Các nước châu Âu và Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2. Nhưng châu Âu vẫn phải dựa dẫm vào khí đốt của Nga để sưởi ấm và chạy các nhà máy điện, và EU hiện đang chia rẽ về việc trừng phạt ngành năng lượng của Nga.
Thông điệp của Tổng thống Putin rất rõ ràng: Nếu các bạn muốn khí đốt của chúng tôi, hãy mua tiền của chúng tôi. Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga có đủ sức để đơn phương thay đổi các hợp đồng mua bán hiện tại vốn được thỏa thuận chi trả bằng đồng Euro hay không.
Đồng Rúp của Nga đã tăng giá nhẹ sau cú sốc trượt giá mạnh so với đồng USD, tuy nhiên vẫn ở mức 97,7 Rúp đổi 1 USD, giảm hơn 22% so với thời điểm ngày 24/2.
Giá bán buôn khí đốt ở một số nước tại châu Âu tăng 30% trong hôm 23/3 vừa qua. Giá khí bán buôn đốt ở Anh và Hà Lan cũng tăng mạnh.
Khí đốt của Nga chiếm tới 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay dao động trong khoảng 200 triệu – 800 triệu Euro/ngày.
“Đương nhiên Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí tự nhiên theo đúng khối lượng và giá cả đã được thỏa thuận trong các hợp đồng trước đây” – ông Putin nói trong một cuộc họp với các vị Bộ trưởng – “Những sự thay đổi chỉ ảnh hưởng tới đồng tiền thanh toán, sẽ được đổi thành đồng Rúp của Nga.”
Nga tung đòn thứ hai nhằm vào "lính đánh thuê" ở Ukraine: Su-35 ngày càng được sử dụng nhiều hơn
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã gọi yêu cầu của ông Putin là vi phạm hợp đồng và các bên mua khác cũng nêu quan điểm tương tự.
“Điều này sẽ cấu thành hành vi vi phạm các quy định thanh toán có trong các hợp đồng hiện tại” – một quan chức cấp cao trong chính phủ Ba Lan nói, thêm rằng Ba Lan không có ý định ký hợp đồng mới với Gazprom sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào cuối năm nay.
Các ngân hàng lớn hiện đang không muốn giao dịch bằng tài sản Nga, càng khiến cho đề nghị của ông Putin trở nên khó thực hiện.
Một phát ngôn viên của hãng khí đốt Eneco của Hà Lan – bên mua 15% khí đốt từ Wingas GmbH, một nhánh của tập đoàn Gazprom ở Đức – cho hay hợp đồng dài hạn của họ được thanh toán bằng đồng Euro. “Sẽ không có chuyện chúng tôi chấp nhận sự thay đổi”, người này cho hay.
Theo Gazprom, 58% doanh số bán khí đốt của họ sang châu Âu và các quốc gia khác tính đến ngày 27/2 được thỏa thuận thanh toán bằng đồng Euro. Các loại hàng hóa trên toàn thế giới chủ yếu được giao dịch bằng đồng USD và Euro.
Một số công ty, bao gồm các hãng dầu khí lớn như Eni, Shell, BP, RWE và Uniper hiện chưa đưa ra bình luận nào về yêu cầu của ông Putin.
Tổng thống Putin nói rằng chính phủ và ngân hàng trung ương có khoảng thời gian một tuần để đưa ra một giải pháp cho việc chuyển đổi đồng tiền thanh toán mua khí đốt sang đồng Rúp, và Gazprom sẽ chịu trách nhiệm đưa ra những thay đổi cho các hợp đồng mua bán.
“Các biện pháp mới của Nga có thể bị coi là một hành động khiêu khích và làm tăng khả năng các nước phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt nhằm ngành năng lượng của họ” – Liam Peach, nhà kinh tế học đến từ hãng Capital Economics, nhận định.
Ủy ban châu Âu từng nói họ có kế hoạch giảm sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga khoảng 2/3 trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga “trước năm 2030”. Thế nhưng, không giống như Mỹ và Anh, các nước EU vẫn chưa áp lệnh trừng phạt với ngành năng lượng của Nga. Hiện Ủy ban châu Âu vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề này.
Nga đã đưa ra một danh sách các quốc gia “không thân thiện” để phản ứng trước những nước áp lệnh trừng phạt với họ. Những hợp đồng làm ăn với các công ty và cá nhân đến từ những quốc gia này đều cần phải được một ủy ban chính phủ Nga phê duyệt. Những quốc gia này bao gồm Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Một số nước, như Mỹ và Na Uy, không hề mua khí đốt của Nga.
Mỹ hiện đang tham vấn với các đồng minh về vấn đề này và mỗi nước sẽ tự đưa ra quyết định, một quan chức Nhà Trắng cho hay. Mỹ hiện đã cấm nhập khẩu năng lượng Nga.