Ông Hoàng Ngọc Giao - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hiện nay VN có hàng loạt hội đoàn như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Người cao tuổi, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Luật gia, Liên minh các hợp tác xã VN…
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, Hiến pháp quy định công dân VN có quyền lập hội. Và thực tế, dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Giao cho biết tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng.
Theo ông Giao, con số trên là cao hơn dự toán ngân sách năm 2016 dành cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (khoảng 11.000 tỉ), cao gần gấp đôi ngân sách dành cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế…
Đặc biệt, ông Hoàng Ngọc Giao cho biết nghiên cứu trên đã nêu nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng.
“Kinh phí trên là tính cả chi phí cơ hội, như Tổng liên đoàn Lao động VN có hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn…” - ông Giao nói.
Trong khi đó, theo tờ trình Luật về hội của Chính phủ gửi lên Quốc hội thì Chính phủ cho biết tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương). Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế.
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, quyền lập hội theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước chưa được quy định cụ thể theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức hội được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động. Ông Giao đánh giá dự thảo Luật về hội do Bộ Nội vụ soạn thảo chưa thể hiện những giải pháp nhằm giảm thiểu xu thế bao cấp kinh phí với các hội do Đảng, Nhà nước thành lập.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm (nguyên vụ trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ) cũng có tham luận tại hội thảo với tư cách chủ tịch hội đồng Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững đã thẳng thắn cho biết giờ nghỉ hưu, ông nói có thể khác so với thời đương chức.
Theo ông Lâm, Luật về hội đã được xây dựng vào đầu năm 1990 của thế kỷ trước nhưng sau 20 năm chưa ban hành được. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân “chúng ta chưa nhận thức rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ”. Để luật lần này “đi đến đích” trong Quốc hội khóa XIV, ông Lâm kiến nghị: nâng cao nhận thức vì phát triển hội thực chất là phát triển các tổ chức của dân, thực hiện quyền làm chủ của dân.
Ông Lâm đề nghị cần nghiên cứu toàn diện về hội và các tổ chức phi chính phủ của VN để đánh giá chính xác về số lượng, các chính sách cũng như hiệu quả hoạt động… của các hội, lấy đó làm cơ sở xây dựng Luật về hội.
Theo Tuổi trẻ