Phiên họp này cũng đồng thời xem xét phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và báo cáo thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14.
Tại phiên họp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trao đổi trước một số ý kiến liên quan đến ngành Ngân hàng. Cụ thể:
Tăng trưởng tín dụng 2016 nhiều khả năng đạt 18 – 20%
Đầu năm 2016, trên cơ sở các chỉ tiêu lạm phát và GDP, NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng là từ 18-20%. Cập nhật số liệu đến hết tháng 9/2016, tín dụng đã tăng ở mức 11,74%, trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 11%. Như vậy, so với cùng kỳ, mức tăng này khả quan hơn.
Cuối năm, tăng trưởng tín dụng thường tăng cao hơn những tháng đầu năm, bình quân như các tháng trong năm trước cũng vào khoảng từ khoảng 2 đến trên 2%/tháng. Nếu còn 3 tháng nữa trong cuối năm nay, nhiều khả năng cả năm sẽ đạt được chỉ tiêu định hướng 18-20%.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, có ý kiến cho rằng, tăng trưởng này đang ở mức quá cao và năm 2016 nên ở mức 15 - 16%. Thực ra, đối với nội tại của nền kinh tế VN, nhu cầu vốn cho DN vẫn dựa vào vốn của ngân hàng rất nhiều, chúng ta chưa thể phát triển các thị trường khác để chỉ vay vốn ngắn hạn từ NH. Cho nên, nhu cầu vốn với hệ thống NH vẫn rất lớn. Đặc biệt, trong năm 2016, kênh giải ngân từ đầu tư công vẫn còn chậm, nên tín dụng vẫn là một kênh quan trọng.
Tín dụng bất động sản 2016 chỉ bằng phân nửa 2015
Trong tổ chức chỉ đạo điều hành về tín dụng, Thống đốc NHNN chỉ đạo rất quyết liệt, điều hành theo hướng mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn và hiệu quả
Chỉ thị 01 đầu năm và Chỉ thị 04 vào tháng 5 của Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với bất động sản, tín dụng trung dài hạn hay tín dụng cho các dự án BOT, BT.
Trên thực tế, tín dụng bất động sản vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm lại rất nhiều so với tốc độ tăng của năm 2015. Đến 31/8/2016, tín dụng bất động sản tăng 6,73%, chậm so với tốc độ tăng 13,06% của cùng thời kỳ năm 2015. Diễn biến và xu hướng này đã đang diễn ra rất đúng với chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
9 tháng đầu năm 2016, lạm phát 3,14%
NHNN hoàn toàn đồng tình với đánh giá là lạm phát đang quay trở lại. Tuy nhiên, lạm phát đến tháng 9 tăng 3,14% so với cuối năm 2015, thể hiện sự chủ động của Chính phủ trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng và các dịch vụ y tế, giáo dục năm 2016.
Đối với lạm phát cơ bản, hiện nay, tháng 9 tăng 1,58% so với cuối năm 2015, nếu so với cùng kỳ thì tăng 1,85%, vẫn nằm trong dao động từ 1,5-1,9% như những tháng vừa qua.
Điều này cho thấy CSTT hiện nay cũng khá ổn định trong điều kiện lạm phát cơ bản như vậy, vẫn cho phép NHNN thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong điều hành, NHNN không chủ quan với diễn biến lạm phát.
Về số liệu cung ứng tiền, NHNN cũng theo dõi rất sát để nếu có những diễn biến tăng trở lại của lạm phát cơ bản thì NHNN sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp.
Xử lý xong 58,8 nghìn tỉ đồng nợ xấu
Số liệu nợ xấu cập nhật đến tháng 8/2016 ở mức 2,66%, là mức thấp hơn mức 3% như mục tiêu đã đưa ra vào cuối năm 2015. Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2016, xử lý nợ xấu được 58,8 nghìn tỉ đồng, trong đó chủ yếu xử lý được là nhờ thu nợ từ các khách hàng, cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế cũng giúp cho khách hàng có thể trả nợ được.
Thứ hai là sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu cũng như bán các loại tài sản để thu hồi nợ. Ngoài ra, mua nợ xấu của VAMC ở mức 16 nghìn tỉ đồng. Đó là mức thấp so với cùng kỳ nhưng đây là một tín hiệu cho thấy đa số các TCTD đều có mức nợ xấu dưới 3% nên không có nợ xấu để bán cho VAMC.
Vấn đề bây giờ là xử lý nợ xấu đã mua về VAMC. Trên thực tế, NHNN đã tiếp tục triển khai, nhưng vấn đề xử lý nợ xấu đang gặp rất nhiều khó khăn về quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý TSBĐ…
"Hiện nay, NHNN đang tiếp tục nghiên cứu để đưa những nội dung này trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để trình lên các cấp", Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh./.