Trung Quốc nuôi mộng ‘bá chủ toàn cầu’ về trí tuệ nhân tạo

Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong cuộc đua trở thành bá chủ toàn cầu về trí tuệ nhân tạo với kỳ vọng tạo thêm một ngành công nghiệp trị giá 150 tỉ USD ở lĩnh vực này.
Các robot được trưng bày tại triển lãm robot quốc tế ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 5-7-2017 - Ảnh: REUTERS
Các robot được trưng bày tại triển lãm robot quốc tế ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 5-7-2017 - Ảnh: REUTERS

Nếu việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) là một cuộc chạy đua vũ trang thì có lẽ Trung Quốc đang tham vọng trở thành siêu cường bất bại của thế giới trong cuộc đua này, báo Financial Times ngày 16-10 bình luận.

Thật vậy, trong khi Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (NSF) không tăng ngân sách cho nghiên cứu AI trong năm nay, Trung Quốc lại quyết tâm "tận dụng tối đa nguồn vốn chính phủ và xã hội" để thống trị ngành công nghiệp được đánh giá đầy tiềm năng.

Trung Quốc có nhiều lợi thế

Các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc hiện đều đổ nhiều tài lực cho việc nghiên cứu AI. Tuy nhiên, đáng nói kế hoạch đầu tư cho AI của Bắc Kinh nhằm tạo ra ngành công nghiệp trị giá 150 tỉ USD vào năm 2030 lại cho thấy tham vọng đánh gục Washington.

Kai-Fu Lee (Lý Khai Phục), cựu nhân viên cao cấp làm việc cho Microsoft cũng như Google và hiện điều hành công ty Sinovation Ventures ở Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc hiện có nhiều lợi thế về số người, dữ liệu và nhân tài để thực hiện tham vọng của mình.

Thứ nhất, với con số 730 triệu người sử dụng, "dân số trực tuyến" của Trung Quốc đã lớn gấp hai lần so với Mỹ và hơn hẳn nhiều quốc gia khác.

Thứ hai, Trung Quốc sở hữu một nguồn dữ liệu lớn - thứ được xem là "nhựa sống" của các ứng dụng AI. Chính quyền Trung Quốc bắt đầu thu thập thông tin về công dân mình kể từ khi họ được sinh ra. 

"Khi xét về dữ liệu của chính phủ, Mỹ không thể địch nổi với những gì Trung Quốc thu thập về công dân của mình" - ông James Lewis, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, bình luận.

Mặc dù luật về bảo vệ quyền riêng tư tại Trung Quốc được đánh giá là yếu kém nhưng có thể thấy nhiều gã khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent hiện nay giữ bảo mật nghiêm ngặt về thông tin khách hàng của mình, chẳng hạn họ mua gì, họ đi đâu và họ nhắn tin với ai.

Kế đến, Trung Quốc cũng nghiêm túc đầu tư hơn Mỹ. "Trung Quốc đầu tư theo tiền tỉ trong khi Mỹ lại chỉ dừng ở hàng triệu" - nhà nghiên cứu James Lewis so sánh.

Đồng thời, Giám đốc Trung tâm cải tiến AI của ĐH Bắc Kinh, ông Ming Lei cho biết chính phủ Trung Quốc đang ngày càng đầu tư tiền vào lĩnh vực này theo cách thông minh hơn.

"Trước đây chính phủ chỉ chi tiền vào các dự các nghiên cứu hoặc cho các trường đại học lớn. Nhưng giờ họ thích đầu tư nhiều hơn cho một công ty tư nhân bởi nó linh hoạt hơn và có khả năng sản xuất các sản phẩm cùng dịch vụ ngay" - ông Ming nói.

Trung Quốc nuôi mộng ‘bá chủ toàn cầu’ về trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3.

Công ty Baidu - được mệnh danh là "Google của Trung Quốc" - là một trong ba gã khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc, bên cạnh Alibaba và Tencent - Ảnh: AFP

Ứng dụng vào cả quốc phòng

Trong khi tạo đòn bẩy phát triển AI từ khu vực kinh tế tư nhân, Trung Quốc cũng theo đuổi việc ngiên cứu và ứng dụng AI vào ngành công nghiệp quốc phòng cũng như trong các viện nghiên cứu quân sự của nước này.

Cuối cùng về yếu tố nhân tài, một cuộc khảo sát trên trang LinkedIn gần đây cho thấy Trung Quốc chỉ có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực AI, bị Mỹ bỏ xa (850.000 người) và chỉ bằng 1/3 của Anh và Ấn Độ.

Tuy nhiên, nước này hiện đang đẩy mạnh thu hút các nhân tài trong lĩnh vực này, đặc biệt là lực lượng hai gui (hải quy, rùa biển) - từ dùng để chỉ những người Trung Quốc trở về cống hiến cho đất nước sau khi đi du học. 

Một trong những hai gui tiêu biểu là ông Qi Lu (Kỳ Lục), trước đây từng làm cho Microsoft và hiện đang điều hành Baidu.

Ngay trong "Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới" được Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hôm 20-7 vừa qua, Bắc Kinh nói rõ: "Nhìn vào thế giới, Trung Quốc phải đưa việc phát triển AI lên mức chiến lược quốc gia… giành thế chủ động chiến lược trong giai đoạn mới của cuộc cạnh tranh toàn cầu về AI, tạo ra lợi thế cạnh tranh và bảo vệ an ninh quốc gia một cách hiệu quả".

Trong một nhận định phần nào cho thấy tầm quan trọng của AI đối với Trung Quốc trong tương lai, nhật báo South China Morning Post của Hong Kong nói rằng để cạnh tranh với Mỹ, AI nhất thiết là thứ "phải có" trong bất cứ hồ sơ đầu tư nào của Trung Quốc.

Với tham vọng và những lợi thế như vậy, câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ và trở thành "bá chủ toàn cầu" trong lĩnh vực AI hay không còn chờ thời gian giải đáp.

Số công trình nghiên cứu tăng vọt

Năm ngoái, lần đầu tiên số công trình nghiên cứu khoa học của Trung Quốc về AI đã đã vượt mặt số công trình về AI của 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.

Theo cơ sở dữ liệu Scopus và Scival của nhà xuất bản Elsevier, trong năm 2016, số tài liệu nghiên cứu AI của Trung Quốc đã tăng thêm 20% so với năm 2015, trong khi EU và Mỹ có sự sụt giảm. Trong năm này, Trung Quốc đã xuất bản 4.724 công trình nghiên cứu về AI trong khi EU chỉ có 3.932.

Trung Quốc thật sự đang rất nghiêm túc với mục tiêu trở thành "lãnh đạo thế giới" trong nghiên cứu và ứng dụng AI vào năm 2030 như được nêu rõ trong kế hoạch của chính phủ nước này hồi tháng 7. Trong đó, Bắc Kinh đặt trọng tâm ứng dụng AI vào cả cải thiện nền kinh tế và an ninh quốc gia.

Theo Tuổi trẻ
http://tuoitre.vn/trung-quoc-nuoi-mong-ba-chu-toan-cau-ve-tri-tue-nhan-tao-20171016141632503.htm

Chỉ riêng việc sử dụng điện thoại di động tại Trung Quốc cũng đã phát triển phổ biến nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Do đó, Trung Quốc có một ‘phòng thí nghiệm’ rộng lớn để thử các ứng dụng AI. Ở Trung Quốc, chúng ta chứng kiến nhiều hành vi tiêu dùng khác nhau mỗi ngày nhưng ở Mỹ nó lại chậm hơn nhiều"

Chuyên gia công nghệ Kai-Fu Lee

Chỉ riêng việc sử dụng điện thoại di động tại Trung Quốc cũng đã phát triển phổ biến nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Do đó, Trung Quốc có một ‘phòng thí nghiệm’ rộng lớn để thử các ứng dụng AI. Ở Trung Quốc, chúng ta chứng kiến nhiều hành vi tiêu dùng khác nhau mỗi ngày nhưng ở Mỹ nó lại chậm hơn nhiều"

Chuyên gia công nghệ Kai-Fu Lee

Chỉ riêng việc sử dụng điện thoại di động tại Trung Quốc cũng đã phát triển phổ biến nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Do đó, Trung Quốc có một ‘phòng thí nghiệm’ rộng lớn để thử các ứng dụng AI. Ở Trung Quốc, chúng ta chứng kiến nhiều hành vi tiêu dùng khác nhau mỗi ngày nhưng ở Mỹ nó lại chậm hơn nhiều"

Chuyên gia công nghệ Kai-Fu Lee

Chỉ riêng việc sử dụng điện thoại di động tại Trung Quốc cũng đã phát triển phổ biến nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Do đó, Trung Quốc có một ‘phòng thí nghiệm’ rộng lớn để thử các ứng dụng AI. Ở Trung Quốc, chúng ta chứng kiến nhiều hành vi tiêu dùng khác nhau mỗi ngày nhưng ở Mỹ nó lại chậm hơn nhiều"

Chuyên gia công nghệ Kai-Fu Lee