LTS: Khi tiến hành cải cách, mở cửa năm 1978, hành trang của Trung Quốc là nền công nghệ què quặt với nhiều di chứng của Cách mạng Văn hóa, một đội ngũ nhân lực R&D còi cọc hoạt động trong môi trường chính sách méo mó. Nhưng chỉ vài thập kỷ sau, nhờ biết “Chiêu hiền đãi sĩ” Trung Quốc đã có cú lột xác công nghệ vô tiền khoáng hậu. Hiện nay, bất chấp sự kiềm chế bạo liệt của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc đang ráo riết “Chiêu hiền đãi sĩ” toàn cầu để tiến nhanh tới mục tiêu bá chủ công nghệ năm 2035, Giấc mộng Trung Hoa năm 2049.
Vậy bí quyết “Chiêu hiền đãi sĩ” của Trung Quốc là gì mà có sức mạnh thần kỳ đến vậy? Việt Nam có thể học hỏi được gì để phát triển bứt phá về công nghệ? Trên tinh thần tìm kiếm kế sách hay cho Việt Nam, VietTimes xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới – lý giải bí quyết “Chiêu hiền đãi sĩ” của Trung Quốc và đưa ra kế sách “Chiêu hiền đãi sĩ” để Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0.
Nguồn nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài vô cùng quý giá, nhân tài công nghệ cao người Việt Nam thành danh ở nước ngoài có thể làm cầu nối trí tuệ Việt Nam với trí tuệ toàn cầu. Cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để họ về nước làm việc ở các viện nghiên cứu, đại học, dự án, chương trình công nghệ trọng điểm, tư vấn thiết kế chiến lược, chính sách phát triển công nghệ cao bắt nhịp với xu thế của thời đại 4.0.
Nhân tài công nghệ cao người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh nên không có chuyện họ tự nhiên trở về Việt Nam. Bởi vậy, cần có chính sách đột phá để thu hút, cần làm thật thì mới có kết quả thật. Nếu chỉ kêu gọi, hô hào suông mà không tạo môi trường thuận lợi, không giao trọng trách và nhiệm vụ xứng tầm, không tạo không gian đủ rộng để nhân tài công nghệ cao người Việt Nam thành danh ở nước ngoài phát huy hết tài năng và sở trường, toàn tâm toàn ý cho công việc vì một Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0 thì kết quả chẳng đi đến đâu cả, có khi còn vớ phải những kẻ giả tài, háo danh, chỉ giỏi tung hô ca tụng, tiền mất tật mang.
Sự thành công của Vingroup trong chiêu mộ nhân tài người Việt thành danh ở nước ngoài rất đáng nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng ra các đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo nhân lực bắt nhịp xu thế của thời đại 4.0.
Khi Vingroup dấn thân vào lĩnh vực công nghệ, công nghiệp năm 2017, Vingroup đã mời được những chuyên gia tầm cỡ thế giới là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm thủ lĩnh dẫn dắt giúp xây dựng, phát triển về công nghệ, công nghiệp.
Một số tên tuổi điển hình như chuyên gia Võ Quang Huệ làm Phó Tổng giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án sản xuất ô tô VinFast. Giáo sư Vũ Hà Văn làm Giám đốc VinBigdata và Quỹ VinIF. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng làm Viện trưởng VinAI Research. Chuyên gia Trương Quốc Hùng làm Tổng giám đốc VinBrain, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Vin Hi-Tech,… Cùng nhiều người Việt Nam tốt nghiệp các đại học hàng đầu ở Mỹ đang làm việc cho các viện nghiên cứu này. Mô hình Vingroup cần được nhân rộng bởi lẽ một cánh én không làm nên mùa xuân, phải có thêm những cánh chim đầu đàn tiên phong chiêu mộ nhân tài tầm cỡ tiến ra toàn cầu, đưa Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0.
Chúng ta cần thực hiện những cải cách để tạo đà và động lực chiêu mộ nhân tài toàn cầu phát triển R&D, các công nghệ tiên tiến đưa đất nước tiến cùng thời đại 4.0. Bởi lẽ với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu đa số là "còi cọc" như hiện nay thì người ta chẳng màng tới chiêu mộ nhân tài trong nước nói gì chiêu mộ nhân tài toàn cầu để phát triển R&D, các công nghệ tiên tiến.
Chúng ta cần có những doanh nghiệp, các viện nghiên cứu quy mô lớn, nhất là những "đại bàng" nội về công nghệ cao làm cánh chim đầu đàn tiên phong trong "chiêu hiền đãi sĩ" toàn cầu để tiến thẳng vào những công nghệ tiên tiến, đón đầu xu thế CMCN 4.0. Bởi vậy, cần thực hiện một số cải cách cụ thể.
Một là hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn để có đủ nguồn lực đầu tư cho thu hút nhân tài phát triển R&D, công nghệ cao. Cùng với đó, giảm tối đa doanh nghiệp nhà nước để nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn, giảm bớt cơ hội tham nhũng, tiêu cực và tăng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.
Hai là sắp xếp lại hệ thống viện nghiên cứu với ba cấu phần chính là viện nghiên cứu công, viện nghiên cứu ở đại học, viện nghiên cứu ở doanh nghiệp, phân vai theo thế mạnh, cần đẩy nhanh tốc độ phát triển viện nghiên cứu ở doanh nghiệp. Các viện nghiên cứu cạnh tranh bình đẳng để nhận tài trợ từ nhà nước và các quỹ nghiên cứu. Đồng thời, hợp nhất các viện nghiên cứu công hình thành những viện nghiên cứu quy mô lớn để có đủ nguồn lực và năng lực tiến hành những nghiên cứu, dự án tầm cỡ, có giá trị. Lý tưởng nhất là hợp nhất hơn 700 viện nghiên cứu công hiện thời với đa số là "còi cọc" còn dưới 100 viện.
Ba là hậu thuẫn một số “đại bàng” tư nhân nội về công nghệ cao có đủ năng lực bắt tay với “đại gia” công nghệ ngoại, có vị thế vững mạnh ở thị trường nội địa làm bàn đạp tiên phong tiến ra toàn cầu. Bởi lẽ, nếu để các doanh nghiệp tư nhân nội về công nghệ cao “tự thân vận động” sẽ mất nhiều thời gian và khó có thể đấu với các “đại gia” công nghệ ngoại ở thị trường trong nước, chưa nói đến đấu trường toàn cầu. Chúng ta có thể hỗ trợ bằng cách giảm thuế, tăng ngân sách hỗ trợ R&D và nới lỏng các rào cản quy định, thủ tục…
Bốn là thành lập Quỹ thu hút nhân tài để phát triển công nghệ cao vì một Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0. Nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp, ủng hộ của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, tiền thu hồi từ tham nhũng, từ bán các doanh nghiệp nhà nước…
Tóm lại, trong hơn 4 thập kỷ qua, nhất là từ năm 2008, Trung Quốc nhờ biết chiêu hiền đãi sĩ đã tận dụng chất xám toàn cầu, nhất là nguồn chất xám, công nghệ và nền giáo dục tiên tiến của Mỹ và các nước phát triển để có được những công nghệ tiên tiến, tạo nên sự bứt phá thần tốc về công nghệ vô tiền khoáng hậu. Trung Quốc quả là bậc thầy về “Chiêu hiền đãi sĩ” để “đi tắt đón đầu” CMCN 4.0. Đây vừa là “đường tắt” để Trung Quốc có được công nghệ cao nhằm một mặt tự chủ, không phụ thuộc vào công nghệ cao của Mỹ và đồng minh, mặt khác, cạnh tranh với Mỹ và đồng minh ở tầm toàn cầu, nhất cử lưỡng tiện tăng sức mạnh cho mình trong khi làm suy yếu đối thủ. Đồng thời đây cũng là con đường ngắn nhất để Trung Quốc tiến thẳng vào những công nghệ tiên tiến, đón đầu xu thế CMCN 4.0.
Hiện nay, Trung Quốc đang ráo riết chiêu hiền đãi sĩ toàn cầu để hóa giải chốt chặn công nghệ cao của Mỹ và đồng minh tiến tới mục tiêu bá chủ công nghệ năm 2035, “Giấc mộng Trung Hoa” năm 2049.
Với Việt Nam, CMCN 4.0 mở ra cho chúng ta cơ hội bắt kịp các nước phát triển nhưng đòi hỏi tư duy mới, cách tiếp cận mới đột phá, tốc độ “không truyền thống, không tuần tự”, đòi hỏi chiến lược và những bước đi phù hợp, tương xứng. Chúng ta chèo thuyền thúng thì không thể bắt kịp thành công các nước phát triển được, dù tay chèo có điêu luyện đến đâu thì con thuyền thúng chỉ cập bến cuối là quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Cũng như các cuộc cách mạng lần trước chỉ một vài nước đang phát triển bứt phá thành công, ở cuộc CMCN 4.0 này, sự đột phá về thể chế, đặc biệt là sự đột phá trong "chiêu hiền đãi sĩ" toàn cầu để phát triển R&D, các công nghệ tiên tiến là chìa khóa giúp các nước đang phát triển tạo nên sự phát triển bứt phá bắt kịp thành công các nước phát triển.
Chúng ta theo chế độ một Đảng lãnh đạo nên có thể nhanh chóng áp dụng những cải cách đột phá về thể chế, về "chiêu hiền đãi sĩ" toàn cầu để phát triển R&D, các công nghệ tiên tiến.
Bởi vậy, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo đất nước tỏ rõ và phát huy tầm nhìn xa trông rộng và vai trò tiên phong vốn có của mình tạo nên những đột phá về thể chế, về chiêu mộ nhân tài người Việt Nam thành danh ở nước ngoài, nhân tài toàn cầu để phát triển R&D, các công nghệ tiên tiến, đưa đất nước phát triển bứt phá bắt kịp thành công các nước phát triển vào năm 2045, xứng tầm với một đất nước có quá khứ oai hùng với lịch sử ngàn năm văn hiến.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu