Tối ngày 19/4, gần 3 năm sau khi bị đình chỉ niêm yết, Tập đoàn Xinwei (Tín Vi), từng có giá trị vốn hoá thị trường trên 200 tỉ NDT, đã chính thức phá sản.
Vương Tịnh (Wang Jing), người kiểm soát thực tế của Tập đoàn Xinwei, có lẽ là người giàu bí ẩn nhất trong lịch sử kinh doanh Trung Quốc. Không ai biết lai lịch thực sự, trình độ học vấn và trải nghiệm làm ăn của ông ta. Ngay khi xuất hiện, Vương Tịnh đã “khoác lên mình chiếc áo choàng đầy ngọc quý”, nhưng không ai biết bên trong có gì.
Từ ông chủ một trung tâm dịch vụ tắm gội đến trở thành một đại gia giàu có hàng đầu trong danh sách của Forbes, rồi đến "phóng vệ tinh" bay vòng quanh thế giới, khai thác vàng, đào kênh ở Nicaragua...Khối tài sản cá nhân của Vương Tịnh dần mở rộng lên 48 tỉ NDT cùng với bản đồ kinh doanh như câu chuyện thần thoại.
Dưới sự lãnh đạo của Vương Tịnh, sau khi thua lỗ 26 tỉ NDT trong 4 năm, Tập đoàn Xinwei đã sụp đổ. Vương Tịnh, kẻ đã gây nên “thảm họa” cho 150.000 cổ đông, đã biến mất khỏi thị trường.
Thủ đoạn "biến đá thành vàng"
Tập đoàn Xinwei, tiền thân là Beijing Zhongchuang Telecom Test (ZCTT), được thành lập tháng 11/1995 và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tháng 7/2003. Ban đầu nó là công ty con của doanh nghiệp trung ương Datang Telecom.
Xinwei đã liên tiếp tạo ra ba tiêu chuẩn công nghệ truyền thông không dây lớn trong nước và quốc tế là SCDMA, TD-SCDMA và McWiLL. Đặc biệt, hệ thống “Dalingtong” (Onestep beyond) được phát triển dựa trên SCDMA đã giúp các nhà khai thác mạng cố định triển khai các dịch vụ liên lạc di động. Lý Thế Hạc (Li Shihe), Chủ tịch đầu tiên của Xinwei, từng được mệnh danh là "Cha đẻ của 3G Trung Quốc".
Sau đó, với sự ra đời của kỷ nguyên 4G, ZCTT gặp phải những trở ngại về mặt kỹ thuật, đã đứng trước bờ vực phá sản vào năm 2010. Lúc này, một người đàn ông xuất hiện, đó chính là Vương Tịnh. Người đàn ông 38 tuổi này đã bỏ ra 130 triệu NDT để mua lại ZCTT.
Sau khi tiếp quản, Vương Tịnh đã đưa doanh nghiệp viễn thông đứng trên bờ vực phá sản này sang Campuchia. Năm 2011, Xinwei tuyên bố đã ký hợp đồng 3 tỉ NDT với một công ty Campuchia. Để nhanh chóng thu hồi số tiền giao dịch, Xinwei đã dùng cổ phiếu và tài sản của mình thế chấp, sau đó công ty Campuchia dùng số tiền này để trả cho Xinwei.
Đây là các cách kiếm tiền của Vương Tịnh: 1. Ký hợp đồng mua bán; 2. Sau đó Xinwei đóng vai trò là người bảo lãnh và yêu cầu ngân hàng cung cấp các khoản vay cho công ty Campuchia; 3. Công ty Campuchia này dùng vốn vay để mua thiết bị Xinwei. Vì vậy, doanh thu mà Xinwei có được thực chất là tiền đi vay ngân hàng.
Sử dụng cách chuyển tiền từ tay trái sang tay phải này, công ty Campuchia đã tạo ra doanh thu lần lượt là 992 triệu trong năm 2011 và 828 triệu năm 2012 cho Xinwei; chiếm lần lượt 84,70% và 90,47% tổng doanh thu, hai năm liên tiếp chuyển lỗ thành lãi.
Mô hình của Xinwei ở Campuchia đã được áp dụng cho các dự án nước ngoài khác của tập đoàn tại Nga, Ukraine, Nicaragua, Mozambique, Panama, Ireland, Uganda. Báo cáo thường niên của Tập đoàn Xinwei cho thấy doanh thu bán hàng từ hoạt động kinh doanh mạng công cộng ở nước ngoài của họ tại các quốc gia này chiếm hơn 90% tổng doanh thu hàng năm.
Dựa vào doanh thu bán hàng từ các dự án này, Tập đoàn Xinwei đang trên bờ vực phá sản đã nhanh chóng chuyển lỗ thành lãi. Tập đoàn cũng thành công trong việc niêm yết cửa sau trên thị trường cổ phiếu A nhờ hiệu suất doanh thu ấn tượng. Vào tháng 6/2015, giá cổ phiếu của Tập đoàn Xinwei đạt mức tối đa hơn 67NDT/cổ phiếu và giá trị thị trường của nó từng lên tới mức hơn 200 tỉ NDT.
Mặc dù mô hình bán hàng này được mệnh danh là trường hợp kinh điển “biến đá thành vàng” của Vương Tịnh; nhưng theo mô hình tín dụng của người mua, Tập đoàn Xinwei phải gánh chịu rủi ro về khoản nợ khổng lồ của các công ty nước ngoài như Xinwei Campuchia.
Không ai biết lai lịch của doanh nhân bí ẩn Vương Tịnh. Vào thời điểm đó, trên thị trường có hai tin đồn: Vương Tịnh có hoặc là doanh nhân lão luyện hoặc chỉ là kẻ bù nhìn.
Dự án quốc tế "khủng"
Trong quá trình niêm yết cổ phiếu A của Tập đoàn Xinwei, Vương Tịnh đã có một số "siêu dự án nước ngoài" thu hút được sự chú ý của công chúng. Nhưng câu chuyện đáng chú ý nhất trong số đó là dự án kênh đào nhân tạo Nicaragua.
Năm 2012, Vương Tịnh tuyên bố nội bộ rằng Tập đoàn Xinwei sẽ đầu tư khoảng 50 tỉ NDT để xây dựng "Kênh đào Nicaragua" (Nicaragua Grand Canal) - một con kênh có tổng chiều dài khoảng 276 km ở Nicaragua, khu vực Trung Mỹ.
Nhiều người tin rằng đây sẽ là một siêu dự án. Trong mắt họ, Kênh đào Panama hiện thu được 2,8 tỉ USD phí qua lại mỗi năm, bởi vậy một khi kênh đào được xây dựng ở Nicaragua, nó sẽ là một cỗ máy in tiền khổng lồ và có tầm ảnh hưởng lớn đến địa chính trị của Trung Mỹ.
Theo kế hoạch của Vương Tịnh, sau khi kênh đào hoàn thành, Tập đoàn Xinwei sẽ trở thành đơn vị thực hiện dự án kênh đào lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong tương lai, Xinwei sẽ có quyền định giá để kiểm soát hoạt động logistic vận tải biển toàn cầu khi được quản lý kênh đào trong 100 năm.
Không chỉ vậy, Vương Tịnh còn có kế hoạch xây dựng kênh đào trước, sau đó xây dựng 2 cảng biển lớn, một đường ống dẫn dầu, một khu thương mại quốc tế và một sân bay hiện đại ở Nicaragua. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 330 tỉ NDT.
Trong lúc thị trường hoài nghi về dự án, Tổng thống Nicaragua đã đích thân tiếp Vương Tịnh và cam kết trao cho Tập đoàn Xinwei 8% thu nhập từ kênh đào cùng nhiều ưu đãi khác trong quá trình đàm phán.
Vào tháng 6/2013, chính phủ Nicaragua và Tập đoàn HKND do Vương Tịnh kiểm soát đã ký một thỏa thuận khung về dự án xây dựng và vận hành Kênh đào Nicaragua. Theo thỏa thuận, việc xây dựng con kênh nối hai đại dương này sẽ khởi công vào cuối năm 2014 và phấn đấu đạt được mục tiêu thông tàu hoàn toàn trong không quá 6 năm.
Chưa hết, Vương Tịnh còn tuyên bố sẽ đầu tư tới 10 tỉ USD để xây dựng một cảng nước sâu ở Ukraine. Tờ Financial Times của Anh đã đưa Vương Tịnh vào danh sách "25 người Trung Quốc đáng chú ý nhất" và phong cho ông danh hiệu "Doanh nhân bí ẩn nhất Trung Quốc".
Hàng loạt tuyên bố hoành tráng của Vương Tịnh đã khiến các nhà đầu tư tin chắc rằng ông ta phải có bối cảnh phi thường. Hết đợt sóng này đến đợt sóng khác đã đẩy giá cổ phiếu của Tập đoàn Xinwei tăng vọt lên 200 tỉ NDT, tài sản cá nhân của Vương Tịnh cũng tăng theo, khiến ông ta trở thành tỉ phú USD.
Ra sức thổi “bong bóng"
Theo kế hoạch chi tiết do Vương Tịnh vẽ ra, Tập đoàn Xinwei đã mở ra một giai đoạn phát triển nhanh chóng chưa từng có. Cùng lúc đó, Vương Tịnh cũng không ngừng thổi "bong bóng".
Vương Tịnh từng tuyên bố rằng với sự hợp tác của Đại học Thanh Hoa, một vệ tinh đã được Xinwei phóng thành công từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Không chỉ vậy, ông ta còn công bố kế hoạch mang tên "Mạng thông tin hàng không vũ trụ" nhằm thiết lập hệ thống mạng vệ tinh độc lập "kiểu Starlink" của riêng Trung Quốc
Vương Tịnh huênh hoang thông báo rằng Xinwei dự kiến sẽ phóng ít nhất 32 vệ tinh vào năm 2019 để hoàn thiện mạng lưới vệ tinh phủ sóng toàn cầu, cung cấp dịch vụ thông tin cho 95% dân số thế giới.
Vào lúc này, một số nhà đầu tư cũ bắt đầu bán tháo cổ phiếu của Tập đoàn Xinwei và kiếm được rất nhiều tiền, điều này càng kích thích thêm nhiều nhà đầu tư đổ tới. Khi giá cổ phiếu của Tập đoàn Xinwei liên tục tăng, Vương Tịnh thông báo Tập đoàn Xinwei có kế hoạch mua lại Công ty Motor Sich Engine nổi tiếng của Ukraine, một doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ toàn cầu.
Bị thu hút bởi những chiếc "bánh lớn", một số lượng lớn nhà đầu tư lần lượt đổ tiền vào Tập đoàn Xinwei. Năm 2015, tài sản của Vương Tịnh đạt đỉnh điểm, với tài sản cá nhân lên tới 10,2 tỉ USD, đưa ông ta trở thành một trong 200 người giàu nhất thế giới.
Nhưng chẳng bao lâu sau, giông bão đã ập đến.
(Còn tiếp)
Bà hoàng kính điện thoại Chu Quần Phi: Từ lời đồn “tiểu tam” đến đối tác của Apple, Huawei
"Vua xi măng" trắng tay sau 15 phút, đại gia ngành thép mất tích
Nợ nần chồng chất, tài sản bay hơi trong chốc lát
Theo Sina, Sohu, Caixin
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu