Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BS. Nguyễn Hồng Hà cho hay: Khi nhập viện, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị D, 23 tuổi, sống tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được xác định nhiễm nCoV có tình trạng sức khỏe ổn định. Trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Ch., 29 tuổi, sống tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, phát hiện bệnh vào ngày 21/1 đang được các bác sĩ tích cực điều trị, theo dõi, bệnh tình chưa có gì bất thường.
Hiện cả 2 bệnh nhân nhiễm nCoV đều đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh để cách ly, điều trị.
Từ sáng, rất đông người dân đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám bệnh. Ảnh: Minh Thúy
|
Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – người dân không nên quá hoang mang vì Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp. Bản chất của nCoV mới này vẫn là chủng từng gây ra SARS-CoV (năm 2003) và MERS-CoV (2017).
Bệnh viêm phổi cấp do nCoV nguy hiểm ở chỗ thời gian ủ bệnh kéo dài, không có triệu chứng lâm sàng, chưa khẳng định được việc bệnh lây trong thời gian ủ bệnh. Đáng chú ý, bất cứ người nào cũng có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV vì chủng virus này lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp và qua giọt bắn.
Để chủ động phòng bệnh, người dân nên thường xuyên đeo khẩu trang – vũ khí cơ học ngăn chặn virus, đồng thời, hạn chế tụ tập, đi lại tránh nguy cơ bệnh có thể lây lan nhanh ra cộng đồng.
ThS. BS. Nguyễn Hồng Hà cũng nhấn mạnh: So với dịch SARS-CoV (2002), nCoV có mức độ lây lan nhan ra cộng đồng, không chỉ lây lan ra bệnh viện mà còn lây lan ra cộng đồng. Hiện, Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh viêm đường hô hấp do nCoV. Do đó, việc phòng bệnh trong thời điểm này là vô cùng quan trọng.
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là đeo khẩu trang để ngăn virus xâm nhập vào cơ thể qua các giọt bắn, người dân nên đeo khẩu trang đúng cách, tránh tiếp xúc vào mặt ngoài của khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh đưa tay lên mắt, miệng.