Tương tự như với 3G, 4G, có vẻ với 5G Trung Quốc cũng sẽ phát triển một tiêu chuẩn công nghệ của riêng mình. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn muốn vươn lên đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình phát triển tiêu chuẩn 5G toàn cầu.
Để thực hiện điều đó, Trung Quốc đã thiết lập trung tâm nghiên cứu và phát triển mạng 5G lớn nhất thế giới ở quận Hoài Nhu, thành phố Bắc Kinh với sự tham gia của nhiều ông lớn trong lĩnh vực CNTT di động như Ericsson, Huawei, ZTE và Nokia nhằm tiêu chuẩn hoá công nghệ thông tin di động này.
Năm 2013, nước này cũng đã chung tay thiết lập Nhóm Vận động IMT-2020 để điều phối hoạt động hợp tác giữa các nhà mạng, nhà sản xuất và các viện nghiên cứu.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã công bố thông tin về kinh phí đầu tư để phát triển 5G. Theo tờ Xinhua, Trung Quốc sẽ chi 441 tỷ USD để phát triển 5G rằng trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2030. Đây được coi là khoản đầu tư tốn kém nhất để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này từ trước tới nay.
Mới đây nhất, 3 nhà mạng di động lớn nhất của Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom cho biết sẽ triển khai các dự án thí điểm công nghệ 5G tại hàng loạt các thành phố lớn của nước này (Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quảng Châu, Nam Kinh, Tô Châu và Ninh Ba) trong 6 tháng cuối năm để có thể thực hiện mục tiêu đặt ra trước đó - thương mại hóa mạng di động 5G vào năm 2020.
Các hạng mục của dự án thí điểm sẽ bao gồm thử nghiệm công nghệ 5G, xây dựng các trạm phát sóng và triển khai các ứng dụng trên nền 5G như lái xe tự động, thành phố thông minh, nhà thông minh. Trong tương lai, các dự án thí điểm sẽ được mở rộng tới ít nhất 10 thành phố khác thuộc các địa phương như Giang Tây, Hải Nam, Sơn Tây, Sơn Đông, Chiết Giang và Hà Bắc.
Theo các nhà mạng, những dự án thử nghiệm nói trên sẽ góp phần giúp Trung Quốc là một trong những nước tham gia rất sớm vào hoạt động hợp tác phát triển mạng 5G cũng như thúc đẩy các lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu thông tin và Viễn thông Trung Quốc (CAICT) dự báo rằng mạng 5G sẽ tạo ra nguồn doanh thu lên tới gần 1 triệu USD và năm 2030 cho nền kinh tế nước này. Cũng theo CAICT , thế hệ mạng di động mới sẽ tạo ra xung lực rất mạnh đối với các ngành công nghiệp số, thúc đẩy nhu cầu sử dụng dữ liệu, đóng vai trò tích cực trong việc định hình lại các bức tranh phát triển kinh tế tổng thể của Trung Quốc và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Tới năm 2030 các lĩnh vực liên quan tới 5G cũng sẽ mang lại khoản giá trị thêm khoảng 2,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, và tạo thêm khoảng 8 triệu việc làm.
Với lợi thế về dân số, Trung Quốc hiện đang là thị trường có số lượng thuê bao di động lớn nhất thế giới. Với lợi thế này, cùng với sự đẩy mạnh hỗ trợ của Chính phủ trong nước nhiều khả năng Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường có số lượng thuê bao 5G đứng đầu thế giới.