Tổng thống Biden gỡ bỏ lệnh cấm với TikTok và Wechat

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 9/6, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh mới gỡ bỏ lệnh cấm với TikTok và Wechat vốn được áp đặt trước đó bởi cựu Tổng thống Donald Trump.
Ảnh: The Verge
Ảnh: The Verge

Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ lệnh cấm với TikTok và WeChat vào ngày 9/6, CNBC đưa tin. Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden cũng đã ký một lệnh hành pháp yêu cầu xem xét lại các hoạt động thu thập dữ liệu trong các ứng dụng do chủ sở hữu nước ngoài sở hữu như TikTok và WeChat.

Được biết, trước đó ngày 6/8/2020 khi Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ, ông đã ban hành sắc lệnh cấm các công ty Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào với Tencent - tập đoàn sở hữu mạng xã hội WeChat, cũng như ByteDance - công ty mẹ của TikTok . Theo cáo buộc của cựu Tổng thống Trump, WeChat và TikTok tự động thu thập nhiều thông tin từ người dùng, và điều này có thể gây nguy hại cho công dân Mỹ.

Sắc lệnh của Tổng thống Biden sẽ thiết lập một khuôn khổ mới để xác định rủi ro an ninh quốc gia đối với các giao dịch liên quan đến các ứng dụng (bị cáo buộc) hợp tác với chính phủ hoặc quân đội của các nước đối thủ như Trung Quốc, hoặc những ứng dụng có thu thập dữ liệu nhạy cảm từ người dùng Hoa Kỳ.

Hiện tại, đại diện của TikTok và Tencent vẫn chưa đưa ra bình luận về động thái mới của Tổng thống Mỹ.

“Chính quyền cam kết sẽ thúc đẩy một mạng internet mở, có thể tương tác, đáng tin cậy và an toàn cũng như bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trực tuyến lẫn ngoại tuyến, cũng như hỗ trợ một nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết hôm 9/6.

“Thách thức mà chúng tôi đang phải giải quyết là một số quốc gia nhất định, như Trung Quốc, không cùng hợp tác mà thay vào đó họ đang nỗ lực tận dụng công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu người dùng Mỹ nhằm gây ra những rủi ro an ninh quốc gia”, quan chức này tiếp tục .

Sắc lệnh được ban hành hôm thứ 4 kêu gọi Bộ Thương mại và các cơ quan liên bang khác làm việc cùng nhau để đưa ra các đề xuất nhằm bảo vệ chống lại việc thu thập, bán và chuyển dữ liệu người tiêu nhạy cảm của Hoa Kỳ cho các quốc gia khác.

Bộ Thương mại dự kiến sẽ đưa ra các khuyến nghị về các hành động hành pháp và luật pháp trong tương lai để sớm giải quyết những mối quan ngại này.

Việc ký sắc lệnh mới của ông Biden diễn ra một ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi 250 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhằm đối phó với sự cạnh tranh của các đối thủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sắc lệnh mới này không đề cập đến các cuộc điều tra do Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) thực hiện. Dưới thời chính quyền Donald Trump, CFIUS đã đặt ra một số thời hạn để các ứng dụng như TikTok thoái vốn khỏi chủ sở hữu người Trung Quốc ByteDance. Trong vài tháng, Oracle được cho là sẽ mua TikTok để ngăn chặn lệnh cấm của chính quyền cũ, tuy nhiên thỏa thuận này đã không thành hiện thực.

Sắc lệnh hôm thứ Tư chỉ là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden nhằm giải quyết những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Tuần trước, ông Biden đã ký một sắc lệnh riêng nhằm mở rộng lệnh cấm đối với việc đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc (bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc). Lệnh này quy định cấm đầu tư vào 59 công ty trong danh sách, những công ty này được cho là tạo ra và triển khai công nghệ giám sát người dùng được sử dụng cho những mục đích quân sự.

Sắc lệnh được công bố khi ông Biden lên đường công du châu Âu và dự kiến Trung Quốc sẽ là một chủ đề quan trọng khi ông gặp các nước G7. Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hôm thứ Tư rằng sẽ mong đợi các sắc lệnh bổ sung chống lại Trung Quốc trong tương lai khi ông Biden thực hiện chuyến công du để gặp các nhà lãnh đạo của Nhóm G7, NATO và Liên minh châu Âu.

Theo The Verge