Lộ diện video lực lượng ly khai thân Nga sử dụng vũ khí nhiệt áp ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lực lượng vũ trang “Cộng hòa nhân dân Donetsk” tự xưng thân Nga ở Donbass, miền Đông Ukraine đã công bố video xác nhận họ đã sử dụng hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A ở thành phố Mariupol.
Dàn phóng vũ khí nhiệt áp TOS-1A đang phóng đạn (Ảnh: shutterstock).
Dàn phóng vũ khí nhiệt áp TOS-1A đang phóng đạn (Ảnh: shutterstock).

Phía Anh trước đó dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống vũ khí TOS-1A, một loại vũ khí hủy diệt thường được gọi là "bom chân không", đã được sử dụng ở Ukraine. Lực lượng vũ trang ly khai thân Nga đã công bố hình ảnh họ phóng bom chân không. Đây là lần đầu tiên những hình ảnh về thứ vũ khí này được sử dụng trong cuộc chiến tranh Ukraine được công khai

Bộ Quốc phòng Anh ngày 10/3 cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận hệ thống vũ khí TOS-1A được sử dụng tại Ukraine vào thời điểm đó, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Anh không cung cấp các đoạn video liên quan để chứng thực cho thông tin mà họ đưa ra.

Hình ảnh dàn phóng TOS-1A nã đạn vào Mariupol do lực lượng DPR công bố.

Tờ Daily Mail của Anh ngày 21/3 đưa tin, cơ quan truyền thông Nga Russia Today và “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” độc lập tự xưng (Donetsk People's Republic, DPR) thân Nga hôm 20/3 đã công bố video rất rõ nét vụ dàn TOS-1A phóng đạn. Bản tin cho biết dàn TOS-1A đang phóng đạn hướng tới thành phố cảng Mariupol miền nam Ukraine, là nơi đã liên tục bị pháo kích trong mấy ngày liền.

Dàn phóng TOS-1A có 24 ống phóng đặt trên khung gầm xe tăng T-72A.

Dàn phóng TOS-1A có 24 ống phóng đặt trên khung gầm xe tăng T-72A.

Tổng công ty Phát thanh truyền hình Anh (BBC) hôm 22/3 đã xác nhận tính xác thực của đoạn video, chỉ ra rằng lực lượng dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk do Nga hậu thuẫn đã phóng tên lửa nhiệt áp TOS-1A bên trong lãnh thổ Ukraine.

Đoạn video được DPR công bố cho thấy bệ phóng liên tiếp bắn hàng chục quả tên lửa nhiệt áp lên không trung, tạo ra những đám khói dày đặc trong không khí và gây đám cháy lan rộng trong đám cỏ ở mặt đất phía trước xe phóng sau khi khai hỏa.

Đây được cho là đoạn video rõ nét đầu tiên về việc đạn tên lửa nhiệt áp được sử dụng trong chiến tranh Nga - Ukraine.

Bản tin của Daily Mail chỉ rõ hệ thống vũ khí nhiệt áp (thermobaric weapon system), còn được gọi là "bom chân không" (vacuum bombs), có sức công phá mang tính hủy diệt mạnh hơn gấp bội so với thuốc nổ truyền thống. Tác dụng của nó chủ yếu được chia thành hai giai đoạn. Khi tên lửa phát nổ lần đầu tiên, nó sẽ phun xăng ra khu vực xung quanh, sau đó vụ nổ thứ hai làm bốc cháy xăng trong không khí.

Sơ đồ hoạt động của hệ thống vũ khí nhiệt áp TOS-1A (Ảnh: Dailymail).

Sơ đồ hoạt động của hệ thống vũ khí nhiệt áp TOS-1A (Ảnh: Dailymail).

Quá trình 2 giai đoạn này dẫn đến một vụ nổ lớn, sử dụng oxy xung quanh làm nhiên liệu để nổ thành quả cầu lửa và tạo ra một làn sóng xung kích cực lớn. Những quả cầu lửa như vậy có thể làm bốc hơi cơ thể người gần đó, trong khi sóng xung kích có thể phá hủy các kiến trúc và hủy hoại các cơ quan nội tạng của con người.

Tất cả các loại vũ khí nhiệt áp đều đã bị cấm theo Geneva Conventions (Công ước Geneva).

Các tư liệu công khai cho thấy, Hệ thống hỏa lực hạng nặng TOS-1 "Bratino" là một dàn ống phóng đạn hỏa tiễn cỡ 220mm nhiều nòng được Liên Xô phát triển trên khung gầm xe tăng T-72 (gồm hai loại: Dự án 634 /TOS-1M với 30 ống phóng, hoặc Dự án 634B / TOS-1A, 24 ống phóng). TOS-1 được thiết kế như một bệ phóng tên lửa tự hành bọc thép hạng nhẹ dùng để tiêu diệt đối phương trong các công sự ở những khu vực trống trải. Trận chiến đầu tiên của TOS-1 là ở Thung lũng Panjshir trong chiến tranh Liên Xô - Afghanistan 1988-1989. TOS-1 lần đầu tiên được xuất hiện công khai ở Omsk vào năm 1999.

Thành phố Mariupol ở miền Nam Ukraine bị tàn phá nặng nề (Ảnh: AP).

Thành phố Mariupol ở miền Nam Ukraine bị tàn phá nặng nề (Ảnh: AP).

TOS-1 hiện không được biên chế trong binh chủng Pháo binh quân đội Nga mà được trang bị và sử dụng bởi Lực lượng Phòng vệ Hạt nhân, Sinh học và Hóa học (CBRN).

Khái niệm về bệ phóng tên lửa tầm ngắn hạng nặng với đạn cháy và đầu đạn nhiệt áp bắt đầu có vào cuối những năm 1970. Vào đầu những năm 1980, Nhà máy Phương tiện Vận tải Omsk đã phát triển hệ thống chiến đấu này, bao gồm xe chiến đấu, đạn tên lửa và xe tiếp đạn và đặt tên là TOS-1. Hệ thống này được Liên Xô giữ bí mật suốt trong một thời gian dài.

TOS-1 có thể được sử dụng để tấn công các đơn vị quân đội, các công trình và công sự phòng ngự, xe chiến đấu kết hợp với bộ binh và xe tăng. Yêu cầu cao về phương tiện phóng và mức độ bảo vệ cao (tầm bắn tối thiểu 3.500 mét) đã khiến các nhà thiết kế lựa chọn khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và được trang bị thêm cần cẩu để nạp đạn cho dàn phóng.

Đạn nhiệt áp nổ tạo ra sóng xung kích rất mạnh (Ảnh: QQ).

Đạn nhiệt áp nổ tạo ra sóng xung kích rất mạnh (Ảnh: QQ).

Năm 2001, hệ thống TOS-1A cải tiến được đưa vào sử dụng. Tầm bắn của phiên bản nâng cấp này đã được tăng lên 6.000 mét và máy tính đạn đạo của nó cũng được nâng cấp.

Biệt danh "Bratino" của nó bắt nguồn từ phiên bản tiếng Nga của Pinocchio, xuất phát từ cái "mũi dài" của bệ phóng.

Hệ thống TOS-1A bao gồm các phần sau:

- Xe chiến đấu BM-1 dựa trên bệ phóng tên lửa không điều khiển 24 nòng trên khung gầm xe tăng T-72A. Thời gian phóng của mỗi loạt tên lửa từ 6-12 giây. Xe phóng được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực gồm máy tính đường đạn, ống ngắm quang học và máy đo xa laser 1D14. Các thiết bị tiêu chuẩn khác còn có thiết bị ngắm TKN-3A của chỉ huy, hệ thống dẫn đường GPK-59, đài R-163-50U và súng phóng đạn khói 902G. Kíp xe (khẩu đội) gồm 3 thành viên, tổng trọng lượng chiến đấu là 39 tấn.

- Hai xe tải TZM-T được trang bị một cần trục 10 kN với 3 thành viên sử dụng làm nhiệm vụ tiếp đạn.

- Đạn tên lửa NURS MO.1.01.04 và MO.1.01.04M. Đạn dài 3,3m và 3,7m, nặng 173kg và 217kg.

Hiện nay, ngoài Nga và lực lượng ly khai thân Nga ở Ukraine, nột số quốc gia cũng sở hữu loại vũ khí hủy diệt này là: Azerbaijan, Armenia, Iraq, Kazakhstan, Ả rập Xê-út, Syria và Algeria.