Joe Biden – Tổng thống "Làm lớn" và "Làm nhanh"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giáo sư Calvin Mackenzie, Đại học Colby, Hoa Kỳ nhận định riêng với VietTimes về 100 ngày đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã hứa sẽ triển khai tiêm được 100 triệu liều vắc-xin trong 100 ngày. Ảnh: Reuters
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã hứa sẽ triển khai tiêm được 100 triệu liều vắc-xin trong 100 ngày. Ảnh: Reuters

Joe Biden đặt mục tiêu trở thành một tổng thống của những chuyển đổi lớn. Những sáng kiến ban đầu của ông đã thể hiện một sự chia tay dứt khoát với kỉ nguyên bảo thủ vốn đã thống trị nền chính trị quốc gia kể từ thời Lyndon Johnson những năm 60 của thế kỉ trước.

Nhưng liệu ông có thành công? Liệu những thay đổi sâu rộng mà Biden đang tìm kiếm có trở thành luật và điều chỉnh mối quan hệ giữa người dân Mỹ và chính phủ của họ?.

Khi Franklin Roosevelt nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 3/1933, ông đã nhanh chóng bắt đầu các phản ứng chính sách công đối với cuộc suy thoái kinh tế lớn đang ảnh hưởng đến đất nước của mình.

Vào cuối một trăm ngày đầu nắm quyền, ông đã thuyết phục Quốc hội ban hành 15 đạo luật nhằm cải cách hệ thống ngân hàng và kinh tế nông nghiệp, cung cấp việc làm và cứu trợ tài chính cho một phần tư dân số không có việc làm và bắt đầu xây dựng nền tảng của một cuộc phục hưng kinh tế trong dài hạn. Hiệu suất lãnh đạo này gây kinh ngạc cả về tốc độ cũng như mức độ tác động sâu rộng.

Kể từ thời điểm đó, mọi tổng thống mới đều được đánh giá trong 100 ngày đầu nhậm chức nhưng không một ai có thể theo kịp những thành tựu của Roosevelt.

Roosevelt có những lợi thế mà rất ít người kế nhiệm ông có được. Vào thời của ông, tổng thống Hoa Kỳ có 4 tháng sau kì bầu cử để chuẩn bị nhiệm sở. Ngay sau đó, Hiến pháp được chỉnh sửa khiến tổng thống chỉ còn 75 ngày cho lễ nhậm chức.

Washington dưới thời Roosevelt có rất ít các nhóm lợi ích và lại càng không có truyền thông xã hội như hiện nay để làm cản trở bước tiến của lập pháp. Đảng của ông chiếm đa số áp đảo ở Lưỡng Viện Quốc hội, với 60% số ghế ở Thượng viện và 71% ở Hạ viện. Người dân Mỹ đang khát khao thoát khỏi cuộc đại suy thoái kinh tế.

Roosevelt, do đó, có sự hậu thuẫn của đông đảo người dân để thực thi những hứa hẹn đó.

Joe Biden, trái lại, không có được những lợi thế hiếm có này. Washington ngày nay đầy rẫy các nhóm lợi ích được tài trợ khủng, và truyền thông xã hội phân cực cao độ chiếm lĩnh các cuộc thảo luận của công chúng với các thông điệp liên tục và cứng rắn.

Mặc dù Đảng Dân chủ của Biden kiểm soát cả hai viện Quốc hội nhưng khoảng cách đó vô cùng mỏng manh.

Đó là chúng ta chưa tính đến hậu quả của việc Donald Trump từ chối thừa nhận kết quả bầu cử cũng như không cho phép quá trình chuyển giao quyền lực sang chính quyền mới diễn ra suôn sẻ.

Cố gắng so sánh 100 ngày đầu nhiệm sở của Biden với Franklin Roosevelt hay bất kì tổng thống tiền nhiệm nào, do đó, đều sẽ là một nỗ lực vô ích.

Ông cố ý từ chối sử dụng Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác để khuếch trương các diễn ngôn chính trị như Trump. Ảnh: Getty.

Ông cố ý từ chối sử dụng Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác để khuếch trương các diễn ngôn chính trị như Trump. Ảnh: Getty.

Nhưng Joe Biden có một lợi thế mà không một người tiền nhiệm nào sánh được. Ông nhậm chức tổng thống với vốn liếng kinh nghiệm làm việc trong chính quyền trung ương phong phú hơn bất kì một tổng thống nào trước đó: 36 năm với tư cách một Thượng nghị sĩ và 8 năm với tư cách Phó Tổng thống.

Ông hiểu rõ chính trị của Washington và biết phải làm thế nào để được việc. Ông đã bổ nhiệm vào bộ máy những nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, một sự thay đổi đáng kể so với chính quyền của Donald Trump.

Nhiệm kì tổng thống của Biden bắt đầu bằng một nỗ lực đầy quyết đoán để phân định rõ sự khác biệt với nhiệm kỳ của Trump.

Ông tham dự các lễ tưởng niệm hơn 500 ngàn người Mỹ thiệt mạng vì virus Covid trong những năm dưới thời Trump. Ông bắt đầu ngày đầu tiên ở nhiệm sở bằng hành động ra một loạt các sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược các chính sách của Trump.

Ông cố ý từ chối sử dụng Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác để khuếch trương các diễn ngôn chính trị như Trump đã làm. Như người Mỹ thi thoảng hay thích bảo nhau rằng: Biden đã chứng tỏ rất rõ rằng thành phố đã có một cảnh sát trưởng mới.

Làm Lớn và Làm Nhanh

Những hành động của Biden trong một trăm ngày đầu tiên được dẫn dắt bởi hai nguyên tắc ra quyết định chủ chốt: Làm Lớn và Làm Nhanh. Ông đã học được từ giai đoạn làm Phó Tổng thống dưới thời Obama rằng mọi nỗ lực vận động sự ủng hộ của Đảng Cộng hoà cho những sáng kiến táo bạo chỉ là một sự lãng phí thời gian.

Thay vì tìm kiếm đồng thuận lưỡng đảng với phe Cộng hoà ở Quốc hội – vốn không có một chút hứng thú với việc này, Biden dành thời gian tập trung và đã thành công trong việc gây dựng sự ủng hộ lưỡng đảng trong người dân Mỹ đối với các sáng kiến của ông.

Nghị trình của Biden trong chính sách đối nội khởi đầu với hai mục tiêu cơ bản: kiểm soát đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế. Ông nhanh chóng bổ nhiệm một đội đặc nhiệm bao gồm các chuyên gia nhằm phát triển, phê chuẩn và phân phối vaccine Covid.

Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã hứa sẽ triển khai tiêm được 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày. Trên thực tế, vào ngày thứ 100, số liều vaccine được tiêm đã gấp đôi mục tiêu ban đầu.

Nghị trình của Biden trong chính sách đối nội khởi đầu với hai mục tiêu cơ bản: kiểm soát đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế. Ảnh: Reuters.

Nghị trình của Biden trong chính sách đối nội khởi đầu với hai mục tiêu cơ bản: kiểm soát đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế. Ảnh: Reuters.

Để vực dậy một nền kinh tế đã bị tổn thương sâu sắc bởi đại dịch, ông đề ra “Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ”, theo đó chính quyền sẽ chi 1.9 nghìn tỉ USD theo nhiều cách để giúp các doanh nghiệp và trường học mở cửa trở lại và những người lao động thất nghiệp có thể sống sót.

Phe Cộng hoà chỉ trích đề xuất của ông là quá tốn kém; không một ai trong phe Cộng hoà ở cả Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu đồng ý với kế hoạch này.

Tuy nhiên, thế đa số mỏng manh của Biden đã phát huy tác dụng, và ông chính thức kí ban hành dự thảo thành luật vào ngày 11/3/2021, chưa đầy 2 tháng sau khi nhậm chức. Đó là gói chi tiêu lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đó cũng chỉ là bước đi đầu tiên trong nghị trình đầy tham vọng của Biden. Trong nhiều tuần tiếp theo, ông đã giới thiệu “Kế hoạch Việc làm cho người Mỹ”, theo đó Mỹ sẽ tiến hành xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp các trường học được nâng cấp, nhà ở với giá cả phải chăng và nhiều lợi ích khác.

Chương trình này sẽ tiêu tốn hơn 2 nghìn tỉ USD.

Đi kèm với chương trình này là “Kế hoạch Gia đình Mỹ” mà ông gọi là “khoản đầu tư duy nhất trong một thế hệ” vào giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc trẻ em nhằm cung cấp một nền tảng cho sự thịnh vượng lâu dài của các gia đình trung lưu. Chi phí của Kế hoạch Gia đình là 1,8 tỉ USD.

Cả Kế hoạch Việc làm lẫn Kế hoạch Gia đình đều chưa được Quốc hội thông qua và Tổng thống Biden sẽ còn phải vượt qua vô số rào cản để các kế hoạch của ông được chuẩn y. Ông cũng đã đề xuất tăng đáng kể mức thuế thu nhập đánh vào những người giàu nhất nước Mỹ - những ai kiếm được hơn 400 nghìn USD mỗi năm sẽ phải chi trả cho những chương trình này.

Các kế hoạch của Biden, vì vậy, sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt về chi phí, mục đích cũng như mức tăng thuế. Không gì là dễ dàng trong chính trị Mỹ.

Nhưng có một điều chúng ta nên rõ ràng. Joe Biden đặt mục tiêu trở thành một tổng thống của những chuyển đổi lớn. Những sáng kiến ban đầu kể trên đã thể hiện một sự chia tay dứt khoát với kỉ nguyên bảo thủ vốn đã thống trị nền chính trị quốc gia kể từ thời Lyndon Johnson những năm 60 của thế kỉ trước.

Nhưng liệu ông có thành công? Liệu những thay đổi sâu rộng mà Biden đang tìm kiếm có trở thành luật và điều chỉnh mối quan hệ giữa người dân Mỹ và chính phủ của họ?

Hay phải chăng đây không phải là một kỉ nguyên mới mà chỉ là một bình minh giả? Một trăm ngày không thể cho chúng ta các câu trả lời rõ ràng. Chúng ta sẽ cần theo dõi hàng trăm ngày sắp tới để có thể đánh giá đầy đủ về chính quyền của Biden./.

Calvin Mackenzie là Giáo sư Chính trị học tại Đại học Colby, Hoa Kỳ.

Ông là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam và là một học giả Fulbright tại Hà Nội năm 2012.

Giáo sư Mackenzie đã trở lại Việt Nam nhiều lần.