Trao đổi ngày chủ nhật với TS Nguyễn Ngọc Chu về "Di biến động dân cư"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Có cách khác về hạn chế người ra đường trong giãn cách mà ít ngưng trệ lưu thông, ít phiền hà cho dân, khác với cách thức đang thực thi. Ở phương diện này, rất cần tham khảo sự kiểm soát của các nước khác.
Ô tô, xe máy xếp hàng tại chốt kiểm soát để được hướng dẫn khai báo "di biến động dân cư"- Ảnh Giadinh.net.vn.
Ô tô, xe máy xếp hàng tại chốt kiểm soát để được hướng dẫn khai báo "di biến động dân cư"- Ảnh Giadinh.net.vn.

Xin lỗi TS người Nghệ Tĩnh, sinh thời tôi có hỏi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về ca từ "làng ta di động nên có đất mình cày" trong ca khúc nổi tiếng "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" nhạc sĩ cười, là làng xóm phải di dời theo quy hoạch! Ồ, cái thời nó phải thế.

Có lẽ hậu thế đã học nhạc sĩ nên sau này có hẳn một kế hoạch hoành tráng gọi là KT2, đến KT2 đi và KT3 ( hồ sơ nắm di biến động dân của CSKV ) Làng di động được hà cớ chi dân không di động!

Ông thấy đấy, một cách làm mới toe của TP HCM có tên kiểm soát "di biến động dân cư" nội thành nhằm góp phần hạn chế việc khống chế dịch Covid-19. Nhưng thực hiện mới được một ngày mà dân kêu dữ quá bởi các tuyến đường trung tâm TP đã xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài nhiều kilômet do người dân mất thời gian khai thông tin...

-Việc hạn chế những lưu thông không cần thiết trong giãn cách là điều phải làm. Nhưng làm sao ít phiền hà cho dân nhất, làm sao không bị chặn lại để kiểm soát liên tục trên đường đi mới là quan trọng. Vấn đề này ta làm không đạt.

Ứng dụng công nghệ là điều bắt buộc. Nhưng làm điều gì cũng phải có kế hoạch trước. Nếu người dân phải khai báo thông tin gì thì họ phải được báo trước, phải nhận được thông tin trước ở nhà và khai báo trước, chứ không thể bị chặn lại rồi mới khai báo trên đường đi.

Đây là cách làm chưa hợp lý, gây phiền phức cho dân, gây ùn tắc, làm nâng cao khả năng lây nhiễm, làm giảm hiệu quả lao động của xã hội.

Nếu phải khai báo thì khai báo tối giản. Và cách thức khai báo phải thuận tiện.

Thưa TS, dân mình trình độ IT đã được cấp tốc nâng cao. Nào là phải khai báo qua một phần mềm trung gian quét một mã QR rồi khai báo, sau đó sẽ ra thêm một mã QR nữa. Lúc này lực lượng chức năng sẽ sử dụng phần mềm kiểm soát dịch kết nối với dữ liệu dân cư quét mã QR này của người dân, rồi nhập vào hệ thống và đối chiếu hợp lệ mới cho đi qua.

-Kiểm soát bằng công nghệ là đúng. Nhưng làm sao người dân ít phải khai báo nhất. Có số lần tối thiểu phải chạm bàn phím. Đơn giản đến mức một trẻ em chưa biết chữ cũng có thể làm được.

Nhưng chúng ta bắt người dân khai báo lê thê. Đa phần rất khó khăn. Đó là điều chưa thuận tiện.

Thiết nghĩ, để kiểm soát, chỉ cần một bức ảnh, và số điện thoại di động, là đủ kiểm soát. Không quá 2 tham số.

Cần nữa thì CMT/CCCD, địa chỉ nơi cư trú, địa chỉ nơi làm việc. Nghĩa là không quá 5 tham số.

Chư hiểu vì sao các chuyên gia CNTT của ta khá giỏi, rồi thì không ngừng nói về chuyển đổi số, lại chưa thấy đưa ra cho TP HCM và HN một thuật toán giản tiện tối thiểu về kiểm soát người đi lại trong giãn cách. Để cho TP HCM phải tự đưa cách thức quét mã QR đang gây xôn xao dư luận.

Thiết nghĩ, một cách sòng phẳng, mọi hình thức kiểm soát dịch bằng công nghệ, trong đó có y tế, tiêm vaccine, kiểm soát giãn cách… thì thuật toán phải xuất phát từ các chuyên gia CNTT. Ở đây cần phát huy vai trò các công ty công nghệ thông tin.

Ùn tắc tại nhiều điểm khai báo- Ảnh Lao động

Ùn tắc tại nhiều điểm khai báo- Ảnh Lao động

Khi người dân quét mã QR để khai báo thì thường gặp tình trạng không có Internet để truy cập (không 3G hoặc 4G). Rồi tại các chốt, thường bị quá tải với người kiểm tra và được kiểm tra dẫn đến bị hết pin, hết dung lượng truy cập Internet…

-Là hai điều đã nêu trên. Phải được khai báo trước ở nhà. Hai là rất giản tiện, chỉ vài lần chạm tay trên màn hình điện thoại là xong. Nhưng người dân không nhận được thông tin trước để khai báo. Và khi khai báo thì thông tin không ngắn gọn.

Có vẻ như quá nhiều ứng dụng hay website để khai báo? Biểu mẫu khai báo bị thiếu nhiều phường của Thành phố Thủ Đức. Hầu hết tên các phường trong mục chọn thuộc Quận Thủ Đức (cũ) không có các phường thuộc Quận 2 và Quận 9 (cũ).

Rồi việc khai báo có giá trị 3 ngày. Nơi đi và nơi đến không thay đổi. Biển số xe không thay đổi nhưng có một sự thay đổi là ai dám chắc trong dòng người tập trung ùn ứ ấy không có F0? Có cách nào hữu hiệu ngay và luôn để khắc phục tình trạng này không, thưa TS?

-Việc kiểm soát dịch bằng công nghệ không riêng cho Thủ Đức, TP HCM, Hà Nội mà cho mọi tỉnh thành, mọi địa phương. Vì thế phương thức kiểm soát bằng công nghệ phải đồng nhất trên toàn quốc, chứ không phải mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương một kiểu.

Khai báo mã QR chỉ có giá trị trong 3 ngày với mục đích để kiểm soát dịch - thì việc khai báo phải rất đơn giản, tiện lợi. Kiểm soát không có nghĩa là bất cứ ai cũng bị chặn hỏi, mà chỉ một số kiểm tra điểm, có chọn lọc phán đoán.

Điều này phụ thuộc vào sự tinh thông của người kiểm soát. Ai cũng bị chặn lại kiểm soát là tai vạ. Lưu thông bị ngừng trệ. Gây ùn tắc. Tăng khả năng lây nhiễm. Gây ức chế và giảm hiệu quả lao động.

Có các phương thức khác về hạn chế người ra đường trong giãn cách mà ít ngưng trệ lưu thông, ít phiền hà cho dân, khác với cách thức đang thực thi. Ở phương diện này, rất cần tham khảo sự kiểm soát của các nước khác.

Ai cũng ủng hộ giãn cách. Nhưng giãn cách tối ưu lại là một vấn đề không đơn giản. Nó phụ thuộc vào sự sáng suốt của lãnh đạo. Phương thức giãn cách ở địa phương nào là do lãnh đạo địa phương đó đưa ra. Muốn thay đổi phương thức giãn cách thì hoặc lãnh đạo tự thay đổi, hoặc có lãnh đạo mới, hoặc chỉ đạo trực tiếp từ chính phủ.

Mọi sự cam chịu là để chóng vánh kiểm soát được dịch. Đừng để sự cam chịu trở thành hoài phí. Mong lắm thay.