Mô hình đặc biệt nên cán bộ cũng phải đặc biệt
Đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu vấn đề: “Nếu Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh chủ tịch?”
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nói là đặc khu có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt thì “chắc cán bộ cũng phải đặc biệt”
“Vừa rồi trong dự thảo cũng quy định, việc lựa chọn Chủ tịch đặc khu rất quan trọng nên sẽ thực hiện với quy trình chặt chẽ theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐNĐ bầu và Thủ tướng phê chuẩn. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ chọn được người có cả đức cả tài ”- Phó Thủ tướng nói.
Khi có đặc khu thì các vùng khác ra sao?
Đến phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội đặt câu hỏi: “Nếu triển khai thành công 3 đặc khu, tình hình kinh tế - xã hội của 3 nơi đó phát triển như thế nào, đóng góp vào kinh tế đất nước như thế nào?”. Đại biểu Trí đề nghị Phó thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10, 100 năm và lâu hơn nữa.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trên thế giới việc ra đời các đặc khu là để tạo ra nơi thử nghiệm thể chế, tạo ra cực tăng trưởng. Dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà Quốc hội đang thảo luận dựa trên tính toán tổng thể lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc phòng...
Ông khẳng định, dù có hay không đặc khu thì Hà Nội, TP HCM vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước; cùng với đó 7 khu kinh tế trọng điểm trên toàn quốc vẫn được tập trung cơ chế chính sách, quan tâm phát triển để lan tỏa đến đại phương khác.
"Việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng gì tới nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho phát triển 2 đầu tàu kinh tế và 7 khu kinh tế trọng điểm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.