Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh, thế hệ 5X, 6X đã tạo ra Viettel, đưa Viettel đến với ngày hôm nay. Thế hệ 7X, 8X, 9X đang viết tiếp lịch sử của Viettel. Hãy để thế hệ sau có thể tiếp tục làm nên những chương mới thay vì đọc lại ánh hào quang đã trở thành quá khứ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một minh chứng hùng hồn về một tập đoàn hùng mạnh nhưng đã lùi tàn chỉ trong vài năm:
“Chỉ cách đây vài ngày, Nokia vừa công bố chính thức bán nốt phần còn lại cho Microsoft. Đế chế vốn được coi là công ty đáng giá nhất Châu Âu với giá trị vốn hoá thị trường lên tới 300 tỷ USD, từng nắm giữ gần 40% thị phần điện thoại di động trên thế giới, từng hiện hữu một cách kiêu hãnh ở 150 quốc gia. Đế chế ấy đã sụp đổ hoàn toàn, ngay trước mắt chúng ta. CEO của Nokia đã nói trong giờ phút cuối cùng “chúng tôi không sai, nhưng chúng tôi thất bại”.
Những giọt nước mắt và lời ân hận muộn màng ấy có gợi cho những người ngồi đây ngày hôm nay điều gì không? Phải chăng cái chết đến vào lúc chúng ta đang ngủ quên trên chiến thắng chưa bao giờ là chuyện cổ tích? Phải chăng nếu chúng ta không kịp thay đổi, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi cho dù chúng ta có to lớn, vĩ đại đến đâu chăng nữa? Phải chăng nếu suy nghĩ, tư duy và cách tiếp cận của chúng ta không bắt kịp thời đại, cứ bám víu vào những cách làm, kinh nghiệm vốn mang lại thành công trong quá khứ, chúng ta cũng lập tức bị hất văng khỏi thế giới này, không một chút thương tiếc?
Tự mình thay đổi và không ngừng hoàn thiện bản thân cũng giống như cho mình cơ hội thứ hai vậy. Những ai từ chối cơ hội học hỏi và hoàn thiện chính mình, chắc chắn một ngày nào đó không xa, họ sẽ bị vứt bỏ ngay trên những chiến thắng mà họ đã ra sức gây dựng. Họ sẽ vẫn rút ra được bài học cho chính mình nhưng bằng cách vô cùng chua chát và đau đớn vì đã quá muộn để thay đổi mọi thứ”.
Theo đó, tổng giám đốc Viettel cũng truyền đi thông điệp cho 50.000 nhân viên: “Từng cá nhân hãy vượt lên chính mình để bứt phá thành công! Đây chính là thông điệp thi đua năm 2016 của Tập đoàn chúng ta. Vượt lên chính mình thực chất là đổi mới mình. Hãy bỏ lại sau mình những thành công, hãy không bám víu vào quá khứ để khởi tạo một việc mới”.
Thế nhưng, để tái tạo ra một Viettel mới, Viettel 2.0, Tổng giám đốc Viettel cho rằng cần lấy lại tinh thần khởi nghiệp như những năm 2000 khi Viettel làm VoIP, những năm 2004, 2005 khi Viettel làm di động.
Người Viettel hãy mang trong mình “tinh thần Rowan”.
Andrew Summers Rowan
Vậy, tinh thần Rowan mà Tổng giám đốc Viettel nói đến là gì? Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây.
“Bức thông điệp gửi Garcia” là tên một bài báo của Elbert Hubbard được đăng trên Tạp chí Philistine vào cuối tháng 2/1899, sau đó được in lại trên nhiều tờ báo khác, xuất bản thành sách, dựng phim và được dịch ra 37 ngôn ngữ trên thế giới.
Trong chiến tranh Nga – Nhật, mỗi người lính Nga đều mang theo bên mình “Bức thư gửi Garcia” như một lá bùa khiến người Nhật phải tò mò dịch ra. Không lâu sau, Nhật Hoàng ra lệnh in và gửi bài viết này cho các công chức, quân nhân trên toàn nước Nhật.
Câu chuyện trong bài báo xảy ra cách đây 115 năm, khi cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt. Một nhiệm vụ cấp thiết là làm sao để phía Mỹ liên lạc được với lãnh tụ của nhóm nổi dậy chống lại sự thống trị của người Tây Ban Nha, tướng Garcia, đang đóng quân trong vùng rừng rậm Cuba.
Trong tình hình đó, có người mách với Tổng thống Mc Kinley rằng chỉ có Rowan, một nhân viên trong văn phòng Tổng thống mới có thể mang thư của Tổng thống đến cho tướng Garcia. Dù chưa từng gặp mặt, cũng không biết chính xác Garcia đang ở đâu, nhưng khi được giao nhiệm vụ, Rowan lập tức lên đường, không hề băn khoăn, do dự hay yêu cầu điều kiện gì.
Sau ba tuần tự lo liệu cho chính mình, lúc thì lênh đênh trên biển với chiếc thuyền nhỏ, vượt suối, băng rừng, cuối cùng Rowan đã đưa được lá thư đến tận tay tướng Garcia. Câu chuyện chỉ như vậy, nhưng trong đó hàm chứa một bài học thâm thúy về tinh thần trách nhiệm và tinh thần tháo vát.
Cảm kích trước tinh thần trách nhiệm, tấm gương tận tụy của Rowan, nhà báo Elbert Hubbard, biên tập viên hai Tạp chí Philistine và The Fra đã viết bài báo có tựa đề “A message to Garcia – Thông điệp gửi Garcia” . Đó cũng là dịp để ông bày tỏ niềm trăn trở bấy lâu nay của ông về tính thụ động, ích kỷ , lòng ghen tị,… của con người. Hubbard còn đề nghị khắc tên Rowan vào bia đá, bảng vàng, tạc tượng và đặt khắp các trường học trên cả nước.
Bài báo sau đó đã được in lại trên nhiều tờ báo khác, xuất bản thành sách, dựng phim,… và được dịch ra 37 ngôn ngữ trên thế giới. Người ta kể lại rằng, trong chiến tranh Nga – Nhật, mỗi người lính Nga đều mang theo bên mình “Bức thư gửi Garcia” như một lá bùa khiến người Nhật phải tò mò dịch ra.
Không lâu sau Nhật Hoàng ra lệnh in và phát bài viết này cho các công chức, quân nhân trên toàn nước Nhật. Đặc biệt, bài viết được ưa chuộng đến mức được đúc kết thành câu nói tiêu biểu mà các chủ doanh nghiệp ở Mỹ hay sử dụng giữa thế kỷ XX: “Đừng hỏi gì cả, làm việc đi!” (Don’t ask question, get the job done).
CEO Viettel hối thúc nhân viên vững tinh thần khởi nghiệp
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz