Căn cứ vào đề án quản lý, giám sát hàng hóa tự động tại cảng biển, cảng hàng không, ngay từ tháng 6 năm nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch triển khai đề án xuống các Chi cục hải quan.
Đây là hệ thống công nghệ thông tin tập trung để đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không và các bên liên quan.
Hệ thống sẽ tự động cập nhật thông tin đến doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi về tình hình di chuyển, biến động và tình trạng ra vào của hàng hóa từ khi vào cảng đến khi ra khỏi cảng, cũng như vận chuyển giữa các địa điểm đều chịu sự giám sát hải quan.
Việc triển khai giám sát tự động được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp cũng như tăng cường tính giám sát của hải quan, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo yêu cầu của Tổng Cục Hải quan, các cảng biển, các kho trong cảng hàng không, những doanh nghiệp có tần suất giao dịch lớn và mức độ sẵn sàng về hệ thống công nghệ thông tin cao sẽ là những đơn vị thực hiện trước.
Tại TPHCM, trong buổi họp với các cơ quan báo chí chiều ngày 11/12 để thông tin về việc triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, Hải quan TPHCM là đơn vị đầu tiên tại phía Nam được Tổng cục Hải quan chọn thí điểm thực hiện. Dự kiến, Cục Hải quan TPHCM sẽ triển khai từ ngày 1/1/2018.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, một trong những nội dung đáng chú ý của kế hoạch triển khai đề án trên là khảo sát lấy ý kiến các doanh nghiệp có liên quan về hạ tầng công nghệ thông tin. Đến nay, đơn vị đã thực hiện lấy ý kiến và tập huấn cho các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng thời gian chuẩn bị xây dựng phần mềm tương thích ít nhất phải từ 3 đến 6 tháng nên khó đảm bảo thí điểm ngay từ đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, các văn bản dự thảo cho đề án này cũng chưa được ban hành nên không có cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các quy trình, quy định và hệ thống chuẩn hóa cho phần mềm. Hơn nữa, thời điểm triển khai đề án lại trùng với Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, là thời điểm mà khối lượng công việc và hàng hóa chu chuyển qua cảng tăng rất mạnh. Vì vậy nếu ách tắc khi thí điểm sẽ ảnh hưởng lớn đến các cảng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trước kết quả khảo sát và đề xuất của doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM cho hay, những doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển có thể tham gia thí điểm đề án trên từ đầu năm 2018 chỉ gồm: cảng Lotus (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 3), cảng SPCT (Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước), cảng ICD Phước Long (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 4) và kho hàng SCSC (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất).