Quốc hội là cơ quan làm luật ở nước ta, hiện nay chúng ta đang chuẩn bị các bước cho cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 15. Nhân dịp này tôi muốn chỉ ra cho thấy một thực trạng mà nếu khắc phục được sẽ nâng cao vị thế và sự tín nhiệm của người dân dành cho Quốc hội.
Vấn đề nằm ở chỗ thực thi các quy định pháp luật. Quốc hội là cơ quan làm luật, bên cạnh các điều luật thông thường có tác dụng điều chỉnh ổn định các quan hệ xã hội, thì còn có những điều luật đặc biệt, chứa đựng trong đó những giá trị lớn, là kết quả của những chuyển biến nhận thức, là thành tựu của quá trình phát triển và biến đổi giá trị đời sống xã hội, nhưng nhiều trong số đó lại chậm, kém được thực thi.
Tôn trọng và bảo vệ quyền con người
Xuất phát từ những yêu cầu về hội nhập quốc tế và xây dựng vị thế đất nước, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Bộ luật tố tụng hình sự mới vào năm 2015, trong đó quy định một nguyên tắc mới quan trọng tại Điều 8 về tôn trọng bảo vệ quyền con người.
Đây là một bước tiến bộ lớn khi so với Bộ luật tố tụng hình sự cũ có từ năm 2003, luật cũ khi đó chỉ quy định nguyên tắc về bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Từ bước chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân đến bước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đó đã là một sự thay đổi lớn theo hướng hội nhập và trân trọng đề cao giá trị quyền con người.
Nội dung cụ thể của điều luật mới như sau:
Điều 8. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết.
Khi Bộ luật tố tụng hình sự đã chuyển đưa tinh thần của các nhà làm luật thành quy định như vậy thì các hoạt động tố tụng tư pháp liên quan cũng cần quán triệt thực hiện cho đúng. Từ điều luật mang tính nguyên tắc này, nhiều chế định pháp lý đi kèm với đó sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ dành cho các quyền con người, quyền công dân.
Nếu các chế định mới đó được thực thi nghiêm túc, sẽ tạo ra những kết quả là sự biến đổi diện mạo của nền tư pháp, qua các vụ án sẽ dẫn lối cho dòng chảy pháp lý nhân văn thấm đẫm tinh thần nhân bản của luật pháp vào trong đời sống xã hội.
Quốc hội khóa 13 đã ban hành Bộ luật tố tụng hình sự mới vào năm 2015, trong đó quy định một nguyên tắc mới quan trọng tại Điều 8 về tôn trọng bảo vệ quyền con người. |
Vậy nhưng đáng tiếc, qua theo dõi thực tế, tinh thần tôn trọng và bảo vệ quyền con người chưa được coi trọng thi hành trong thực tế. Bởi lẽ trong các quyền con người thì quyền được sống là quyền tối thượng quan trọng nhất. Nhưng chỉ trong năm 2020 chúng ta đã chứng kiến rất nhiều bản án tử hình được tuyên ra. Ví như hồi tháng 6/2020, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xử án tử hình đối với sáu bị cáo trong vụ án sát hại nữ sinh giao gà ở tỉnh Điện Biên.
Hay như hồi tháng 9/2020, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên hai bản án tử hình trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Hay như mới đây, vào tháng 1/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông đã tuyên án tử hình đối với một nguyên Bí thư đảng ủy xã trong một vụ án mà hành vi bị cáo buộc là giết người đốt xác trên xe ô tô.
Và nhiều bản án khác chưa được liệt kê, qua đó cho thấy tinh thần tôn trọng và bảo vệ quyền con người chưa được coi trọng thi hành trong thực tế. Với mật độ án tử hình nhiều như vậy mà không thuyên giảm, liệu đến khi nào chúng ta mới có thể tiến tới bãi bỏ án tử hình như quốc tế họ đang thúc giục. Hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít các nước duy trì hình phạt án tử hình, rất nhiều nước đã bãi bỏ, ngay như đất nước Campuchia láng giềng với nước ta, họ đã bãi bỏ án tử hình từ năm 1989.
Khi tinh thần nhân đạo của luật pháp kém được thực thi ghi nhận, sẽ làm ảnh hưởng tới tình cảm của người dân dành cho cơ quan làm luật. Ngoài ra là ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, bởi các nước họ nhìn vào số lượng án tử hình để đánh giá tính nhân đạo của hệ thống pháp luật của một nước, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới những cơ hội bang giao đầu tư thương mại.
Với việc Bộ luật tố tụng hình sự mang tinh thần coi trọng bảo vệ quyền con người thì đòi hỏi việc giải quyết các vụ án cần giảm đi số án tuyên tử hình. Song quan điểm làm án của các giới tư pháp có vẻ như chưa có sự thay đổi đáng kể nào kể từ khi áp dụng luật cũ cho tới khi có luật mới hiện nay. Quan điểm giải quyết các vụ án hiện nay vẫn chưa coi trọng quyền con người ở mức cần có và chưa đáp ứng được những thay đổi mà tình hình đất nước hội nhập hiện nay đòi hỏi.
Cần trân trọng thực thi
Cũng xuất phát từ đường lối quan điểm lớn của Quốc hội đối với hệ thống pháp luật về hội nhập quốc tế, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định việc hỏi cung bị can phải được ghi âm ghi hình lại, để đảm bảo các quyền con người trong tố tụng hình sự, giúp nâng cao chất lượng xử lý giải quyết các vụ án trên cơ sở áp dụng các thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Cụ thể, khoản 6 Điều 183 quy định về Hỏi cung bị can như sau:
“Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Mặc dù quy định đã có từ năm 2015 nhưng việc triển khai lại chậm trễ. Mãi đến năm 2018 liên ngành tư pháp trung ương mới ban hành Thông tư số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, trong đó đã ấn định thời hạn chót: “Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc”.
Vậy nhưng thực tế đến nay quy định này vẫn chậm trễ được quán triệt thi hành, đơn cử như vụ án xảy ra ở Đăk Nông nêu trên xảy ra vào tháng 5/2020 mà quá trình điều tra cũng không được thực hiện biện pháp ghi âm ghi hình. Điều này khiến cho khi bị can có sự thay đổi lời khai thì lại khiến những nghi ngờ khúc mắc khó có cơ sở để giải đáp. Điều này cho thấy quy định pháp luật chưa thực sự được tuân thủ làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các vụ án.
Cùng với xu hướng pháp luật tiến bộ nhân văn, Bộ luật tố tụng hình sự mới cũng quy định mở rộng về các trường hợp phải có luật sư bào chữa, nếu bị can không mời thì cơ quan tư pháp phải chỉ định luật sư. Trong khi Bộ luật tố tụng hình sự cũ năm 2003 chỉ quy định phải có luật sư chỉ định cho bị can trong những vụ án có khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình, thì Bộ luật tố tụng hình sự mới năm 2015 quy định mở rộng thêm các trường hợp bị cáo phạm tội ở khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Đây cũng là một tiến bộ của pháp luật nhằm đảm bảo tốt hơn quyền có luật sư của bị can, để hệ thống pháp luật tiệm cận với khung khổ tư pháp tiến bộ các nước trên thế giới. Vậy nhưng trong nhiều vụ án việc đảm bảo quyền bào chữa không được thực hiện một cách chặt chẽ, bị can phải khai báo nhiều lần rồi thì mới có luật sư, theo đó quy định pháp luật đã bị thực thi một cách tùy nghi lỏng lẻo khi không có luật sư tham gia ngay từ đầu.
Trên đây là những nội dung nhằm chỉ ra cho thấy, để nâng cao vị thế và sự tín nhiệm của người dân dành cho Quốc hội, thì cần đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật mà Quốc hội đã ban hành, nhất là các quy định pháp luật mang nhiều giá trị ý nghĩa tiến bộ, có ảnh hưởng sâu rộng tới cảm thức công lý của dân chúng, từ đó tạo khả năng làm biến đổi bộ mặt diện mạo đời sống xã hội.
Làm được việc đó chính là những việc làm thiết thực củng cố lòng tin của người dân dành cho Quốc hội.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu