Bất ngờ bị báo chí phanh phui
Vào một ngày bình thường năm 2016, một bài báo có tựa đề "Tập đoàn Xinwei che giấu khoản nợ khổng lồ, người đàn ông bí ẩn rút tiền rời bỏ sân chơi" được lan truyền như một tiếng sét nổ giữa trời quang. Bài báo này đã tiết lộ bí mật đằng sau cái gọi là thành công kinh doanh của Vương Tịnh và Tập đoàn Xinwei.
Bài báo chỉ ra rằng Tập đoàn Xinwei không dựa vào các hoạt động kinh doanh chính thức để đạt được lợi nhuận, mà dựa vào đầu tư xã hội và các khoản vay nhà nước để có được bề ngoài thịnh vượng. Các dự án của nó, bao gồm cả dự án “Kênh đào Nicaragua” nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương khiến Vương Tịnh trở nên nổi tiếng, chẳng qua chỉ là những lời hứa suông, không có tiến triển thực tế.
Vương Tịnh từng tuyên bố có hơn 1.000 nhân viên tham gia vào dự án kênh đào Nicaragua. Tuy nhiên, thực tế là dự án chỉ xây dựng được 11 km đường rải đá mang tính tượng trưng, chỉ có hơn 30 công nhân làm việc ở hiện trường, thậm chí họ còn không làm việc một cách nghiêm túc. Dự án đầu tư nhanh chóng rơi vào đình trệ, công nhân địa phương tới tấp bỏ việc vì không được trả lương. Điều này khiến chính phủ Nicaragua khốn đốn.
Bài báo đề cập rằng dự án Nicaragua Grand Canal đã không được tiến hành như kế hoạch, thậm chí còn bị con trai của Tổng thống Nicaragua công khai chỉ trích. Dự án này nhanh chóng trở thành một dự án ma điển hình.
Ngay sau khi được đăng tải, bài báo đã lập tức dập tắt hào quang của Tập đoàn Xinwei. Đế chế kinh doanh do Vương Tịnh dày công xây dựng hóa ra chỉ là một lâu đài không móng xây trên cát, và các nhà đầu tư bỏ tiền vào công ty này trở thành những kẻ thua cuộc trong một canh bạc lớn.
Sau này người ta mới phát hiện ra rằng, một số cổ đông lớn của Xinwei đã nhanh tay bán ra khi giá đạt đỉnh đều là những người có quan hệ thân thiết với Vương Tịnh hoặc đã biến mất cùng với ông ta.
Thân thế khó tin của “doanh nhân bí ẩn” Vương Tịnh
Vương Tịnh, người trước đây chưa được ai biết đến, đột nhiên xuất hiện như một ngôi sao. Những người hàng xóm cho biết trước đây ông từng làm việc tại một trung tâm tắm gội dưỡng sinh, và một số người suy đoán Vương Tịnh là “nhân viên lễ tân” (ý nói đại diện) của một cơ quan chính phủ quan trọng hoặc là con cháu của một quan chức cấp cao nào đó.
Vương Tịnh nói bản thân chỉ là một công dân Trung Quốc rất bình thường: "Tôi có xuất thân cực kỳ bình thường. Tôi sinh ra ở Bắc Kinh năm 1972 và lớn lên ở đó. Tôi không phải là ‘quan nhị đại’ hay ‘phú nhị đại’. Tôi hiện đang sống cùng mẹ, em trai và con gái”.
Theo thông tin được báo chí phanh phui sau đó, Vương Tịnh sinh năm 1972 ở Bắc Kinh, cha mẹ đều là công nhân bình thường. Ông ta không được hưởng nguồn tài nguyên giáo dục đặc biệt ưu việt và điểm thi tuyển sinh đại học không có gì nổi trội, vì vậy đã vào học Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc ở Giang Tây.
Nhưng Vương Tịnh dường như không muốn là người bình thường nên đã chọn bỏ học và bắt đầu kinh doanh khi còn đang học đại học.
Dự án kinh doanh đầu tiên của ông có tên là "Công ty Dưỡng sinh Xương Bình Bắc Kinh", và hoạt động thực chất là dịch vụ tắm gội, massage. Nhưng Vương Tịnh rất giỏi đề cao bản thân. Ông ta tự mô tả mình là một chuyên gia về dưỡng sinh y học cổ truyền Trung Quốc.
Bằng cách bán các khóa học về dưỡng sinh và các sản phẩm thực phẩm chức năng khác nhau, Vương Tịnh đã sử dụng các phương pháp tiếp thị độc đáo và kỹ năng giao tiếp có sức thuyết phục của mình để kiếm được “hũ vàng đầu tiên” ở trung tâm tắm gội, tích cóp được số vốn ban đầu cho hành trình kinh doanh sau này của mình.
Với giới truyền thông, Vương Tịnh khoe khoang rằng ông đã đầu tư khai khoáng ở Đông Nam Á và sở hữu nhiều mỏ vàng, kali và đá quý. Trong số đó, mỏ vàng ở Campuchia trị giá tới 5 tỉ USD.
Sau khi những lời nói dối của Vương Tịnh bị vạch trần, ông ta đột nhiên biến mất, khiến cho giá cổ phiếu của Tập đoàn Xinwei sụp đổ. Được biết, trong cuộc khủng hoảng này, khoảng 150.000 cổ đông đã bị thiệt hại nghiêm trọng, với mức trung bình là 230.000 NDT (805 triệu đồng) mỗi người và nhiều người trong số họ khuynh gia bại sản.
Nghiêm trọng hơn, Vương Tịnh còn lợi dụng tầm ảnh hưởng và các dự án hư cấu để vay vốn tới 28 tỉ NDT từ Ngân hàng nhà nước. Khoản tiền khổng lồ này không chảy vào bất kỳ dự án nào có thể tạo ra lợi nhuận, mà thực chất đổ vào một cái hố không đáy.
Tập đoàn 200 tỉ NDT bị tuyên bố phá sản
Tối 18/4, Chứng khoán Haitong, nhà môi giới tài chính của Tập đoàn Xinwei, đã đưa ra thông báo cảnh báo rủi ro. Thông báo cho thấy quản trị viên của Tập đoàn Xinwei ngày 11/4 đã nhận được "Phán quyết dân sự" từ Tòa án nhân dân trung cấp số 1 Bắc Kinh. Theo đó, tòa án ngày 9/4 đã ra tuyên bố công ty Xinwei chính thức phá sản.
Tòa án Nhân dân Bắc Kinh cho rằng Tập đoàn Xinwei không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn và tài sản của tập đoàn không đủ để trả hết các khoản nợ. Không có ai nộp đơn xin tái cơ cấu hoặc hòa giải nên tòa ra phán quyết công ty phá sản theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 12/2023, quyết định xử phạt hành chính của Cục Điều tiết Chứng khoán Bắc Kinh cho thấy Tập đoàn Xinwei đã có hành vi gian lận tài chính trong nhiều năm.
Cục Quản lý Chứng khoán Bắc Kinh quyết định ra lệnh cho Tập đoàn Xinwei phải cải chính, cảnh cáo và phạt tiền 9 triệu NDT; Vương Tịnh, người kiểm soát thực tế của Tập đoàn Xinwei, bị cảnh cáo và phạt 15 triệu NDT; Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Dư Nhuế và Lưu Vận, Phó chủ tịch, bị cảnh cáo và phạt mỗi người 1,5 triệu NDT.
Có tin cho rằng Vương Tịnh đang lẩn trốn ở đâu đó trên đất Mỹ, nhưng mọi nỗ lực truy tìm vẫn chưa có kết quả.
Những thủ đoạn khác người của Vương Tịnh - "Trùm lừa đảo" tài chính Trung Quốc
Theo Sohu, Sina, Caixin