Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh và bền vững

Các chuyên gia, các nhà quản lý tọa đàm tìm ra những kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam xanh và bền vững.

Quang cảnh Hội đàm. (Ảnh: Minh Nghĩa/Vietnam+)

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai, ngày 12/6, Tập đoàn Capital House phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức Tọa đàm "Cafe Xanh" với chủ đề cơ sở vật chất xanh cho trường học xanh - xu thế, thách thức và lợi ích.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cuộc tọa đàm mong muốn tạo ra những góc nhìn đa chiều, những kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam xanh và bền vững.

Trường học xanh - lợi ích và thách thức

Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong xây dựng và phát triển trường học xanh, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong điều kiện như hiện nay, trường học xanh còn đang rất khiêm tốn, chưa thành một hệ thống.

Các điều kiện về cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy phạm đến các khâu tư vấn thiết kế, lập quy hoạch các công trình đã được công nhận nhưng về sau, ở khâu quản lý, vận hành… thì tại Việt Nam còn rất mới mẻ, chưa có những quy định cụ thể.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện số lượng công trình xanh chưa đến 100, số lượng trường học xanh rất ít. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở các rào cản về kỹ thuật, giá thành và nhận thức.

Để góp phần thúc đẩy, khuyến khích phát triển công trình xanh và tôn vinh những dự án tiêu biểu, đã có nhiều hệ thống đánh giá công trình xanh được ra đời.

Đa số các hệ thống đánh giá đều cố gắng lượng hóa mức độ "xanh" của các công trình thông qua những đóng góp cho môi trường và xã hội như phần trăm sử dụng nước và năng lượng, chất lượng tiện nghi sử dụng công trình...

Ông Chiến cho rằng, muốn có con người xanh phải có đô thị xanh. Muốn đô thị xanh phải có nhiều công trình xanh mà trong đó là trường học xanh.

Đối với một trường học hiện nay, đó là môi trường giao tiếp, gắn kết cộng đồng, là nơi con em đến học.

Trường học là môi trường mà các phụ huynh đến và giao tiếp. Bởi nhiều khu chung cư, đô thị, ngày hôm nay là làng xóm nhưng khi đô thị hóa tràn qua thì mối quan hệ giữa con người ngày càng xa cách.

Thậm chí trong một khu chung cư, cùng một tầng, nhà bên cạnh không biết nhà bên. Theo đó, các văn hóa truyền thống cũng bị mai một dần. "Giải pháp khôi phục giữ gìn truyền thống văn hóa chính là trường học xanh-nơi giao tiếp, gắn bó con người với nhau," ông Chiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chiến, đối với trường học xanh, thực trạng không phải lúc nào cũng diễn ra như quy chuẩn ban hành mà việc đầu tiên là lựa chọn vị trí đưa vào quy hoạch.

Quy chuẩn quy phạm phải xây dựng theo hướng Bắc-Nam, nhưng thực tế lại chọn hướng bất lợi nên cần sử dụng đến giải pháp của công nghệ. Nếu một công trình được xây dựng ở vị trí phù hợp, đúng hướng thì sẽ giảm thiểu rất nhiều các yếu tố hỗ trợ từ công nghệ, vật liệu.

Đề cập đến "Các bộ công cụ xanh cho trường học phổ biến ở Việt Nam - khó khăn và thách thức ở Việt Nam," ông Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đô thị Xanh Việt Nam nhấn mạnh, công trình xanh là những công trình giúp hạn chế tối đa tác động xấu của môi trường xây dựng tới con người và môi trường bằng việc lựa chọn vị trí, diện tích sử dụng, vật liệu xây dựng, quá trình xây dựng.

Các công trình này có hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, vật liệu, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tận dụng và tiết kiệm nguồn năng lượng, tài nguyên như: nước, gió đồng thời xử lý chất thải và tái tạo năng lượng.

Cũng từ thực tế triển khai, ông Nguyên cho biết, việc phát triển công trình xanh; trong đó, có trường học xanh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Đó là nhận thức về cộng đồng, đội ngũ chuyên gia chuyên môn như kiến trúc sư còn đang yếu, chưa đủ về chuyên môn sâu.

Các chủ đầu tư cũng đang rất quan tâm và thường hướng tới lợi ích gần hơn, ngay lập tức, lợi ích dài hạn ít quan tâm. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích công trình xanh.

Mô hình trường học xanh Genesis. (Ảnh: Minh Nghĩa/Vietnam+)

Ông Nguyên cho rằng, để làm trường học xanh cần quan tâm đến nhiều vấn đề về môi trường đào tạo, điều kiện vật chất, phương tiện giảng dạy.

Để đạt được mục tiêu trường xanh, vấn đề chi phí cũng cần đặt ra. Bởi các chi phí tăng thêm như thiết kế và phân tích chuyên sâu, chi phí tư vấn xanh, thiết bị và vật liệu xanh, đánh giá và cấp chứng chỉ… là các chi phí tăng thêm so với công trình thông thường.

Tuy nhiên, thực tế chi phí này tăng thêm khá nhỏ nếu áp dụng đồng bộ mọi giải pháp ngay từ đầu.

Với kinh nghiệm nhiều năm cố vấn, xây dựng các công trình xanh, trường học xanh, ông Johann Bourgoin, Chuyên gia Sáng tạo và Phát triển doanh nghiệp cho hay, thiết kế một trường học xanh cần nhiều yếu tố để tăng tiện nghi nhiệt. Chỉ sử dụng đèn khi ánh sáng tự nhiên quá yếu và tắt khi rời khỏi phòng.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống quản lý tòa nhà giúp tối ưu hóa sử dụng ánh sáng bên trong nhà và tiết kiệm năng lượng, cùng các giải pháp cách nhiệt tường, cách nhiệt sàn, mái xanh, vỉa hè xanh bằng các vật liệu xanh cách âm, cách nhiệt…

"Nhưng yếu tố quan trọng nhất để có một dự án xanh là đào tạo cho công nhân và đội ngũ cán bộ kĩ thuật thực hiện quá trình xây dựng xanh. Tiếp đó là đào tạo giáo viên, sinh viên và đội ngũ vận hành tòa nhà hiểu và sử dụng công trình xanh hiệu quả. Công trình xanh trước hết là nhờ giải pháp tự nhiên, sau đó mới đến giải pháp công nghệ. Công trình thông minh trước hết là nhờ giải pháp con người, sau đó mới đến giải pháp công nghệ," ông Johann Bourgoin nhận định.

"Kiến tạo cuộc sống Xanh" cho cộng đồng

Cùng chia sẻ quan điểm, góc nhìn về vấn đề trên, bà Đỗ Thùy Chi, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Capital House - chủ đầu tư Genesis School cho biết, để thực hiện hiệu quả cam kết của Capital House trên con đường "Kiến tạo cuộc sống Xanh" cho cộng đồng, bên cạnh các công trình nhà ở, khu đô thị, chủ đầu tư này đã xây dựng và hoàn thành đưa vào hoạt động Trường Mầm non và Tiểu học Genesis tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Đây là trường học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ Lotus hạng vàng, đã được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam trao chứng nhận Lotus hạng vàng-giai đoạn hoàn công trong sáng 12/6.

Với dự án này, chủ đầu tư mong muốn thế hệ tương lai được sống trong một môi trường sinh thái trong sạch, đặc biệt định hướng một phong cách sống xanh, hòa mình với thiên nhiên và phát triển dựa trên nền tảng tư duy khám phá, trải nghiệm từ tự nhiên.

Tại Genesis School, giáo dục xanh hay còn gọi là giáo dục vì sự phát triển bền vững theo 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc tầm nhìn 2030 được tích hợp cùng với chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo và Chương trình Tiếng Anh ESL, giúp khơi dậy sự hứng thú và tình yêu của trẻ với thiên nhiên, có trách nhiệm với môi trường sống xung quanh.

Là doanh nghiệp trực tiếp làm dự án trường học xanh, bà Chi khẳng định: "Bất kỳ một chủ đầu tư nào cũng quan tâm đến giá trị đối với cộng đồng xã hội, cân bằng với giá trị lợi nhuận. Thông thường, điểm hoàn vốn sẽ là 6-7 năm đối với công trình xanh. Còn đối với trường học xanh sẽ phải cam kết là 12 năm. Nhưng đối với việc mang lại giá trị tương lai mai sau thì đó là điều hạnh phúc, và chúng tôi đang đề cao điều đó lên trên hết."

Cùng quan điểm, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia Công trình Xanh-Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, khi phỏng vấn người mua nhà, họ chia sẻ, nếu sống ở căn hộ xanh chúng tôi sẽ tiết kiệm được 5 USD tiền điện.

Có nghĩa là khi người sử dụng, người mua hiểu được lợi ích sản phẩm bất động sản xanh họ sẵn sàng bỏ ra chi phí mua cao hơn… Do đó, chủ đầu tư bất động sản cần đưa các phương án xanh và để người dân hiểu được nơi ở, nơi sống, học tập làm việc xanh được lợi như thế nào./.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-thuc-day-phat-trien-cong-trinh-xanh-va-ben-vung/574503.vnp