Triển vọng về một “liên minh công nghệ” giữa Mỹ và EU dưới thời ông Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – EU đang kỳ vọng về một “liên minh công nghệ” với ông Biden sau lệnh cấm Huawei tham gia vào mạng 5G của Tổng thống Trump.
EU đã phải chịu áp lực rất lớn từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cấm sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất (ảnh: Nikkei Asian Review)
EU đã phải chịu áp lực rất lớn từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cấm sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất (ảnh: Nikkei Asian Review)

2020 là năm đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của châu Âu đối với “gã khổng lồ” công nghệ Huawei. Công ty Trung Quốc đã cấm tham gia vào cơ sở hạ tầng mạng 5G ở hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh EU.

Nhưng ở một khía cạnh khác, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. EU và Trung Quốc đã hoàn tất một thỏa thuận đầu tư toàn diện vào tháng 12/2020. Thỏa thuận mới sẽ tạo cơ hội phát triển cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc nhưng cũng có khả năng khiến chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden “phật ý”.

“Chính quyền Biden sẽ hoan nghênh các cuộc tham vấn sớm với các đối tác châu Âu về những lo ngại chung đối với các hoạt động kinh tế của Trung Quốc” - Jake Sullivan, người được chỉ định sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết.

Dù ký thỏa thuận hợp tác nhưng trong tâm thế, EU vẫn luôn coi Trung Quốc vừa là đối thủ vừa là đối tác. Vậy điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ của EU với Mỹ dưới thời ông Joe Biden?

Áp lực từ phía Mỹ

Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực buộc các đồng minh phương Tây loại trừ Huawei khỏi mạng 5G với lý do các thiết bị mạng của công ty Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh quốc gia và những thông tin quan trọng có thể sẽ bị chuyển cho chính phủ Bắc Kinh. Cả Trung Quốc và Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

Đối với các quốc gia châu Âu đã mua thiết bị mạng giá cả phải chăng của Huawei để lắp đặt cho các mạng hiện có, việc cấm Huawei tham gia vào 5G - thế hệ mạng tiếp theo là một quyết định khá khó khăn. Jeremy Shapiro - Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu đã viết trong một bài luận về chủ quyền kỹ thuật số của châu Âu rằng "châu Âu đang bị mắc kẹt giữa Mỹ - vấn đề lớn nhất và Trung Quốc”.

Lệnh cấm Huawei


Tháng 1/2020, Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước thành viên “tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Thực tế thì một số quốc gia châu Âu đã ra lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei trong khi một số quốc gia khác chỉ hạn chế Huawei tham gia vào cơ sở mạng cốt lõi.

Mặc dù đã rút lui khỏi EU hoàn toàn vào ngày 1/1/2020 nhưng Anh là một trong những quốc gia tiên phong có động thái cứng rắn chống lại Huawei ở châu Âu. Ban đầu, chính phủ Anh chỉ loại trừ công ty Trung Quốc khỏi các mạng cốt lõi. Tuy nhiên, sau đó, nước này đã quyết định cấm hoàn toàn Huawei vào tháng 7/2020 và tuyên bố rằng các công ty viễn thông nước này không nên sử dụng thiết bị có nguồn gốc Trung Quốc vào năm 2027.

Trước đó, khi Anh quyết định cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G nước này hồi tháng 1/2020, Tổng thống Trump đã “đe dọa” rằng động thái trên có thể tác động tiêu cực đến cuộc đàm phán tự do thương mại giữa các nước và việc chia sẻ thông tin tình báo song phương nhằm gây áp lực cho London. Chính điều này đã đánh dấu sự khởi đầu cho làn sóng loại bỏ Huawei tại châu Âu.

Trong khi đó, Đức - thị trường viễn thông lớn nhất châu Âu đã thận trọng hơn với một lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei. Sau một thời gian cân nhắc, thậm chí tranh cãi, các thành viên chính phủ đã thảo luận về một dự thảo luật nhằm hạn chế quyền truy cập của Huawei vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trong mạng 5G của nước này, chứ không phải là một lệnh cấm hoàn toàn.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra cũng trở thành động lực quan trọng để EU tìm cách giảm phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài trong cơ sở hạ tầng viễn thông của mình.

“Sau đại dịch COVID-19, nhiều chính trị gia phương Tây nhận ra rằng viễn thông là cơ sở hạ tầng cơ bản của xã hội hiện đại, giống như điện và nước. Xem xét các hành vi gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc tại Hồng Kông, châu Âu đã nhận ra những rủi ro an ninh khi kinh doanh với các công ty Trung Quốc. Châu Âu thực sự đã nhận ra những gì Mỹ đã nhận ra từ nhiều năm trước” - John Strand, người đứng đầu nhóm cố vấn hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Strand Consult (Đan Mạch) cho biết.

Sự tin tưởng vào Trung Quốc đã bị suy giảm nghiêm trọng do cách đối phó với COVID-19 của nước này ở thành phố Vũ Hán giai đoạn đầu, nỗ lực phát tán thông tin sai lệch về virus ở châu Âu và các cuộc tấn công mạng của tin tặc Trung Quốc vào các cơ sở quan trọng của EU như bệnh viện, Nikkei cho biết. Do đó, các quốc gia châu Âu đã lần lượt tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thiết bị của Huawei.

Pháp đã thông báo với các nhà khai thác viễn này rằng họ sẽ không thể mua thiết bị 5G của Huawei sau khi giấy phép hết hạn, đồng thời, loại bỏ hoàn toàn công ty Trung Quốc khỏi mạng di động của Pháp vào năm 2028. Các quốc gia Đông Âu - khu vực mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng đã ký một thỏa thuận với Hoa Kỳ và tham gia Sáng kiến “Mạng lưới sạch” do Mỹ hậu thuẫn nhằm hạn chế vai trò của Huawei.

Hy Lạp - một quốc gia có mạng 4G sử dụng đến 52% thiết bị của Huawei đã quyết định loại bỏ công ty này, thay vào đó, nước này chọn Ericsson của Thụy Điển để cung cấp mạng lõi của mình. Hy Lạp cũng đã tham gia vào “Mạng lưới sạch” của Mỹ vào cuối năm ngoái. Đến nay, các thành viên của EU đều đã tham gia vào sáng kiến này, trừ Hungary.

Keith Krach, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người đứng đầu sáng kiến này đã nói với Nikkei rằng tương lai của mối quan hệ EU - Hoa Kỳ nằm ở “sự hợp tác liên tục và thành công của liên minh “Mạng lưới sạch” giữa các nền dân chủ”.

Tỷ lệ các khách hàng châu Âu sử dụng thiết bị mạng 4G của các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc theo dữ liệu của Strand Consult. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tỷ lệ các khách hàng châu Âu sử dụng thiết bị mạng 4G của các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc theo dữ liệu của Strand Consult. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách của EU đối với Huawei có thể trở thành gánh nặng trong kỷ nguyên kỹ thuật số mới của châu Âu. Dữ liệu của Strand Consult cho thấy vào năm 2019, Huawei có 44% khách hàng sử dụng mạng 4G. Trong khi đó, tại hơn một nửa số quốc gia châu Âu, hơn 50% thiết bị 4G đều là của nhà cung cấp Trung Quốc.

Với triển vọng kinh tế không mấy khả quan sau đại dịch của EU, vẫn chưa rõ liệu các quốc gia này sẽ dựa vào nguồn lực nào để đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số 5G, đồng thời giữ được chủ quyền công nghệ. Theo hướng này, vai trò của các nhà cung cấp viễn thông châu Âu như Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

“EU lo lắng về chủ quyền công nghệ nhưng đó không phải là vấn đề của 5G bởi Mỹ cũng phụ thuộc vào các nhà cung cấp viễn thông châu Âu. Đây sẽ là một khởi đầu tốt cho liên minh “Mạng lưới sạch” - Jim Lewis, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.

Cơ hội từ chính quyền mới của ông Joe Biden

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, ông Biden sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, mọi con mắt đều đổ dồn về thái độ của ông đối với Trung Quốc. Biden sẽ “diều hâu” như ông Trump hay ôn hòa như Barack Obama - người mà ông đã dưới trướng suốt 8 năm với tư cách là phó Tổng thống?

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Anh cho rằng chính sách của chính quyền ông Biden sẽ không có nhiều thay đổi so với thời Tổng thống Trump.

Peter Ricketts - cựu thư ký tại Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung (FCO) cũng là cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Anh đã nói với Nikkei rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục tồn tại trong lĩnh vực công nghệ cao, đây cũng là sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ 5 năm qua.

“Cả hai đảng ở Mỹ đều theo đang theo đuổi một chính sách cứng rắn với Trung Quốc” - ông Peter nói.

“Tôi cho rằng ông Biden có thể ít chú trọng vào các cuộc chiến thuế quan, thay vào đó, tập trung vào vấn đề chủ quyền công nghệ cao, chuỗi cung ứng, đảm bảo các nước phương Tây nắm quyền kiểm soát công nghệ then chốt, chứ không phải Trung Quốc” - ông Peter nói thêm.

Tháng trước, Ủy ban EU đã công bố các lĩnh vực mà khu vực kỳ vọng sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Bên cạnh COVID-19 và biến đổi khí hậu, 5G cũng là một trong những vấn đề quan trọng nằm trong danh sách. EU cũng sẽ đề xuất với Mỹ về việc xây dựng vị trí dẫn đầu công nghệ của châu Âu nhằm tạo ra một cơ sở hạ tầng 5G an toàn trên toàn cầu. Điều này được cho là có thể “hàn gắn” các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã bị phá hoại dưới thời ông Trump.

“Mỹ cùng với Nhật Bản và châu Âu đã phát triển các chính sách nhằm xây dựng chuỗi cung ứng 5G an toàn. Nỗ lực này có khả năng sẽ tạo ra một “liên minh công nghệ” với EU. Việc xây dựng lại quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương cũng là ưu tiên của chính quyền Biden” - ông Lewis cho biết.

Theo Nikkei Assian Review