Triều Tiên sửa hiến pháp, coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” và đóng cửa biên giới vĩnh viễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 17/10 xác nhận nước này đã sửa đổi hiến pháp, xác định rõ Hàn Quốc là "quốc gia thù địch", hỗ trợ về pháp lý cho "lý thuyết hai nhà nước" do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề xuất tháng 12/2023.

Quân đội Triều Tiên nổ mìn để cắt đứt tuyến đường bộ nối với Hàn Quốc (Ảnh: KCNA).
Quân đội Triều Tiên nổ mìn để cắt đứt tuyến đường bộ nối với Hàn Quốc (Ảnh: KCNA).

Coi Hàn Quốc là “kẻ thù số một”

Các cơ quan truyền thông chính thức của Triều Tiên cũng đưa tin quân đội nước này đã cho nổ tung tuyến giao thông đường bộ nối giữa hai miền Triều Tiên hôm thứ Ba (15/10), nói đây là yêu cầu của việc hiến pháp quy định Hàn Quốc là nước thù địch và là một biện pháp hợp pháp, cần được thực hiện vì môi trường an ninh nghiêm trọng đã ở bên bờ vực chiến tranh do các hành động khiêu khích chính trị và quân sự của các thế lực thù địch gây nên.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói trong bài phát biểu tại Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên hồi tháng 1 rằng việc thống nhất với Hàn Quốc là không thể nữa, vì vậy Triều Tiên nên sửa đổi hiến pháp và xác định Hàn Quốc là một “quốc gia thù địch”.

“Chúng ta không muốn chiến đấu, nhưng chúng ta không có ý định tránh chiến tranh”, ông Kim Jong Un được KCNA dẫn lời nói vào thời điểm đó.

Trước đó, ông Kim Jong-un đã yêu cầu bỏ nội dung về thống nhất hai miền Triều Tiên khỏi hiến pháp, và bổ sung điều khoản về lãnh thổ, quy định rõ Hàn Quốc phải được gọi là "quốc gia kẻ thù số một" và "kẻ thù chính vĩnh viễn" trong công tác giáo dục. Triều Tiên đã triệu tập Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) họp vào hai ngày 7 và 8/10 để sửa đổi hiến pháp, nhưng trước đó họ chưa công bố những thay đổi cụ thể liên quan đến quan hệ liên Triều và các điều khoản thống nhất.

Truyen thong quoc te dua tin.png
Truyền thông quốc tế đưa tin đường từ Triều Tiên tới Hàn Quốc bị phá hủy
(Ảnh: Aljazeera).

Các cơ quan truyền thông chính thức Triều Tiên chỉ ra rằng, như là một phần của công việc theo từng giai đoạn nhằm tách biệt hoàn toàn khu vực mà Triều Tiên thực thi chủ quyền với lãnh thổ Hàn Quốc, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên hôm 15/10 đã thực hiện các biện pháp để cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc về mặt vật lý ở khu vực biên giới phía Nam cả về đường bộ và đường sắt.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết Triều Tiên đã sử dụng phương pháp nổ mìn để phong tỏa hoàn toàn đoạn đường bộ và đường sắt dài 60 m ở khu vực Gangho-ri, huyện Goseong, tỉnh Gangwon-do và đoạn đường bộ và đường sắt dài 60 mét ở khu vực Dongnae-ri của quận Banmun, thành phố Kaeson. Từ nay về sau, các biện pháp khác sẽ được Triều Tiên tiếp tục thực hiện để củng cố vĩnh viễn đường biên giới phía Nam đã đóng cửa. Người phát ngôn của Bộ Đất đai và Môi trường Triều Tiên cho biết công tác gây nổ hôm 15/10 không gây nên bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường sinh thái xung quanh.

Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Triều Tiên và Hàn Quốc không ký hiệp ước hòa bình; về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Căng thẳng đã leo thang kể từ khi thỏa thuận quân sự năm 2018 nhằm giảm nguy cơ xung đột biên giới bị sụp đổ vào năm ngoái.

Hai tuong My Han hop.jpg
Chỉ huy Không quân Mỹ và Hàn Quốc gặp nhau bàn đối phó Triều Tiên
 (Ảnh: Đông Phương).

Chỉ huy không quân Mỹ và Hàn Quốc bàn cách đối phó Triều Tiên

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, ngày 17/10, Đại tướng David W. Allvin, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ đã hội đàm với Tham mưu trưởng Không quân Hàn Quốc Lee Young-soo. Hai người đã bàn bạc sử dụng lực lượng không quân áp đảo để củng cố thế trận phòng thủ chung và hợp tác đối phó Triều Tiên. .

Ông Alvin đã gặp ông Lee Young-soo tại trụ sở của Bộ Tham mưu ba quân chủng Hàn Quốc ở Geryongtae, Chungcheongnam-do. Hai bên nhất trí cho rằng Triều Tiên không ngừng phát triển năng lực vũ khí hạt nhân và tên lửa, thả bóng bay mang rác chống lại Hàn Quốc và thậm chí sử dụng máy bay không người lái Hàn Quốc xâm nhập vào Bình Nhưỡng như một cái cớ để cho nổ tung các con đường bộ và đường sắt nối liền Hàn Quốc và Triều Tiên, cản trở hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí trên toàn thế giới, đồng thời nhất trí hợp tác với cộng đồng quốc tế bao gồm các quốc gia thành viên Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và NATO để ứng phó. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận về tầm quan trọng của hợp tác an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời thảo luận về việc tổ chức thường xuyên các cuộc gặp Tham mưu trưởng Không quân ba bên trong tương lai.

Theo Đông Phương