàng qua mạng, gọi taxi, đặt đồ ăn, trả hóa đơn. Trung Quốc hiện đại tới nỗi một số nhà hàng còn không dùng thực đơn truyền thống mà dán mã QR trên bàn để thực khách quét mã và gọi món.
Với những người già gặp khó khăn trong thanh toán mã QR, họ sẽ thấy nhận diện gương mặt là phương thức dễ hơn. Bổ sung phương thức này sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiếp cận phân khúc người dùng mới mà trước đây khó tiếp cận.
Trong thời điểm hiện tại, thanh toán bằng gương mặt vẫn chưa phải phương thức mặc định tại Trung Quốc và phổ biến hơn tại các siêu thị hơn là nhà hàng và cửa hàng tiện ích. Song, thanh toán sinh trắc học có thể sớm trở nên quen thuộc và là tương lai của thanh toán tại đây.
Từ tiền mặt, thẻ tín dụng tới mã QR, lịch sử đã chứng minh phương thức nào thuận tiện nhất sẽ trở thành xu thế.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu