Theo Nikkei Asian Review, hệ thống định vị Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi ra toàn cầu vào năm 2020 với sự ra mắt của vệ tinh thứ 35. Hơn 150 triệu smartphone nội địa Trung Quốc đã có thể nhận được tín hiệu từ 23 vệ tinh. Vào năm đó, thị trường kinh doanh và dịch vụ phụ thuộc vào hệ thống này dự kiến sẽ đạt doanh thu lên đến 240 tỷ nhân dân tệ (36,9 tỷ USD) - gấp bốn lần so với năm 2016.
Dự án tiềm năng
Tổ chức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu phát triển Hệ thống vệ tinh điều hướng BeiDou vào năm 1994 hỗ trợ phòng thủ trên không. Việc phóng vệ tinh thử nghiệm đầu tiên vào năm 2000 đã đánh dấu khởi đầu việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quân sự. Dự án Bắc Đẩu có thể được xem là bản sao Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ.
Sichuan Jiuzhou Electric Group (Tứ Xuyên) và các doanh nghiệp khác hợp tác cùng PLA tiếp tục phát triển Beidou, và đến năm 2011 người dân Trung Quốc đã có thể truy cập vào hệ thống định vị ấy. Đối với các tổ chức cá nhân, hệ thống định vị hiện đang được sử dụng chủ yếu để điều hướng tàu cũng như theo dõi xe buýt công cộng và xe chữa cháy. Hệ thống hiện đang kiểm soát dưới 30% thị trường nội địa vào năm ngoái, đứng sau GPS. Nhưng theo dự kiến, Beidou sẽ mở rộng thị phần lên gấp đôi vào năm 2020.
Beidou vượt qua GPS trong thị trường hệ thống định vị Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn đưa Bắc Đẩu trở thành trung tâm hợp tác quân sự-công nghiệp. Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ định đây là "hội nhập quân sự-dân sự", kêu gọi nguồn lực từ các công ty tư nhân và các tập đoàn kinh tế, công nghệ vào việc chuyển giao công nghệ quân sự. Bên cạnh mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh nền công nghiệp của Trung Quốc với các quốc gia khác, nó còn thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho các khu vực nội địa kém phát triển, cũng như tạo việc làm cho 300.000 nhân viên quân sự Bắc Kinh có thể bị thất nghiệp vào cuối năm nay.
Ứng dụng của hệ thống Beidou trong máy bay không người lái, quản lý xăng dầu, cầu cảng,…
Một hội chợ công nghệ do chính phủ tài trợ đã khai mạc mới đây ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, nơi đang trưng bày hệ thống định vị trên. Đã có hơn 200 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quân sự tham gia hội chợ. Tại gian hàng của mình, công ty Jiuzhou Electric (Tứ Xuyên) phát triển dịch vụ liên quan đến Beidou cho biết hệ thống này đã phát triển chính xác đến từng centimet và các ứng dụng của nó sẽ phổ biến hơn khi đi vào sử dụng rộng rãi. Một công ty khác là Jezetek đã liên doanh với nhà khai thác xăng dầu China National Petroleum và các công ty khác để quản lý việc phân phối xăng bằng Beidou. Ngoài ra Changhong Electronic Group đang nghiên cứu nhằm cho ra hệ thống an ninh bến cảng dựa vào Beidou với ước tính thu được 150 tỷ NDT vào năm 2020.
Theo các quan chức phụ trách chương trình Bắc Đẩu, có tổng cộng 19 công ty tại triển lãm đang trưng bày các dịch vụ liên quan đến Beidou. Nhiều công ty trong số đó liên quan đến việc phát triển máy bay không người lái, chẳng hạn như những chiếc được công bố bởi nhà thầu quân đội China South Industries Group. Trang thương mại điện tử khổng lồ JD.com đã bắt đầu chạy thử nghiệm các phương tiện trên không và máy bay không người lái vận chuyển hàng hóa. Không riêng gì các công ty nội địa, chính phủ Trung Quốc còn cho phép các công ty tư nhân nước ngoài tự do sử dụng hệ thống định vị vệ tinh.
Theo VnReview (nguồn asia.nikkei)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu