Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 1/3/2018, TP HCM có gần 7,5 triệu mô tô, trung bình 1,5 người có một mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Trước đó, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô tô kèm theo Quyết định 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010. Trong đó, việc thực hiện Đề án chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013 phấn đấu đạt được 20% số người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải; Hình thành mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy với ít nhất 100 cơ sở tại thành phố Hà Nội và 150 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, hầu hết các mục tiêu cơ bản của Đề án đến nay đều không đạt được.
Lý do chậm triển khai Đề án vì vấn đề kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn và có nhận thức rất khác nhau về vấn đề kiểm soát khí thải.
Trong khi đó, mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố khi giao thông công cộng đáp ứng không quá 10% nhu cầu, giao thông cá nhân bằng ô tô còn hạn chế, ít nhất đến năm 2020. Lượng mô tô, xe gắn máy đăng ký mới tiếp tục tăng nhanh, hiện gấp 1,5 lần so với thời điểm phê duyệt Đề án (năm 2010).
Hơn nữa, đa số người sử dụng chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải mô tô, xe gắn máy và tác dụng, sự cần thiết phải kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm độ bền, hiệu quả hoạt động, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu.
Ngoài ra phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM; 17 thành phố loại 1; 24 thành phố loại 2 thuộc 20 tỉnh là quá rộng. Trong khi đó chưa xây dựng được lộ trình thời gian hợp lý.
Năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ về Đề án kiểm soát khí thải xe máy. Đề án mới đưa ra lộ trình, theo đó giai đoạn 2018-2020 hoàn thiện các văn bản pháp quy, xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy, bổ sung nghị định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm khí thải mô tô, xe gắn máy.
Cụ thể, từ 1/7/2018 kiểm tra khí thải với mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên tham gia giao thông tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, ước tính khoảng 20.000 xe).
Giai đoạn sau năm 2020, kiểm tra, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở triển khai giai đoạn tiếp theo với mô tô có dung tích nhỏ hơn 175 cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông.
Xe sau khi được kiểm tra đạt chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận và dán tem xác nhận, xe có kết quả kiểm tra không đạt chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp. Các xe không có giấy chứng nhận, tem kiểm tra khí thải còn thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.