Trung Quốc dùng chiến thuật "biển người" vào năm 1979 như thế nào?

"Trong cuộc chiến năm 1979, chiến thuật của Trung Quốc đã được cải tiến, không còn chuyện chỉ dàn quân ra đánh như trước", thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân phân tích.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc nổ súng tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc với 600.000 quân cùng số lượng lớn khí tài.

Chia sẻ với Zing.vn, thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng), cho biết "biển người" hay còn gọi là "nhân hải" là chiến thuật được Trung Quốc áp dụng từ trong Thế chiến thứ nhất. Trong cuộc chiến ở biên giới phía Bắc nước ta năm 1979 họ đã cải tiến, khiến chiến thuật này khó lường hơn.

Trung Quoc dung chien thuat 'bien nguoi' vao nam 1979 nhu the nao? hinh anh 1
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân. Ảnh:Sơn Hà.


Chiến thuật của các nước đông quân

- Khi nhắc đến cuộc chiến biên giới năm 1979, cụm từ "chiến thuật biển người" thường được nhắc đến. Đây có phải một thuật ngữ trong quân sự, hay chỉ là một cách nói ám chỉ lực lượng quân đội hùng hậu?

- Theo nghiên cứu của chúng tôi, đúng là có thuật ngữ quân sự "chiến thuật biển người" hay từ Hán - Việt gọi là "nhân hải". Chiến thuật này chỉ việc dùng số lượng binh lực đông đảo để áp đảo đối phương, đánh giáp lá cà, tấn công ồ ạt, chấp nhận thương vong lớn.

Trung Quoc dung chien thuat 'bien nguoi' vao nam 1979 nhu the nao? hinh anh 2
Chiến thuật biển người được dựng lên trong một bộ phim; tuy nhiên, chuyên gia quân sự nhận xét tình hình trên thực địa chiến trường khác xa với hình ảnh kể trên trong phim ảnh. Ảnh: Quora


Khi một đội quân xung phong ồ ạt như thế sẽ dễ dàng bị hỏa lực đối phương tiêu diệt. Trong lịch sử, người ta chỉ thấy chiến thuật biển người áp dụng cho những nước có quân số đông nhưng thiếu phương tiện cơ giới trong chiến đấu.

Như trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi quân Nhật đánh quân Anh, quân Mỹ, hay như trong nội chiến Nga, khi quân Bạch vệ đánh nhau với Hồng quân Liên Xô năm 1917-1922. Đặc biệt là Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên.

- Với chiến thuật này, đội hình sẽ được triển khai thế nào trên chiến trường?

- Trên thực địa, quân đội được huy động, bố trí đứng thành nhiều hàng ngang, tạo thành nhiều làn sóng, các làn sóng này liên tục tràn lên. Điều đặc biệt là chỉ làn sóng thứ nhất hay thứ 2 được trang bị súng, còn đến làn sóng thứ 3 gần như không có súng.

Khi làn sóng thứ nhất bị tiêu diệt, người ở làn sóng thứ 2 và thứ 3 sẽ nhặt vũ khí tiếp tục chiến đấu và cứ thế đánh lên. Đây là lý do vì sao chiến thuật này được sử dụng khi người đông, trang bị vũ khí hạn chế, phương tiện cơ giới ít.

Điểm mạnh của chiến thuật này là thị uy được sức mạnh trên chiến trường, áp đảo đối phương về số lượng, không đòi hỏi trang bị, khí tài đầy đủ. Tuy nhiên, nó làm tiêu hao sinh lực rất nhanh, không phù hợp với chiến tranh hiện đại.

- Trong cuộc chiến ở biên giới phía Bắc của nước ta năm 1979, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật này thế nào?

- Đặc thù Trung Quốc từ trước đến này là có quân đội cực kỳ hùng hậu, từ thời kỳ phong kiến. Trung Quốc từng áp dụng chiến thuật biển người trong nội chiến Quốc - Cộng, trong Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều 1950-1953, rồi cả trong chiến tranh với Liên Xô năm 1969.

Trung Quoc dung chien thuat 'bien nguoi' vao nam 1979 nhu the nao? hinh anh 3
Chiến thuật biển người được áp dụng ở những năm đầu thế kỷ XIX cho đến cuối thế kỷ XX. Hình ảnh trong cuộc nội chiến Nga 1917-1922. Ảnh: Quora.


Trong cuộc chiến ở biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, chiến thuật của Trung Quốc đã được cải tiến, bài bản hơn, có yêu cầu tỉ mỉ về hỏa lực, không còn chuyện chỉ dàn quân ra đánh như trước.

Chiến thuật của họ đã được cải tiến, bài bản hơn, có yêu cầu tỉ mỉ về hỏa lực, không còn chuyện chỉ dàn quân ra đánh như trước.

Trong cuộc chiến này, Việt Nam nhận thấy nhiều thay đổi trong nghệ thuật quân sự của họ, từ vị trí xuất phát, đội hình biến hóa tùy thuộc vào khoảng cách đến mục tiêu, đến cách bố trí đội hình nhóm nhỏ tránh bị tiêu hao sinh lực.

Trong những trận chiến như thế, với lực lượng đông đảo, họ còn sử dụng những âm thanh của trống, chiêng, tù và tạo tiếng động khiến đối phương bị áp đảo cả về tâm lý.

Tương tự như chiến thuật biển người, trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam, Trung Quốc cũng áp dụng chiến thuật biển xe tăng để áp đảo. Họ dùng lực lượng xe tăng lớn, xe thiết giáp để uy hiếp.

Tổ tam tam

- Ông có thể phân tích kỹ hơn về những cải tiến, nâng cấp của quân đội Trung Quốc trong việc áp dụng chiến thuật biển người trong cuộc chiến biên giới 1979?

- Một trong những cải tiến đáng chú ý nhất của họ là việc áp dụng chiến thuật "tam tam" trong chiến đấu, kết hợp với chiến thuật biển người.

Chiến thuật "tam tam" thường được sử dụng khi quân đội chỉ còn cách mục tiêu 200 m, lực lượng được bố trí thành các tổ 3 người, làm thành các đội hình xung phong. Đội hình này có thế là 2 người đi trước một người đi sau hoặc ngược lại tùy thuộc vào địa hình, tình thế.

Với đội hình này người phía sau có thể bắn yểm trợ cho người đi trước băng lên. Nhiệm vụ của người đi sau là bắn ghìm đầu đối phương, khi đối phương chưa kịp bắn trả thì người đi trước xông pha.

Quân đội Trung Quốc không ngây ngô dàn hàng ngang để làm mồi cho súng máy, họ đã rút được nhiều kinh nghiệm từ các đội quân nước ngoài hay của chính họ. Thay vào đó, họ chia thành hàng trăm tổ 3 người đi cùng nhau, bắn yểm trợ cho nhau và không đi thành từng đoàn, từng hàng tránh bị tiêu diệt theo cụm.

Trung Quoc dung chien thuat 'bien nguoi' vao nam 1979 nhu the nao? hinh anh 4
Các hàng quân được bố trí thưa để tránh thương vong, thiệt hại sinh lực. Ảnh: Quora.


Ngoài ra, đội hình "tam tam" cũng cơ động, biến hóa tùy thuộc vào diễn biến của trận đánh. Khi xuất phát khỏi chiến hào, các tổ này đi theo hàng ngang, khoảng cách thưa để tránh tổn thất.

Khi phát hiện các mũi tiến công của đối phương, đội hình được chuyển thành hàng dọc, khi gặp các điểm đột phá hẹp thì họ vượt qua theo hàng một tránh bị tiêu diệt, thiệt hại lớn.

Đông, mạnh, nhưng thiếu tác chiến hiện đại

- Những cải tiến cũng như quân đội Trung Quốc thời điểm đó theo ông đạt tới mức độ nào?

- Họ đã nhận ra sai lầm và rút được nhiều kinh nghiệm từ các cuộc chiến trước. Họ nhìn nhận được sai lầm của quân Nhật trong chiến tranh với Anh, Mỹ, hay của Bạch vệ với Hồng quân Liên Xô, họ rút kinh nghiệm ngay trong cuộc nội chiến Quốc - Cộng.

Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về cuộc chiến tranh này, thoạt nhìn, chúng ta dễ lầm tưởng họ là đội quân ngây ngô, không có chiến lược, chiến thuật nhưng sự thật không phải vậy. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, quân đội Trung Quốc đông, được trang bị vũ khí đầy đủ. Có điều họ chưa có kinh nghiệm tác chiến hiện đại.

Trung Quốc là nước lớn, nhưng thời điểm đó chưa phải là nước phát triển, lại vừa trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa chịu thiệt hại rất lớn. Trong chiến tranh, rõ ràng ưu thế lớn nhất của họ là quân số, chiến thuật này họ cũng đã sử dụng thuần thục trong các cuộc chiến trước đây.

Nếu đứng trên góc độ người Trung Quốc, có thể nói họ đã sử dụng những chiến thuật tốt nhất, tối ưu nhất họ có. Bên cạnh đó, họ cũng sở hữu lực lượng pháo binh và xe tăng đông đảo hơn ta nhiều. Vậy nên việc sử dụng chiến thuật "biển người" hay "biển xe tăng" cũng không có gì là lạ.

- Một số ý kiến cho rằng quân đội Trung Quốc thời điểm đó là đội quân ô hợp, yếu kém về kỹ - chiến thuật, không có bản lĩnh, tinh thần chiến đấu. Vậy thực tế lúc đó ra sao?

- Nhận định trên là chủ quan, khinh địch. Sự thật là đánh trả những đội quân như thế không dễ dàng chút nào. Họ có lực lượng pháo binh, bộ binh tinh nhuệ, chính quy được đào tạo bài bản, chính chúng ta cũng phải công nhận điều đó.

Khách quan mà nói, chính phương Tây đã đánh giá binh sĩ Trung Quốc rất kỷ luật, được huấn luyện kỹ càng, đặc biệt lão luyện trong chiến đấu đêm, chiến đấu rừng núi. Bên cạnh đó, người Trung Quốc có tài về nghệ thuật ngụy trang.

Tuy nhiên, một bộ phận quân Trung Quốc lúc đó rệu rã, không được đào tạo. Khi đó, chỉ trong vòng vài tháng họ huy động được 600.000 lính bao gồm cả những Hoa kiều chạy về Trung Quốc, đồng bào thiểu số khu vực biên giới bị dụ dỗ, thậm chí cả những người thất nghiệp, nghèo khổ vào quân đội để có tiền.

Lực lượng đó được huấn luyện qua loa, trang bị rất sơ sài, thậm chí không được trang bị vũ khí, chỉ được phát quân phục. Nhiệm vụ của họ chỉ là cướp, phá. Tinh thần chiến đấu rệu rã, không có kỷ luật, kỹ thuật, chiến thuật không được dạy và đây cũng là lực lượng bị thương vong chủ yếu của Trung Quốc. Nhưng thực trạng này chỉ xảy ra ở một bộ phận quân Trung Quốc, còn quân đội chính quy của họ rất bài bản, quy củ.

Việt Nam đã khắc chế biển người của Trung Quốc ra sao?

- Để đối phó với những cuộc tấn công của Trung Quốc, quân dân Việt Nam đã chuẩn bị và phản kích thế nào?

- Lúc đó chúng ta đã bị bất ngờ về thời điểm và quy mô của cuộc chiến. Dù đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho các nguy cơ ở biên giới, chúng ta vẫn bị bất ngờ về chiến lược khi Trung Quốc tấn công vào Việt Nam.

Dù bị động khi đối phương tấn công, trước khi có sự vào cuộc của quân chủ lực, quân và dân 6 tỉnh biên giới rất nhanh chóng xốc lại tinh thần, xây dựng các tuyến phòng thủ, bố trí đội hình để phản công. Bên cạnh đó, chúng ta đã tập trung huấn luyện cho dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tại địa bàn sẵn sàng chiến đấu ngay khi có chiến sự.

Cách áp dụng chiến tranh nhân dân của chúng ta rất sáng tạo, ta thành lập các xã chiến đấu, chia thành 3 tuyến. Tuyến thứ nhất là tuyến trực tiếp đánh giặc, tuyến thứ 2 ở giữa là vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, tuyến thứ 3 là hậu cứ, đảm bảo hậu cần, y tế.

Các xã tạo thành các cụm liên hoàn chiến đấu, chia thành các khu vực phòng thủ của tỉnh, của huyện, của quân khu, mỗi tỉnh trở thành một pháo đài chiến đấu.

Điều cốt lõi là chúng ta có niềm tin vào nhân dân, phát huy tối đa sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Dù là nơi nào trên đất nước Việt Nam, khi có chiến sự thì phòng tuyến đầu tiên luôn là nhân dân địa phương. Lực lượng tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng, chống trả, phòng ngự chờ quân chủ lực.

Theo Zing News

Link gốc: https://news.zing.vn/trung-quoc-dung-chien-thuat-bien-nguoi-vao-nam-1979-nhu-the-nao-post916989.html