Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch hành động nhằm cải thiện ngành y tế trên tất cả các lĩnh vực.
Một trong những nội dung đã được Bộ Y tế triển khai là đề án bệnh viện vệ tinh, nhằm chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới.
Sau 5 năm thực hiện, 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh đã được xây dựng; 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc,...
Nhờ đó, đã từng bước giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, ngành y tế còn nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, triển khai chương trình bệnh viện xanh sạch đẹp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử; HIS, PACS, LIS, và Telemedicine; tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu, nhằm huy động nguồn lực xã hội và đa dạng hóa mô hình cung cấp dịch vụ. Giá dịch vụ y tế được kiểm soát và công khai tại tất cả các bệnh viện.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình, nên nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như: Nâng cao chất lượng y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới phương pháp chi trả dịch vụ; xây dựng hệ thống kiểm định lâm sàng và tiến tới đánh giá chất lượng độc lập, công khai kết quả, gắn với chi trả BHYT.
“Đặc biệt, Bộ Y tế đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với ngành y tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự kết hợp của Bigdata, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ y tế thông minh” - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - cho biết: Đổi mới quản lý chất lượng và đổi mới quản lý bệnh viện là mục tiêu mà các bệnh viện tại Việt Nam hướng tới. Do đó, sau hội nghị này, các bệnh viện sẽ không ngừng nâng cao và cải thiện kỹ năng quản lý, điều hành bệnh viện, đặc biệt trong cơ chế tự chủ như hiện nay.
Năm nay, hội nghị gồm 5 đề án chính, trong đó có một đề án mới dành riêng cho các nhà lãnh đạo cấp cao, để thảo luận về tính bền vững của tài chính, thông qua đầu tư, tác động của chính sách công tới các dịch vụ bệnh viện, làm thế nào để giải quyết những thách thức trong việc thực hiện dựa trên sự quan tâm về các giá trị có sẵn.
Bên cạnh đó, một số đề án khác như: an toàn, chất lượng và kiểm định; chăm sóc bệnh nhân, cam kết; quản lý nhân tài và y tế 4.0 cũng được thảo luận.
Đáng chú ý, tại Hội nghị sẽ diễn ra Giải thưởng quản lý bệnh viện châu Á, nhằm vinh danh các bệnh viện ở châu Á - Thái Bình Dương hành nghề tốt nhất.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu