Hiện, cổng thông tin điện tử của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – cơ quan được cho là sẽ chủ trì lễ tang cấp cao đối với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vẫn chưa có thông tin về việc này.
Tuổi trẻ cho biết, tang lễ cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sẽ được cử hành từ 11h15 đến 12h45 ngày 14/11 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, theo nghi thức lễ tang cấp cao, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) trong cùng ngày.
Gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã sống cuộc đời mẫu mực và hết lòng vì tổ quốc.
Gia đình của hai cụ không những đã hiến tặng 5.147 lượng vàng, vận động, quyên góp 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng vực dậy ngân khố quốc gia đang trống rỗng sau khi giành chính quyền ngày 19/8/1945.
Mà, gia đình hai cụ còn dùng nhà riêng tại số 48 Hàng Ngang làm nơi cho cán bộ cách mạng làm việc. Tại căn nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, để khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Triết lý kinh doanh của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả".
Hiện nay, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách: “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”, nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô.